16:03 03/12/2016
Sáng 1-12, 13 phạm nhân cải tạo tại Phân trại thuộc Trại tạm giam Công an TP Hải Phòng đã rời nhà giam theo Quyết định đặc xá tha tù năm 2016 của Chủ tịch nước trong niềm vui vỡ oà của gia đình, người thân. Kể từ nay, cánh cửa hoàn lương đã hoàn toàn rộng mở để đón họ về với cộng đồng, với xã hội, làm lại cuộc đời, khép lại quá khứ đau buồn của một thời lầm lỡ… Niềm vui lớn 30 phạm nhân có mặt tại buổi lễ từ sớm, dù đã được trở về hay chưa nhưng trên nét mặt họ vẫn rạng rỡ niềm vui sống. Bằng giọng run run vì xúc động, vui sướng, phạm nhân Nguyễn Văn Vân, sinh 1970, quê xã Ngũ Lão, huyện Thủy Nguyên, từng bị phạt 30 tháng tù giam về tội giả mạo trong công tác, thay mặt cho các phạm nhân được đặc xá đợt này bày tỏ niềm vui sướng khi được về với cộng đồng trước thời hạn. Anh Vân kể lại quá trình lao động cải tạo tại Phân trại AB - Trại tạm giam CATP, không quên gửi lời cảm ơn Ban giám thị Trại tạm giam đã quan tâm chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, dạy nghề, động viên thuyết phục, giảng giải cho anh biết bỏ chỗ tối ra chỗ sáng, để được về sớm như hôm nay. Tương tự, phạm nhân Đặng Thanh Tùng, sinh năm 1980, ở xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Bảo, can án 36 tháng tù giam về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (GTĐB) dù chưa được hết án cũng xin hứa sẽ cải tạo tốt để sớm được hưởng chính sách hoan hồng, nhân đạo của Đảng và nhà nước.
13 phạm nhân được về nhà hôm nay, tuy mỗi người mỗi quê, mỗi người một hoàn cảnh song đều có chung niềm vui tự do, để từ đó có thể thực hiện được những dự định tốt đẹp cho tương lai, những điều mà họ đã ấp ủ canh cánh trong suốt thời gian cải tạo tại trại như Vũ Tiến Đạt, sinh năm 1994, ở phường An Biên, quận Lê Chân, án phạt 33 tháng về tội gây rối TTCC; Nguyễn Văn Hùng, sinh năm 1979, ở xã Tân Phong, huyện Kiến Thuỵ, án phạt 36 tháng vì vi phạm quy định về điều khiển phương tiện GTĐB; Lê Trung Kiên, sinh 1996, ở xã Trường Thọ, huyện An Lão, án phạt 30 tháng cũng vì vi phạm giao thông; Hoàng Văn Mẫn, sinh 1987, ở Lãm Hà, Kiến An, án phạt 24 tháng vì cố ý gây thương tích; Phạm Đình Nguyên, sinh 1974, ở xã Hiệp Hoà, huyện Vĩnh Bảo, 30 tháng vì cưỡng đoạt tài sản… Giúp người lầm lỡ tái hòa nhập Điều đáng ghi nhận, trong nhiều năm qua, thực hiện Nghị định số 80/2011/NĐ-CP của Chính phủ về các biện pháp bảo đảm tái hoà nhập cộng đồng cho những người đã chấp hành xong án phạt tù, thành phố Hải Phòng đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, thiết thực giúp người lầm lỡ có cơ hội hoàn lương. Với vai trò là lực lượng nòng cốt, Giám đốc CATP đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương triển khai việc hướng dẫn, tiếp nhận, quản lý giáo dục, hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù về địa phương đi đôi với việc đẩy mạnh xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác tái hoà nhập cộng đồng cho người lầm lỡ. Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự & hỗ trợ tư pháp - CATP đã phối hợp với công an các địa phương hướng dẫn cho người hết án về làm thủ tục cấp đổi giấy chứng minh nhân dân, đăng ký lại hộ khẩu, hướng dẫn cấp giấy chứng nhận xoá án tích, phiếu lý lịch tư pháp… để họ có cơ hội trở lại cuộc sống như bao người bình thường khác trong xã hội. Công an các đơn vị, địa phương cũng đã vận động các ngân hàng, cơ quan, doanh nghiệp cho người hoàn lương vay vốn để sản xuất, nhận vào làm việc, có thu nhập, ổn định cuộc sống. Điển hình như chị Trần Thị Nõn, ở xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên, từng phải ngồi sau song sắt vì buôn bán vật liệu nổ. Khi ra tù, chị Nõn được nhận vào làm công nhân ở Xí nghiệp khai thác đá Quyết Tiến. Nhờ chịu khó lam làm, chị có thu nhập tốt, được anh em công nhân bầu làm tổ trưởng sản xuất. Tương tự, anh Ngô Trọng Hoan, ở thôn Pháp Cổ, xã Lại Xuân, huyện Thuỷ Nguyên, sau thời gian can án 7 năm tù về tội giết người, cũng được nhận vào làm lái xe tải, được lãnh đạo xí nghiệp tín nhiệm, giao quản lý 20 đầu xe, lương tháng thu nhập khá, ổn định kinh tế gia đình. Cũng được sự quan tâm của chính quyền, các anh Đỗ Văn Thanh, Bùi Văn Tùng, Phạm Văn Mạnh, Bùi Văn Quý, ở xã Đồng Thái, huyện An Dương, tạo điều kiện phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh truyền thống của địa phương, từng bước vươn lên làm giàu. Anh Trần Đại Hàn, ở xã Quốc Tuấn, huyện An Lão, sau khi rời Trại Xuân Nguyên với án tù 7 năm đã về địa phương, mạnh dạn vay vốn, mở rộng khu vườn với diện tích 9.750m2 lập trang trại, vừa trồng cây lâu năm, vừa chăn nuôi, thả cá…, mỗi năm thu nhập trên 160 triệu đồng và thu hút thêm 10 lao động nhàn rỗi ở địa phương vào làm việc. Anh Đồng Tú Bình, ở phường Hưng Đạo, quận Dương Kinh, cũng từng can án 2 năm tù giam và mắc nghiện ma tuý. Ở trại cai nghiện về, Bình mang theo 2 con bò, 10 con lợn giống là quà tặng của Ban giám đốc Trung tâm GDLĐ&XH Gia Minh - Thuỷ Nguyên để gây vốn làm ăn. Nhờ chịu khó cày sâu cuốc bẫm, Bình đã có của ăn của để và hạnh phúc đã mỉm cười khi anh có được người vợ hiền thảo và những đứa con ngoan… Có mặt tại buổi lễ công bố Quyết định đặc xá năm 2016 của Chủ tịch nước, Phó chủ tịch UBND TP Lê Khắc Nam, người có nhiều năm gắn bó, chỉ đạo tâm huyết với công tác tái hoà nhập cộng đồng đã khẳng định, đặc xá là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, thể hiện truyền thống nhân đạo tốt đẹp của dân tộc đối với người bị kết án phạt tù, khuyến khích họ ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động cải tạo, trở thành người có ích cho xã hội, góp phần quan trọng bảo đảm yêu cầu giữ gìn TTATXH, thực hiện tốt Chiến lược ANQG, phòng chống tội phạm của Chính phủ. Phó chủ tịch UBND TP Lê Khắc Nam ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của lực lượng CATP trong việc tham mưu, chỉ đạo, thực hiện công tác đặc xá một cách chủ động, tích cực, qua đó huy động cả hệ thống chính trị tham gia vào việc tiếp nhận, quản lý, giúp đỡ người được đặc xá hoà nhập cộng đồng, tránh tái phạm. Đồng chí Phó chủ tịch UBND TP cũng đề nghị các cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện hiệu quả Nghị định số 80/2011/NĐ-CP tạo mọi điều kiện thuận lợi để người được đặc xá xoá bỏ mặc cảm, có cơ hội hoàn lương… Thế Khoa |