13:30 30/05/2023 Sáng 30-5, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Quy định rõ về chữ kỹ điện tử
Về chữ ký điện tử, Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN và môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy nêu rõ, có ý kiến đề nghị cần làm rõ nội hàm của chữ ký số, chữ ký điện tử; đề nghị làm rõ các hình thức OTP, SMS hay sinh trắc học có phải là chữ ký điện tử không? Có ý kiến nghiên cứu bổ sung quy định nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các biện pháp xác thực với vai trò như là chữ ký điện tử.
Hiện nay, các hình thức mã xác thực giao dịch qua tin nhắn điện tử (SMS), xác nhận mật khẩu dùng một lần (OTP), Token OTP, sinh trắc học, định danh người dùng bằng phương thức điện tử (eKYC)… được sử dụng tương đối phổ biến trong giao dịch điện tử. Tuy nhiên, các hình thức này chỉ được coi là chữ ký điện tử khi kết hợp một cách lô gic với thông điệp dữ liệu, có khả năng xác nhận chủ thể ký thông điệp dữ liệu và xác nhận sự chấp thuận của chủ thể đó đối với nội dung thông điệp dữ liệu được ký quy định tại khoản 11 Điều 3 dự thảo Luật.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội , dự thảo Luật đã chỉnh lý nội dung giải thích từ ngữ về “Chữ ký số”, “Chữ ký điện tử” tại Điều 3. Ngoài ra, Điều 25 dự thảo Luật đã phân loại chữ ký điện tử theo phạm vi sử dụng theo 3 hình thức chữ ký điện tử bao gồm: chữ ký điện tử chuyên dùng; chữ ký số công cộng và chữ ký số chuyên dùng công vụ để áp dụng cho các đối tượng có nhu cầu sử dụng chữ ký điện tử khác nhau phù hợp với thực tiễn.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cho rằng quy định này có phần chưa sát thực tiễn giao kết giao dịch trên môi trường điện tử.
Trên thực tế có ba loại chữ ký điện tử được sử dụng phổ biến: chữ ký số chữ ký số (có giá trị pháp lý và độ an toàn cao nhất được tổ chức chứng thực chữ ký); chữ ký scan (đặc biệt thông dụng trong các hợp đồng liên quan đến giao dịch đa quốc gia có yếu tố nước ngoài về mặt chủ thể); chữ ký hình ảnh (được sử dụng nhiều trong trường hợp trong hợp đồng có giá trị không lớn nhưng được ký nhiều lần và lặp đi lặp lại).
Đối chiếu với dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi lần này, đại biểu cho rằng chữ ký scan và chữ ký hình ảnh dường như không thể xếp vào bất kỳ loại chữ ký điện tử nào quy định tại Điều 25. Do đó, giá trị pháp lý cho hai loại chữ ký này có thể không được công nhận. Tuy nhiên, hai loại chữ ký này tương đối phổ biến và áp dụng nhiều trong thực tiễn. Do đó, đại biểu đề nghị nếu chữ ký điện tử đáp ứng đủ các điều kiện để đảm bảo chữ ký an toàn, giá trị pháp lý của các loại chữ ký điện tử, ngoài chữ ký số thì nên được công nhận.
Cần bổ sung quy định trách nhiệm của các nhà cung cấp
Đại biểu Trần Thị Thu Phước (Kon Tum) cho rằng, Luật Giao dịch điện tử đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai công tác trong thời kỳ mới, nên việc sửa đổi luật cho phù hợp với điều kiện thực tế là rất cần thiết để làm thông thoáng thủ tục trong môi trường pháp lý. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho biết, hiện nay, trên không gian mạng đang có nhiều hiện tượng lợi dụng, lừa đảo trong giao dịch điện tử.
Để giảm thiểu tình trạng nguy hiểm này, bảo đảm quyền lợi của người thực hiện giao dịch cũng như môi trường giao dịch lành mạnh, đại biểu đoàn Kon Tum cho rằng dự thảo luật cần bổ sung quy định trách nhiệm của các nhà cung cấp, các nền tảng trung gian trong giao dịch điện tử đối với các hành vi vi phạm pháp luật trên nền tảng số, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có liên quan trong việc xác minh, làm rõ, giám sát, xử lý các vi phạm để đảm bảo giao dịch trên môi trường số an toàn, lành mạnh.
Theo đại biểu, dự thảo luật cần áp dụng hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an làm tiêu chuẩn chung cho giao dịch trên môi trường điện tử, trong giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến.
Làm rõ về quản lý chữ ký số chuyên dùng công vụ
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) nêu rõ, dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ là dịch vụ công quan trọng đặc thù do đối tượng sử dụng dịch vụ là công chức, viên chức nhà nước. Lĩnh vực quản lý về chữ ký số chuyên dùng công vụ và quản lý về chữ ký số chuyên dùng công cộng là 2 lĩnh vực riêng biệt có đặc thù khác nhau về đối tượng mục tiêu phương thức quản lý hạ tầng kỹ thuật.
Do vậy, khi quy định đối với cơ quan quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dùng công vụ cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, không nhất thiết cứng nhắc bắt buộc phải tách bạch về quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ.
Cho ý kiến liên quan đến quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dùng công vụ và chữ ký số công cộng, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân chỉ rõ, thực tiễn từ năm 2007 đến nay đã tồn tại 2 hệ thống chữ ký số riêng biệt là chữ ký số chuyên dùng công vụ và chữ ký số công cộng được Chính phủ giao cho 2 cơ quan quản lý. Trong đó, Bộ Quốc phòng quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dùng công vụ. Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dùng công cộng.
Trong khi đó, chữ ký số chuyên dùng công vụ là hoạt động có tính đặc thù, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân bảo lưu. Đây là thực thi công vụ của Nhà nước thực hiện nhiệm vụ chính trị đòi hỏi cấp độ an toàn, bảo mật cao hơn. Đối với chữ ký số chuyên dùng công cộng do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý và cấp phép cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp là hoạt động kinh doanh có điều kiện, có thu phí.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho rằng nếu như dự thảo Luật quy định Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý nhà nước cả 2 loại chữ ký số nêu trên khi có vấn đề mất an toàn xảy ra thì việc xác định trách nhiệm là không rõ ràng. Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân đề nghị quy định về Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử trong lĩnh vực cơ yếu, chữ ký số chuyên dùng công vụ theo quy định pháp luật về cơ yếu và giao dịch điện tử
Đồng thời, đề nghị bổ sung 1 khoản quy định trách nhiệm của Ban Cơ yếu Chính phủ trong việc giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xây dựng ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật tiêu chuẩn kỹ thuật về chữ ký số chuyên dùng công vụ; quản lý và triển khai hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ; tổ chức đào tạo, tập huấn, tuyên truyền, phổ biến thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, báo cáo Chính phủ về chữ ký số chuyên dùng công vụ.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân cũng cho rằng dự thảo Luật này là chuyên ngành chuyên sâu còn có nhiều từ khóa chưa rõ và khó hiểu, chỉ có các nhà chuyên môn mới hiểu được. Do đo, cần tiếp tục nghiên cứu rà soát để quy định rõ hơn tại giải thích từ ngữ.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (TP Hồ Chí Minh) đồng tình giao Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện chức năng quản lý về giao dịch điện tử. Tuy nhiên, đối với vấn đề chữ ký điện tử số công vụ, đại biểu cho rằng sự tách bạch giữa chữ ký số công vụ phải được mã hóa bởi Ban Cơ yếu của Chính phủ. Do đó, đề nghị Quốc hội xem xét vấn đề này dưới góc độ quốc phòng, an ninh để đảm bảo vấn đề quốc phòng, an ninh quốc gia...
Theo đại biểu, Đảng, Nhà nước đã cho phép thành lập một cơ quan riêng biệt thuộc Bộ Quốc phòng cũng như của Bộ Công an để bảo vệ chủ quyền quốc gia cũng như an ninh quốc gia trên không gian mạng. Bên cạnh đó, các Chỉ thị, Nghị quyết và các giấy tờ khác không đơn thuần là các văn bản sẽ được ký ban hành trên môi trường điện tử, cho nên phải sử dụng kỹ thuật mật mã của Ban Cơ yếu Chính phủ.
Đây cũng là cơ quan chịu trách nhiệm trước Bộ Quốc phòng và Chính phủ về quản lý nhà nước cả về kỹ thuật và con người để gắn trách nhiệm. Đồng thời, đơn vị này cũng được sử dụng mật mã cơ yếu để nghiên cứu theo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Do đó, đại biểu đề nghị sửa lại khoản 4 Điều 7 dự thảo Luật theo hướng Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động giao dịch điện tử thuộc lĩnh vực cơ yếu chữ ký số chuyên dùng công vụ theo quy định của pháp luật về cơ yếu và giao dịch điện tử.
Đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt (Hà Nội) nêu rõ, Nghị quyết số 56-NQ/TW Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển ngành cơ yếu Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045 đã xác định lực lượng cơ yếu chủ trì triển khai sản phẩm mật mã để bảo vệ thông tin bí mật Nhà nước, hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phát triển, mở rộng hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng chính phủ tiên tiến, hiện đại.
Theo đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt, bản chất của chữ ký số chuyên dùng công vụ là dùng công nghệ mật mã để xác thực thông tin dữ liệu và được triển khai sử dụng trong hoạt động công vụ của các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. Kinh nghiệm thế giới cũng như Việt Nam coi mật mã như một vũ khí đặc biệt để bảo vệ an ninh quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và do cơ quan thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, quân sự, quốc phòng, đối ngoại của đất nước để quản lý theo một chế độ nghiêm ngặt và phải được mã hóa. Nếu như xác định như vậy thì Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc này.
Mặt khác, chữ ký số chuyên dùng công vụ là chữ ký của người có thẩm quyền. Mỗi văn bản, mỗi giao dịch công vụ đều có tác động rất lớn và ảnh hưởng đến nhân dân, đến quốc gia, lợi ích của dân tộc. Vì vậy, chữ ký số chuyên dùng công vụ cần phải được cung cấp, quản lý chặt chẽ, bảo mật và phải giao cho cơ quan về quốc phòng, an ninh quản lý.
Để tránh sự chồng chéo và bảo đảm có tính ổn định, thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời bảo đảm tính khả thi và triển khai thực hiện luật ngay khi được thông qua mà không phải chờ văn bản hướng dẫn thi hành, đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt đề nghị là cần quy định ngay trong dự thảo Luật về trách nhiệm của Ban Cơ yếu Chính phủ giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ. Đề nghị giữ nguyên việc quản lý nhà nước và lĩnh vực cơ yếu và chữ số chuyên dùng công vụ; bổ sung một khoản vào Điều 27 quy định cụ thể về chữ ký số chuyên dùng công vụ tại dự thảo Luật quy định về trách nhiệm của Ban cơ yếu Chính phủ giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về chữ ký số chuyên dùng công vụ./,
Hồng Thanh
21:28 15/10/2024
21:08 15/10/2024
15:42 15/10/2024
Xử lý một trường hợp ở địa bàn huyện An Lão xuyên tạc, sai sự thật trên mạng xã hội
Công an huyện Thuỷ Nguyên: Liên tiếp triệt phá 5 vụ tàng trữ trái phép chất ma túy
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Chân dung nhà vô địch tuyệt đối Giải Thể hình, Sport Physique Cúp Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng mở rộng
Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống ngành Tổ chức xây dựng Đảng (14/10/1930 - 14/10/2024)
Trong 2 ngày, các tổ công tác CATP giúp di chuyển tài sản 133/288 hộ dân tại Nhà A7, A8 Vạn Mỹ
Công an huyện Cát Hải tiếp tế lương thực cho các hộ gia đình bị ngập lụt, cô lập do lụt