Đại biểu Quốc hội đề nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

20:12 25/05/2023

Sáng 25-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận; việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia; việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022; chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

            Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng thảo luận tổ 4 cùng đoàn Cà Mau; Thừa Thiên Huế và Lai Châu.

                              

Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng thảo luận tổ 4 cùng đoàn Cà Mau; Thừa Thiên Huế và Lai Châu

          Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, tình trạng nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề, địa phương cắt giảm đơn hàng đã diễn ra từ quý 4-2022 và tiếp tục tiếp diễn sang quý 1 năm 2023, dẫn đến hàng trăm nghìn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, nhất là tại các khu công nghiệp, ảnh hưởng tới đời sống của người lao động. Số người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục tăng. Điều này đã ảnh hưởng tới mục tiêu thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân và chính sách an sinh xã hội.

      Đánh giá về nội dung này, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng số liệu về lao động, việc làm, thu nhập của người lao động trong báo cáo của Chính phủ mâu thuẫn với tình hình kinh tế, hoạt động của doanh nghiệp và tình hình người lao động trong một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động.

         Các đại biểu cũng đề nghị cần có các giải pháp phù hợp và thực hiện hiệu quả để ổn định việc làm cho người lao động, có giải pháp hỗ trợ kịp thời cho người lao động thất nghiệp, mất việc làm để bảo đảm an sinh, trật tự, an toàn xã hội; xây dựng nhà ở xã hội, xây dựng và nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hóa cho công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất; bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hoá tốt đẹp.

         Một số đại biểu nêu thực trạng lương của người đi làm không đủ trang trải cuộc sống và đề nghị các cơ quan xem lại nguyên tắc trả lương để người đi làm ngoài nuôi bản thân, còn nuôi được con nhỏ và cha mẹ già. Cùng với đó, sớm xem xét tăng lương hưu vì nhiều người đi làm 30 năm, đóng đủ bảo hiểm nhưng lương hưu chỉ 2,5-3 triệu đồng mỗi tháng, phải đi làm thêm mới đủ sống.

         Đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) nêu rõ quan điểm, ủng hộ chủ trương đầu tư đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét (tỉnh Bình Thuận); Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận. Tuy nhiên, để thực hiện các dự án này cần nghiêm túc đánh giá những tác động môi trường, nghiêm túc thực hiện các giải pháp về tái trồng rừng, hoàn nguyên, hoàn thổ để bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững, thực hiện  mục tiêu bảo tồn để phát triển.

          Đại biểu nhất trí với những đánh giá trong báo cáo của Chính phủ về tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023. Dù báo cáo nhận diện rõ những hạn chế, khó khăn, thách thức, nhưng giải pháp tương ứng với từng vấn đề đó các còn mang tính định hướng chung, chưa rõ giải pháp tháo gỡ cụ thể cho từng vấn đề. Thực tế hiện nay, sức chống chịu, năng lực ứng phó của nền kinh tế trước những tác động bên ngoài còn hạn chế. Theo đại biểu, việc đánh giá sức khỏe của nền kinh tế không chỉ chú trọng đến chỉ số tăng trưởng GDP mà cần quan tâm đến nhiều yếu tố, chỉ số khác, để có những điều chỉnh tương ứng. Do đó, Chính phủ cần phải có cả giải pháp trước mắt và lâu dài.

      Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Chu Hồi cho rằng, việc lập quy hoạch còn rất chậm trễ, chưa đáp ứng với yêu cầu phát triển, thu hút đầu tư, dẫn tới tình trạng địa phương gặp nhiều vướng mắc, lúng túng, đòi hỏi Chính phủ có những chỉ đạo sát sao để khắc phục triệt để.

       Về kinh tế biển nói chung, phát triển ngành thủy sản nói riêng hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn do nhu cầu, đơn hàng quốc tế sụt giảm đáng kể. Điều này đòi hỏi phải có giải pháp, chính sách đặc thù hỗ trợ cho ngư dân, ngư nghiệp, ngư trường, hướng tới phát triển bền vững, cũng như bảo vệ chủ quyền an ninh biển, đảo theo tinh thần Nghị quyết 36 của Trung ương Đảng về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

                                  

                                      Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng Lã Thanh Tân phát biểu thảo luận tổ

     Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) cho rằng, để nâng cao nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, Chính phủ nghiên cứu, sớm có giải pháp, cá thể hóa trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan trong việc soạn thảo, xây dựng pháp luật. Cơ quan soạn thảo, xây dựng dự án Luật cần được cơ cấu, tổ chức hoạt động theo hướng độc lập, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và mang tính khách quan, phù hợp với quan điểm, chủ trương của Đảng là chống tiêu cực, lợi ích nhóm khi xây dựng thể chế, pháp luật. Đồng thời, trong công tác lập pháp cần có sự chỉ đạo thống nhất, toàn diện đồng bộ từ rà soát, đánh giá thực tiễn áp dụng, tập trung vào những khâu, lĩnh vực cần đột phá về thể chế....

        Theo đại biểu Lã Thanh Tân, để nâng cao hiệu quả trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì công tác chỉ đạo cần ở mức cao hơn, đặt ngang với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Do đó, cần thiết xem xét thành lập Ban Chỉ đạo trong công tác này.

       Đại biểu Lã Thanh Tân nêu thực trạng hiện nay nhiều bộ, ngành Trung ương sở hữu, quản lý nhà nghỉ, khách sạn ở một số địa phương, nhất là tại các địa điểm, khu du lịch. Đến nay, mô hình này đang gây lãng phí, không hiệu quả, hiệu quả quản lý không cao. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần rà soát tổng thể, có giải pháp khắc phục tình trạng này theo hướng chuyển giao về địa phương để huy động nguồn lực xã hội, thu hút đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển./.

                                                                                                                                                      Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông