Đại biểu Quốc hội Hải Phòng góp ý vào dự thảo Luật PCCC và cứu hộ cứu nạn; Luật Phòng không nhân dân

12:06 20/06/2024

Chiều 19-6, Quốc hội thảo luận tổ về dự thảo Luật PCCC và cứu hộ cứu nạn; Luật Phòng không nhân dân. Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng thảo luận tại tổ 4 cùng đoàn đoàn Bắc Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kon Tum.

         

 Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng thảo luận tại tổ 4 cùng đoàn đoàn Bắc Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kon Tum.

    Đa số ý kiến tại tổ 4 cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Luật PCCC và cứu hộ cứu nạn (CNCH) nhằm thể chế đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về PCCC và CNCH, đồng thời bổ sung quy định mới để nâng cao hiệu quả công tác PCCC, CNCH đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong giai đoạn hiện nay.

           Các đại biểu quan tâm đến phòng cháy đối với nhà ở và  cho rằng, thời gian qua đã xảy ra rất nhiều vụ cháy, nhất là liên quan đến nhà ở kết hợp với kinh doanh và để lại thiết hại lớn. Nhiều công trình nhà ở kết hợp với dịch vụ khi chuyển đổi công năng đã không đảm bảo yêu cầu PCCC nhưng khắc phục được an toàn PCCC còn gặp nhiều khó khăn, thậm chí nhiều khách sạn, quán karaoke phải dừng hoạt động trong một thời gian dài vì liên quan đến vấn đề khắc phục PCCC.

Thiếu tướng Vũ Thanh Chương, Giám đốc Công an Hải Phòng phát biểu thảo luận tổ

           Theo đại biểu Vũ Thanh Chương (Hải Phòng), công tác PCCC hiện nay còn nhiều bất cập và cho rằng nâng cao nhận thức, tự phòng cũng có ý nghĩa quyết định. Nhiều trường hợp do có kiến thức về PCCC, có kỹ năng tự bảo vệ bản thân và người nhà khi có cháy và bình tĩnh chờ lực lượng chữa cháy tới giải cứu đã thoát nạn. Từ đó đề nghị cần được giáo dục tại các cấp học và làm tốt công tác tuyên truyền; hướng dẫn kỹ năng xứ lý khi xảy ra cháy; thành lập tổ liên gia PCCC, các điểm PCCC công cộng. Đại biểu cho rằng cảnh báo cháy sớm cần được đưa vào trong Luật vì nhiều vụ cháy lớn rồi mới phát hiện ra, gây hậu quả nặng nề.

Về quy hoạch PCCC, đại biểu Vũ Thanh Chương  quan tâm tới nguồn nước phục vụ PCCC. Nêu ví dụ về vụ cháy chợ Tam Bạc (Hải Phòng), đại biểu nêu rõ: nếu phụ thuộc vào nguồn nước của Công ty cấp nước không đủ, phải lấy thêm nguồn nước sông… Do đó, cần quy định rõ nguồn nước đủ để đáp ứng yêu cầu chữa cháy.

Đại biểu Nguyễn Minh Quang (Hải Phòng) phát biểu thảo luận tổ

          Đại biểu Nguyễn Minh Quang (Hải Phòng)  tham gia vào điều 6 của Luật PCCC và CNCH. Đại biểu cho rằng cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của tổ chức và cá nhân. Cùng với đó, quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành. Hiện nhiều vụ cháy chủ yếu do chập điện, vậy phải kiểm soát chất lượng thiết bị điện, cần bổ sung thêm một điều cấm trong Luật. Về quy định: chỉ có phương tiện của cơ quan công an được sử dụng đèn, còi ưu tiên đi trên đường giao thông, theo đại biểu là chưa đầy đủ trong khi xe của các lực lượng khác như quân đội, doanh nghiệp cũng có, nên bổ sung thêm cho đầy đủ.

          Về Luật Phòng không nhân dân, đại biểu cho rằng  có điểm mới là đưa  phương tiện không người lái;  phương tiện bay siêu nhẹ vào quản lý, đã quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, nhất là Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Công Thương… Tuy nhiên, theo đại biểu, các phương tiện này còn  phục vụ bay trong sản xuất nông nghiệp, du lịch, nếu giao Cục Tác chiến Bộ Quốc phòng cấp phép, sẽ rất khó khăn. Về miễn giấy phép bay hoạt động ngoài khu vực cấm bay, hạn chế bay, ít có khả năng ảnh hưởng tới QPAN thì cơ quan soạn thảo phải làm rõ vì nếu dưới 50m thì rất khó kiểm soát, như thế nào là ít khả năng gây hại. Đại biểu cho rằng, nên chăng giao cho cơ quan quân sự cấp huyện quản lý thi kiểm soát tốt hơn.  

Đại biểu Nguyễn Đức Dũng (Hải Phòng) phát biểu thảo luận tổ

               Đại biểu Nguyễn Đức Dũng (Hải Phòng) cho rằng, việc xây dựng Luật Phòng không nhân dân nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng không nhân dân, tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, huy động, tổ chức hoạt động phòng không nhân dân, quản lý các hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không; xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội để phát triển kinh tế; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.  

          Từ đó đề nghị việc xây dựng, ban hành Luật Phòng không nhân dân nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng, có ý nghĩa thiết thực bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, rất quan trọng và cấp bách./.

                                                                                                                    Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích