Đại học Ngoại thương công bố phương án tuyển sinh

17:17 26/02/2017

Để được nộp hồ sơ vào Đại học Ngoại thương, thí sinh cần có điểm trung bình từng năm lớp 10, 11, 12 từ 6,5 trở lên.
 
Mới đây, Đại học Ngoại thương đăng thông tin tuyển sinh đại học chính quy năm học 2017. Theo đó, trường đưa ra đầy đủ các mã ngành và chỉ tiêu xét tuyển cụ thể với cả 3 cơ sở tại Hà Nội, Quảng Ninh và TP.HCM.
 
Ký hiệu tổ hợp các môn xét tuyển: A00 (Toán, Lý, Hoá); A01 (Toán, Lý, Tiếng Anh); D01 (Toán, Văn, Tiếng Anh); D02 (Toán, Văn, Tiếng Nga); D03 (Toán, Văn, Tiếng Pháp); D04 (Toán, Văn, Tiếng Trung); D06 (Toán, Văn, Tiếng Nhật); D07 (Toán, Hóa, Tiếng Anh).
 
Thời gian đăng ký xét tuyển theo lịch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sinh viên tự túc chỗ ở. Học phí dự kiến năm học 2017-2018 đối với chương trình đại  trà là 16,8 triệu đồng/sinh viên/năm. Dự kiến học phí được điều chỉnh hàng năm không quá 10%/năm.
 
  Thông tin chi tiết về tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2017. Ảnh chụp màn hình.
Thông tin chi tiết về tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2017. Ảnh chụp màn hình.
Phương thức tuyển sinh: Xét tuyển trên cơ sở kết quả của kỳ thi THPT quốc gia 2017 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Điểm trúng tuyển được xác định theo nhóm ngành và được xác định riêng cho từng cơ sở bao gồm cơ sở Hà Nội, cơ sở 2 - TP.HCM và cơ sở Quảng Ninh.
 
Hệ số của các môn thi xét tuyển: Đối với nhóm ngành không phải nhóm ngành ngôn ngữ, điểm các môn thi xét tuyển nhân hệ số 1. Đối với các nhóm ngành ngôn ngữ, điểm các môn thi ngoại ngữ nhân hệ số 2.
 
Xếp ngành/chuyên ngành: Thí sinh sau khi trúng tuyển vào trường theo nhóm ngành được xét tuyển vào ngành/chuyên ngành đào tạo của trường căn cứ trên nguyện vọng đăng ký ngành/chuyên ngành theo thứ tự ưu tiên của thí sinh và chỉ tiêu tuyển sinh của từng ngành/chuyên ngành xét tuyển.
 
Trường hợp số thí sinh bằng điểm nhiều hơn chỉ tiêu còn lại của nhóm ngành, sẽ xét ưu tiên theo điểm thi môn Toán.
 
Điều kiện được nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển: Điểm trung bình chung học tập của từng năm lớp 10, 11, 12 từ 6,5 trở lên; hạnh kiểm của từng năm lớp 10, 11, 12 từ khá trở lên; điểm ba môn thi (theo tổ hợp môn xét tuyển) đạt mức điểm thông báo nhận hồ sơ xét tuyển của nhà trường và không có môn thi nào trong tổ hợp xét tuyển có kết quả từ 1.0 (một) điểm trở xuống.
 
Chênh lệch giữa các tổ hợp môn xét tuyển: Đối với cơ sở Hà Nội và cơ sở TP.HCM: Tổ hợp môn xét tuyển A01, D01,D03,D04,D06,D07 thấp hơn tổ hợp môn xét tuyển A00 là 1 điểm/30 điểm.Tổ hợp môn xét tuyển D02 thấp hơn tổ hợp môn xét tuyển A00 là 2 điểm /30 điểm.
 
Ngành Ngôn ngữ Trung (Môn ngoại ngữ nhân hệ số 2): Tổ hợp môn xét tuyển D04 thấp hơn tổ hợp môn xét tuyển D01 là 2 điểm/40 điểm. Ngành Ngôn ngữ Nhật (môn ngoại ngữ nhân hệ số 2): Tổ hợp môn xét tuyển D06 thấp hơn tổ hợp môn xét tuyển D01 là 2 điểm/40 điểm.
 
Đối với cơ sở Quảng Ninh: Nhóm ngành NTH08 không có chênh lệch điểm giữa các tổ hợp môn xét tuyển. Chế độ ưu tiêu, tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT và các quy định cụ thể của nhà trường.
 
Tổng chỉ tiêu (CT) xét tuyển của ĐH Ngoại thương năm 2017 là 3.750. Trong đó, cơ sở Hà Nội có 2.700 CT, ngành Kinh tế có số lượng tuyển nhiều nhất là 840 CT, tiếp đến là Kinh tế quốc tế 340 CT, Quản trị kinh doanh 340 CT, Tài chính - Ngân hàng 340 CT, Kinh doanh quốc tế 190 CT, Ngôn ngữ 170 CT.
 
Cơ sở Quảng Ninh có 150 CT, trong đó ngành Kế toán 70 CT, Kinh doanh quốc tế 80 CT.
 
Cơ sở 2 TP.HCM tuyển 900 CT, bao gồm: 500 CT cho ngành Kinh tế đối ngoại, 150 CT ngành Quản trị kinh doanh, 150 CT ngành Tài chính quốc tế và 100 CT ngành Kế toán - kiểm toán.
 
Theo Hàn Triệt/Zing


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông