09:46 27/12/2023 Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 là sự kiện chính trị quan trọng của giai cấp nông dân và tổ chức Hội Nông dân Việt Nam. Là cơ hội để đẩy mạnh công tác xây dựng Hội nông dân các cấp, xây dựng giai cấp nông dân vững mạnh; phát huy vai trò to lớn của nông dân tham gia phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN, nhất là trong xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đại hội được tổ chức trọng thể trong 3 ngày (từ 25-27/12/2023) tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, với sự tham dự của 1.000 đại biểu đại diện cho hơn 10 triệu cán bộ, hội viên nông dân cả nước. Tại Đại hội lần này, bên cạnh việc thảo luận quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ cho cả nhiệm kỳ, Đại hội sẽ bầu ra Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2023-2028.
Phương hướng chung
Với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Hợp tác - Phát triển”, Đại hội lần thứ VIII Hội Nông dân Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 – 2028, xác định phương hướng chung của nhiệm kỳ là:
Xây dựng Hội Nông dân Việt Nam và giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh; khơi dậy khát vọng, phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới.
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ nội dung, phương thức hoạt động Hội; tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn; tổ chức có hiệu quả các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội; tích cực tham gia thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trực tiếp thực hiện một số chương trình phát triển KT-XH trên địa bàn nông thôn; tham gia xây dựng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, góp phần phát triển nhanh và bền vững đất nước.
5 mục tiêu; 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá
Theo đó, Đại hội đề ra 5 nhóm mục tiêu cần tập trung thực hiện như sau: Xây dựng Hội Nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; xây dựng đội ngũ cán bộ Hội các cấp đủ phẩm chất, năng lực, tâm huyết, tận tụy phục vụ nông dân; phát triển và nâng cao chất lượng hội viên, xây dựng và củng cố cơ sở Hội vững mạnh.
Không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết nông dân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân; đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân, nâng cao năng lực làm chủ của nông dân.
Mặt khác, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả các phong trào nông dân; đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” gắn với hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, phát triển các mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị, các mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác, hợp tác xã.
Xây dựng người nông dân văn minh, nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng sản xuất, kinh doanh, năng lực đổi mới sáng tạo, ý thức trách nhiệm xã hội, tôn trọng pháp luật và nếp sống văn minh cho nông dân; khơi dậy ý chí, tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên, phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân tham gia phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động tham gia giám sát, phản biện xã hội, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hoạt động đối ngoại nhân dân.
Trên cơ sở đó, Đại hội đã đề ra 9 chỉ tiêu chủ yếu cần phấn đấu thực hiện thắng lợi trong nhiệm kỳ như: Thành lập mới 15.000 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, 3.000 chi Hội Nông dân nghề nghiệp; trực tiếp, phối hợp đào tạo, bồi dưỡng nghề cho 1,2 triệu hội viên trở lên.
Phấn đấu hằng năm có từ 60% số hộ nông dân trở lên đăng ký phấn đấu và có từ 50% số hộ đăng ký trở lên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; có từ 30% số hội viên trở lên tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã. Đồng thời hỗ trợ thành lập mới 5.000 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và 1.000 hợp tác xã nông nghiệp; 100% hộ hội viên sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm; tăng trưởng quỹ hỗ trợ nông dân bình quân từ 10%/năm trở lên, trong đó 2% là vận động từ nguồn ngoài ngân sách. Và 100% cơ sở Hội xây dựng được mô hình về bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu…
Để đạt được các nhóm mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, Đại hội cũng xác định rõ 6 nhiệm vụ và giải pháp sau: Xây dựng Hội Nông dân Việt Nam vững mạnh; xây dựng người nông dân Việt Nam văn minh, phát triển toàn diện; phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tham gia bảo đảm QP-AN; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hoạt động đối ngoại Nhân dân.
Trong đó, Đại hội đã xác định rõ 3 nhiệm vụ mang tính trọng tâm, đột phá là đổi mới mạnh mẽ phương thức tập hợp, đoàn kết nông dân; tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp và đẩy mạnh hỗ trợ nông dân ứng dụng CNTT để tham gia chuyển đổi số nhằm thực hiện thắng lợi, toàn diện các phương hướng, nhiệm vụ, chỉ tiêu đặt ra trong cả nhiệm kỳ.
Bình Huệ
10:16 23/11/2024
07:41 23/11/2024
22:01 22/11/2024