Đảm bảo ANTT phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

17:52 20/12/2023

Chiều ngày 19/12, Bộ Công an, Thành uỷ, UBND thành phố Hải Phòng đồng chủ trì tổ chức Toạ đàm "Đảm bảo an ninh trật tự phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Tới dự có các đồng chí: Trung tướng, PGS.TS Trần Vi Dân, Cục trưởng Cục V04, Bộ Công an; Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng; Thiếu tướng, TS Vũ Thanh Chương, Giám đốc CATP Hải Phòng cùng đại diện lãnh đạo 11 địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng; các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an, Sở Khoa học và Công nghệ và các sở, ban, ngành thành phố Hải Phòng liên quan.
Quang cảnh hội nghị
Thiếu tướng Vũ Thanh Chương, Giám đốc CATP Hải Phòng phát biểu khai mạc cuộc toạ đàm

Phát biểu tại hội nghị, Trung tướng, PGS.TS Trần Vi Dân, Cục trưởng Cục V04, Bộ Công an bày tỏ, dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành, cấp uỷ, chính quyền và sự tham gia tích cực của người dân, vùng Đồng bằng sông Hồng đã có những bước phát triển vượt bậc, từng bước khẳng định là một trong hai cực tăng trưởng của cả nước, đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế đất nước phát triển, nâng cao đời sống của người dân, góp phần giúp các địa phương trong Vùng thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, cùng cả nước hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, xã hội đã đề ra.

Trung tướng, PGS.TS Trần Vi Dân, Cục trưởng Cục V04, Bộ Công an phát biểu tại hội nghị

Đồng chí cũng thẳng thắn chỉ ra một số khó khăn, thách thức của các địa phương hiện nay như: Các nguy cơ đe doạ an ninh phi truyền thống tiếp tục tác động mạnh mẽ đến tình hình ANTT; một số vấn đề xoay quanh an ninh nông thôn, đô thị như việc đền bù giải phóng mặt bằng các dự án, hoạt động khai thác tài nguyên trái phép; tình hình an ninh chính trị nội bộ, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" diễn biến phức tạp hay tình hình một số loại tội phạm có xu hướng gia tăng do ảnh hưởng bởi đời sống kinh tế - xã hội khó khăn...

Các đại biểu tham dự toạ đàm

Tại buổi toạ đàm, các đại biểu cùng nhau thảo luận tập trung vào một số nội dung như: Đánh giá khái quát tình hình ANTT trên địa bàn các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng thời gian qua; việc tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các cấp triển khai Nghị quyết số 12 ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị khoá XIII về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Thành uỷ, UBND thành phố đối với đảm bảo ANTT gắn với phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, nhiệm vụ quân sự - quốc phòng; công tác huy động hệ thống chính trị, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức tôn giáo và người dân trong bảo đảm ANTT; việc xây dựng thế trận lòng dân gắn với thế trận Quốc phòng toàn dân, thế trận An ninh nhân dân trong bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, an ninh quốc gia cũng như các phương hướng phối hợp nghiên cứu các vấn đề có liên quan đến phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội gắn với bảo đảm ANTT trên địa bàn các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng thời gian tới.

Đại diện lãnh đạo 11 địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng trình bày tham luận tại toạ đàm
Các đại biểu tham dự toạ đàm

Buổi toạ đàm là diễn đàn để các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, tập trung nghiên cứu, thảo luận, trao đổi thẳng thắn những vấn đề lý luận, thực tiễn, qua đó, Đoàn khảo sát của Bộ Công an tập hợp, tiếp thu, xây dựng báo cáo kết quả Toạ đàm với Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm ANTT phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo tinh thần Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị./.

Kim Anh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông