Đảm bảo ATTP và phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả: Đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu

10:08 14/01/2018

Đó là chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Đức Long, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh Quảng Ninh khi chủ trì Hội nghị tổng kết công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 và công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả diễn ra sáng 8-1. Cùng dự hội nghị có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh và kết nối trực tuyến với 14 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Nhiều biện pháp mạnh

Với đặc thù của một địa phương có cửa khẩu, cảng biển và nằm trong tam giác kinh tế trọng điểm phía Bắc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, tỉnh Quảng Ninh có nhiều lợi thế về phát triển kinh tế - xã hội, song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt là từ hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Năm 2017, trên địa bàn toàn tỉnh tổ chức được 875 đoàn thanh, kiểm tra định kỳ với 18.072 cơ sở, phạt tiền 1.957 cơ sở với tổng số gần 7 tỷ đồng; thực hiện công khai thông tin về các cơ sở vi phạm về ATTP trên website của ngành thành viên và trên phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh. Các đơn vị liên quan đã cấp gần 1.700 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về ATTP và gần 1.800 giấy xác nhận kiến thức về ATTP cho trên 5.700 người tham gia sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm…

Bằng nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả, bám sát thực tế địa bàn, từ đó công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh trong năm 2017 có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trên địa bàn toàn tỉnh vẫn để xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm với 36 người mắc, không gây tử vong, dịch bệnh không truyền qua thực phẩm…; hiện tượng nông dân có thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định vẫn còn; việc kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung đang chậm; một số chợ, thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ…

Đối với công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, trong năm 2017, thực hiện chỉ đạo của trung ương, Ban chỉ đạo 389 tỉnh đã xây dựng và triển khai các kế hoạch hành động, ban hành quy chế và phân công rõ trách nhiệm phối hợp giữa các đơn vị, gắn với việc phân, giao địa bàn quản lý theo hướng “rõ người - rõ việc - rõ trách nhiệm”.

Trên tinh thần đó, các đơn vị đã tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng tình hình buôn lậu tại các địa phương, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; nâng cao chất lượng công tác tham mưu, chỉ đạo… Từ đó, đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý kịp thời, triệt để hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả ngay từ khu vực biên giới.

Trong năm 2017, các lực lượng chức năng trong tỉnh đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 2.498 vụ, 2.355 đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả (giảm 24% so với năm 2016), thu nộp ngân sách 53 tỷ đồng, khởi tố 45 vụ với 79 đối tượng. Vi phạm trong lĩnh vực thuế nội địa 1.552 vụ, phạt tiền hành chính 98,5 tỷ đồng, truy thu thuế bổ sung 200,81 tỷ đồng.

Đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu

Sau khi nghe báo cáo về kết quả công tác đảm bảo VSATTP năm 2017, phương hướng nhiệm vụ 2018 và công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, đại diện các sở, ngành, địa phương của tỉnh đã đề xuất một số biện pháp đảm bảo VSATTP trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, các đại biểu đề nghị chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm soát các chợ đầu mối; cấp giấy chứng nhận và thường xuyên thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm; đổi mới hoạt động tuyên truyền; phân công trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương, cơ sở, các ngành trong công tác đảm bảo VSATTP; tăng cường tuyên truyền, giám sát quy trình sản xuất, chế biến thực phẩm tại cơ sở giết mổ, cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, các chợ, bếp ăn tập thể, khu du lịch; xây dựng phát triển thương hiệu thực phẩm an toàn; ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong quản lý ATTP…

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long, nhấn mạnh, năm 2017  toàn tỉnh đã chủ động, quyết liệt hơn trong việc thực hiện Chỉ thị 13 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý nhà nước về VSATTP. Đặc biệt là đã đề cao hơn vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, cụ thể là chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các sở, ban, ngành.

Toàn tỉnh cũng đã tăng cường thanh, kiểm tra về VSATTP, xử lý vi phạm một cách công khai, nghiêm minh; kiên quyết đóng cửa những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cũng luôn quan tâm tới việc đảm bảo an toàn cũng như khâu bảo quản, chế biến thực phẩm.

Tuy nhiên, còn nhiều nơi chưa quản lý chặt chẽ được vấn đề vệ sinh VSATTP; chưa quan tâm đúng mức về xử lý vi phạm về VSATTP. Đồng chí chỉ đạo, trong thời gian tới, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng từ tỉnh đến cơ sở cần có sự chuyển biến tích cực về đảm bảo an toàn đối với các loại thực phẩm tươi sống, thực phẩm tiêu dùng hàng ngày của người dân.

Ngoài ra, cần thực hiện công tác quản lý Nhà nước về ATTP thường xuyên, kiên trì, quyết liệt vì mục tiêu cuộc sống của mọi người; cần kiểm soát tốt các cơ sở chế biến và nguồn gốc của hàng hóa thực phẩm, không để tồn tại cơ sở sản xuất hàng giả, hàng bẩn có quy mô, có tổ chức lớn; kiểm soát chặt chẽ hàng qua biên giới, các sản phẩm không đảm bảo như thuốc bảo vệ thực phẩm không có nguồn gốc, hóa chất bảo quản… tuyệt đối không được nhập vào tỉnh.

Cơ quan thanh tra phải tiến hành kiểm tra đột xuất và xử lý nghiêm các vụ vi phạm, công bố, công khai rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng để nhân dân biết và tẩy chay không sử dụng các sản phẩm bẩn cũng như cơ sở vi phạm; dành thời gian trực tiếp đi kiểm tra tại các điểm nóng, chợ đầu mối, chợ hạng II, III trên địa bàn quản lý.

Để đảm bảo công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong thời gian tới, đồng chí đề nghị các ngành Hải quan, Bộ đội biên phòng, Công an, các địa phương phối hợp chặt chẽ với nhau chặt chẽ trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; tăng cường kiểm soát chặt chẽ các tuyến biên giới; tập trung, quyết liệt điều tra, đấu tranh phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu.

Đồng thời, chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền với người tiêu dùng nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp trong nước nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng uy tín cho các sản phẩm nội địa...

NHẬT LAM

 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích