Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết nguyên đán năm 2023

    11:15 12/01/2023

    Thực phẩm và sử dụng thực phẩm là nhu cầu thiết yếu của mọi người, mọi nhà, mọi lúc, mọi nơi. Vệ sinh an toàn thực phẩm là yếu tố cần thiết để bảo vệ sức khỏe người dân vì thực phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của mỗi người. Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão đang đến rất gần, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm lại được đặt lên hàng đầu nhằm đảm bảo mọi người, mọi nhà đón Tết an toàn và sung túc.

    Vào dịp cuối năm và Tết nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao, kéo theo việc sản xuất, kinh doanh và vận chuyển các mặt hàng thực phẩm cũng tăng lên nhộn nhịp. Bên cạnh nguồn hàng sản xuất tại địa phương thì đa phần hàng hóa trên thị trường được nhập từ nước bạn Trung Quốc và các tỉnh, thành khác về tiêu thụ. Do đó, đây là thời điểm mà nguy cơ không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm diễn biến phức tạp, với nhiều loại mặt hàng thực phẩm không bảo đảm chất lượng, hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc… tiềm ẩn những nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Cũng chính vì thế, công tác bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp này được thành phố và ngành Y tế đặc biệt quan tâm.

    Thời gian qua, nhằm mang lại thị trường sạch, an toàn cho người dân, UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát và xử lý các trường hợp vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là trong những ngày giáp Tết.

    Lực lượng chức năng kiểm tra việc thực hiện các quy định về nhãn mác hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm tại một cơ sở kinh doanh.

    Cụ thể, theo Quyết định số 4403 của UBND thành phố về việc kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm đợt Tết Nguyên đán Quý Mão, thành phố đã tổ chức thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành do lãnh đạo các sở, ngành gồm: Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm trưởng đoàn. Kế hoạch triển khai từ ngày 26-12-2022 đến hết ngày 13-1-2023, mỗi đoàn kiểm tra khoảng 50 cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm tại các quận, huyện về việc chấp hành quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, như: thực hiện các quy định, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm; ghi nhãn, quảng cáo sản phẩm trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm.

    Đại diện lãnh đạo Sở Y tế cho biết, để tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết nguyên đán Quý Mão 2023, Sở Y tế đã chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố với các mục đích chính là thanh kiểm tra việc thực hiện các quy định đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh ăn uống song song với việc tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục rộng rãi về kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân, người sản xuất, kinh doanh, phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; đồng thời xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo quy định của pháp luật.

    Theo thống kê của ngành Y tế, dịp Tết Dương lịch vừa qua, trên địa bàn thành phố xảy ra 5 ca ngộ độc thực phẩm nhỏ, lẻ. Dù không phải là ngộ độc tập thể nhưng cũng là hồi chuông cảnh báo đến người dân và các cơ quan chức năng trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Lễ, Tết. Do vậy, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là vấn đề thời sự và được quan tâm đặc biệt của mọi người tiêu dùng.

    Trên thực tế, tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời gian qua trên cả nước diễn ra phức tạp. Rất nhiều loại thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, không an toàn đang được lưu hành trên thị trường, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người tiêu dùng như sữa nhiễm melamine, rượu chứa nhiều methanol, ô mai, xí muội nhiễm chì, thịt đông lạnh nhập khẩu không rõ nguồn gốc, nhiễm vi sinh vật và có nhiều tạp chất, hết hạn sử dụng vẫn tiêu thụ trên thị trường; việc giết mổ và chế biến các loại gia súc, gia cầm không bảo đảm điều kiện vệ sinh; việc sử dụng hóa chất ngoài danh mục cho phép trong sản xuất chế biến thực phẩm, tình trạng sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh trong nông nghiệp không đúng quy định còn khá phổ biến…

    Làm sao để có những bữa ăn an toàn, đảm bảo sức khỏe cho các thành viên gia đình khi sử dụng bất cứ loại thực phẩm nào là mối quan tâm hàng đầu của các bà nội trợ. Điều đó càng được các bà, các chị chú trọng hơn vào dịp cuối năm nhằm đảm bảo cho gia đình đón Tết sum vầy, no ấm.

    Chị Vũ Thu Hiền, Tổ 1 phường Nam Sơn, quận Kiến An tâm sự: Trên thị trường vẫn còn tồn tại các mặt hàng không rõ nguồn gốc, không nhãn mác, hay thực phẩm sử dụng chất hóa học độc hại. Mong các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường kiểm tra kiểm soát; các nhà sản xuất, nhà kinh doanh nâng cao đạo đức, cung cấp thực phẩm chất lượng cho người tiêu dùng, để nhà nhà đón Tết an toàn.

    Quan tâm vệ sinh an toàn thực phẩm để chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm là hết sức cần thiết, vừa cấp bách, vừa lâu dài, phải được thực hiện thường xuyên, liên tục để khống chế các nguy cơ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng, nhất là trong các dịp Lễ, Tết. Để không trở thành “nạn nhân”, không còn cách nào tốt hơn là người tiêu dùng phải có ý thức tự bảo vệ mình, có ý thức chủ động tẩy chay, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm.

    Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông minh; tích cực, chủ động tìm hiểu các kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm; lựa chọn những loại thực phẩm sạch, thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đồng thời đọc kỹ hướng dẫn và hạn sử dụng khi mua hàng và khi sử dụng; biết cách phân biệt hàng giả, hàng thật; bảo quản và chế biến thực phẩm đúng quy cách để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân, gia đình và cùng nhau đón Tết an toàn, ý nghĩa.

    VŨ DUYÊN

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông