Đảng lo cho dân, dân biết ơn Đảng

09:12 17/09/2024

Ngày 16-9-2024, ông Nguyễn Đình Bình ở số nhà 2 CT2, A3 Vạn Mỹ viết thư cảm ơn đồng chí Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo thành phố thị sát chung cư Vạn Mỹ ngay khi bão tan (tối 8-9)

Bức thư có đoạn viết: “Tối 6-9, tôi cùng gia đình đi tránh bão tại Trường THCS Quang Trung, được đoàn công tác của Thành ủy Hải Phòng do đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu dẫn đầu  tới thăm hỏi, động viên. Tôi và mọi người rất cảm động trước sự quan tâm của thành phố, quận Ngô Quyền và phường Vạn Mỹ”. Từ sự xúc động và biết ơn đó, ông Nguyễn Đình Bình đã viết bài thơ “Thân thương ngày bão”, trong đó có câu: “Thành phố, quận, phường đến thường xuyên- Bí thư Thành ủy tới động viên- Những lời thăm hỏi khi bão gió- Lòng dân bỗng ấm áp, an yên”.

Đồng chí Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy và các đồng chí lãnh đạo thành phố thăm, động viên các hộ dân chung cư Vạn Mỹ đi tránh trú bão tại Trường THCS Quang Trung tối 6-9 (ông Nguyễn Đình Bình ngồi giữa)

          Bà Nguyễn Thị Hồng Nhật ở căn hộ số 86, tầng 2, cầu thang 6, chung cư A7 Vạn Mỹ cũng vừa viết thư cảm ơn gửi tới các đồng chí lãnh đạo thành phố; quận Ngô Quyền; phường Vạn Mỹ. Bà Nhật đã nói hộ tâm tình của hơn 300 hộ dân các khu chung cư A7, A8 Vạn Mỹ, biết ơn sự quan tâm, chăm lo chu đáo, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân trong cơn bão số 3 và giờ đây lại tổ chức di chuyển khẩn cấp cho hàng trăm hộ dân tới nơi ở mới. Như vậy, sự lo lắng triền miên nhiều năm liền về sự xuống cấp, nguy  hiểm của các hộ dân chung cư A7, A8 Vạn Mỹ chính thức chấm dứt, mở ra một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn.

          Trong thư, bà Nguyễn Thị Hồng Nhật chân thành cảm ơn lãnh đạo Chính phủ; Thành ủy; HĐND; UBND thành phố; lãnh đạo quận Ngô Quyền; phường Vạn Mỹ luôn lo lắng, quan tâm tới người dân, với quan điểm nhất quán: tính mạng nhân dân là trên hết, trước hết. Trong lúc cả thành phố đang bộn bề rất nhiều công việc khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3 nhưng các hộ dân chung cư Vạn Mỹ nhận được sự quan tâm đặc biệt, khẩn cấp với những cách làm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc khiến người dân thực sự cảm động. Bà Hồng Nhật viết: “trong hoạn nạn, khó khăn,  càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; của các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể; càng trân trọng tinh thần "tương thân,tương ái", "lá lành đùm lá rách" của dân tộc Việt Nam”.  

Đồng chí Đỗ Mạnh Hiến, Phó bí thư Thường trực Thành ủy trao quà, động viên các hộ dân phường An Dương, quận Lê Chân đang tạm lánh để bảo đảm an toàn

          Trước đó, bà Phạm Thị Lương, tổ trưởng tổ dân phố số 1, phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền cũng viết thư cảm ơn lãnh đạo thành phố; quận; phường chăm lo chu đáo an toàn cho người dân.

          Theo bà Phạm Thị Lương, cơn bão số 3 đổ bộ khiến cây đa cổ thụ tại số 56 phố Phạm Minh Đức bị đổ đè vào trạm điện; hàng loạt cây xanh khác bị gãy đổ, nằm ngổn ngang trên đường phố. Ai cũng lo không biết đến bao giờ mới giải quyết được hậu quả này. Thế nhưng, lãnh đạo quận Ngô Quyền; phường Máy Tơ; BCH Quân sự quận; Công an phường; các doanh nghiệp điện, nước, cây xanh, môi trường... đã xuống ngay hiện trường cùng nhân dân xử lý, khắc phục hậu quả cơn bão. Đặc biệt, Chủ tịch phường Máy Tơ Phạm Ngọc Hiếu và Trưởng Ban Quân sự phường Hoàng Việt Dũng hơn 5 giờ lội nước, chỉ đạo và trực tiếp chặt cây, di chuyển tôn của cả một mái nhà 30m2 từ nơi khác bay đến nằm trên ngọn cột điện ngõ 42 Phạm Minh Đức để bảo đảm sự đi lại cho hơn 30 hộ gia đình trong ngõ; làm tới khi xong việc mới thôi. Tiếp sau đó, các cấp chính quyền lại lo cho dân được cấp điện, cấp nước, bảo đảm thông tin liên lạc trở lại; thu gom; dựng lại cây xanh; nhanh chóng đưa cuộc sống trở lại bình thường. Bà Phạm Thị Lương và nhân dân tổ dân phố số 1 phường Máy Tơ vô cùng xúc động trước sự quan tâm, sát dân, gần dân, hiểu dân và lo cho dân của lãnh đạo thành phố, quận, phường.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng thăm các hộ dân chung cư Vạn Mỹ mới được chuyển tới tạm trú tại chung cư phường Kênh Dương, quận Lê Chân
        Đây mới chỉ là 3 trong số hàng triệu lời cảm ơn của người dân đất Cảng đối với Đảng; Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thành phố và các địa phương. Quả thật, cho tới bây giờ, đúng 10 ngày sau bão, người dân Hải Phòng vẫn chưa hết bàng hoàng trước sức tàn phá của cơn bão số 3 (Yagi) ngày 7-9 khi đổ bộ vào thành phố. Vốn là miền đất cửa biển nhưng nhiều chục năm liền, những cơn bão chủ yếu là “sượt” qua Hải Phòng, nếu có đổ bộ thì cũng chỉ trong một thời gian ngắn. Nhưng lần này, Yagi quần thảo suốt hàng chục giờ liền với sức gió cấp 13-14, giật cấp 17 khiến thành phố Cảng phải căng mình chống chọi. Trong bối cảnh đó, chỉ cần một chút chủ quan, lơ là thì hậu quả không lường hết được.

          Rất may mắn là từ đầu năm 2024, Hải Phòng đã diễn tập ứng phó với siêu bão và các kịch bản tình huống giờ đã trở thành thật và được áp dụng triệt để. Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố; lãnh đạo các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp và nhân dân luôn bám sát diễn biến của cơn bão để ứng phó với tinh thần chủ động cao nhất, với quan điểm nhất quán: tính mạng của người dân là trên hết, trước hết. Tàu thuyền được kêu gọi vào bờ; hàng nghìn hộ dân tại các khu chung cư cũ và các khu nhà trọ xuống cấp, nguy hiểm; tại các vùng trũng, thấp, gần đê, sông… được di chuyển tới nơi tránh trú bão an toàn.

          Khi bão về,  Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp về Hải Phòng thành lập Sở chỉ huy tiền phương để chỉ đạo chống bão số 3 đối với Hải Phòng và các tỉnh, thành phố trong vùng. Các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND thành phố; lãnh đạo các ngành, các địa phương cũng không có giây phút nghỉ ngơi mà dành toàn tâm, toàn lực cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo chống bão. Các lực lượng công an, quân đội, thanh niên xung kích… không quản ngại mưa to, gió lớn, nguy hiểm, lao mình vào tâm bão để bảo đảm an toàn giao thông, bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

Chính vì thế, mặc dù cơn bão hoành hành suốt hàng chục giờ nhưng toàn thành phố cơ bản an toàn.  Đáng mừng là hệ thống công trình đê điều, công trình thuỷ lợi trên địa bàn thành phố đảm bảo an toàn, không phát sinh sự cố. Toàn thành phố có 2 người thiệt mạng do bị tường đổ (nhà kiên cố không thuộc diện phải di dời) và 65 người bị thương do bão, do bất cẩn và cả do chủ quan, không lường hết sức mạnh của cơn bão nhưng hầu hết đã hồi phục và trở về nhà.  

Trong bức thư gửi nhân dân thành phố sau khi cơn bão đi qua, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố  nhấn mạnh: “Trong nguy nan, truyền thống đoàn kết, bản lĩnh vượt khó của người Hải Phòng lại càng kiên cường, tỏa sáng. Nhờ vậy, thiệt hại do cơn bão số 3 đã được giảm thiểu ở mức thấp nhất”.

Mặc dù vậy, bão số 3 đã để lại những hậu quả nặng nề, khó tránh về kinh tế. Thống kê sơ bộ, mức thiệt hại của Hải Phòng lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Có rất nhiều việc phải làm, phải cần đến tiền nhưng đồng chí Bí thư Thành ủy, Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy trực tiếp chỉ đạo trước hết phải lo bảo đảm an toàn cho nhân dân. Bởi sau bão, các khu chung cư cũ vốn đã cũ kỹ, xuống cấp lại càng nguy hiểm hơn, có thể sập đổ bất cứ lúc nào.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng chủ trì họp thống nhất chủ trương di dời người dân ra khỏi 41 chung cư cấp độ D

Và ít có địa phương nào làm được như Hải Phòng khi quyết định di dời toàn bộ 2600 hộ dân tại 41 chung cư xuống cấp cấp độ D bằng cách bố trí nơi ở mới tại các chung cư thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn hoặc hỗ trợ bằng tiền để tạm lánh. Tất cả những việc này được thực hiện rất khẩn trương sau bão và hơn 300 hộ dân A7,A8 chung cư Vạn Mỹ là những người đầu tiên thực hiện công cuộc di chuyển này.

Người dân biết ơn thành phố vì những quyết sách vô cùng kịp thời, nhân văn, hiện thực hóa giấc mơ an cư của bao người thu nhập thấp. Nếu không, những người như bà Hồng Nhật, với mức thu nhập của nhân viên lao động hợp đồng tại Trường tiểu học Thái Phiên sẽ không thể chấm dứt 14 năm lo âu, thấp thỏm tại chung cư Vạn Mỹ và chẳng bao giờ dám mơ tới một nơi ở tốt hơn. 

Công ty CP Thái Hollding và Viconship ủng hộ huyện Cát Hải 5 tỷ đồng; 400 thùng mì ăn liền, góp phần khắc phục hậu quả cơn bão số 3

Không chỉ có vậy, lãnh đạo thành phố đang riết róng chỉ đạo tập trung mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả cơn bão số 3 với tinh thần tự lực, tự cường là chính. Hàng nghìn tỷ đồng ngân sách được cân đối từ các nguồn dự phòng, quỹ dự trữ tài chính, quỹ phòng chống thiên tai; từ cắt giảm các công trình, dự án; hội nghị, hội thảo; tham quan, học tập chưa thật sự cần thiết… Cùng với đó là nguồn xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

Bí thư Quận ủy Ngô Quyền Phạm Văn Hà trao hỗ trợ cho hộ dân bị thiệt hại về nhà ở do bão số 3
Chủ tịch UBND quận Ngô Quyền Cáp Trọng Tuấn trao quà động viên các hộ dân chung cư Vạn Mỹ tạm lánh tại Khách sạn Hàng hải

Các nguồn lực này được tập trung lo cho dân, từ sửa chữa trường học, cơ sở y tế tới hỗ trợ doanh nghiệp; nông dân, ngư dân bị thiệt hại do bão; bảo đảm việc làm, đời sống cho người lao động; hỗ trợ người dân thiệt hại về nhà ở, nhất là các nhà bị tốc mái, sập nhà…

 Bởi vậy, người dân thành phố hoàn toàn yên tâm về công cuộc tái thiết của thành phố; tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố;  tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, bản lĩnh, tinh thần “tương thân, tương ái”, biến tình yêu Hải Phòng thành sức mạnh, chung tay, sẻ chia, hỗ trợ, động viên lẫn nhau khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra nhằm nhanh chóng đưa thành phố trở lại cuộc sống bình thường.

Đảng lo cho dân, dân tin và biết ơn Đảng. Ý Đảng lòng dân hòa quyện sẽ biến thành sức mạnh tinh thần và vật chất to lớn để Hải Phòng nhanh chóng vượt qua cơn bão số 3, hiện thực hóa các mục tiêu, khát vọng phát triển./.

                                                                                                                                      Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông