08:00 14/11/2024 Ngày 13-11, Quốc hội làm việc tại hội trường và tại tổ, xem xét, quyết định và thảo luận nhiều nội dung, chủ trương quan trọng.
Chưa tăng lương hưu, lương CBCC trong năm 2025
Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 (trong đó, có một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước).
Nghị quyết quyết nghị, số thu ngân sách nhà nước là 1.966.839 tỷ đồng. Sử dụng 60.000 tỷ đồng nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của ngân sách Trung ương và 50.619 tỷ đồng nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương đến hết năm 2024 còn dư chuyển sang bố trí dự toán năm 2025 của các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương để thực hiện mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng. Như vậy, năm 2025 chưa tăng lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, người có công. Tuy nhiên, trường hợp kinh tế xã hội năm sau thuận lợi, Chính phủ sẽ cân đối nguồn và đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Tổng số chi ngân sách nhà nước là 2.548.958 tỷ đồng; mức bội chi ngân sách nhà nước là 471.500 tỷ đồng, tương đương 3,8% tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Đánh giá, tính toán kỹ lưỡng, thận trọng, bảo đảm hiệu quả của dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam
Thảo luận tổ về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, đại biểu Quốc hội Hải Phòng và đại biểu đoàn Tuyên Quang, Ninh Thuận, Bà Rịa- Vũng Tàu thống nhất cao về sự cần thiết và ý nghĩa của dự án.
Thiếu tướng Vũ Thanh Chương, Giám đốc Công an Hải Phòng đồng tình với chủ trương xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam. Theo đại biểu, lợi thế của tuyến đường sắt đã rõ, góp phần quan trọng trong hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa, đặc biệt giảm chi phí logictíc, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa và tiếp cận công nghệ mới.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần xác định, chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc có thể xảy ra để tính toán mức độ, hiệu quả đầu tư. Cùng với đó, cần rút kinh nghiệm khi xây dựng hệ thống đường sắt trên cao và một số tuyến đường, nhất là thời gian thực hiện và tổng mức đầu tư để dự án không bị kéo dài, tổng mức đầu tư không bị điều chỉnh tăng cao.
Đại biểu Tống Văn Băng (Hải Phòng) khẳng định đây là là dự án đặc biệt quan trọng, được nhân dân rất quan tâm. Mặc dù vậy, cần xác định và lựa chọn công nghệ phù hợp, tiên tiến, hiện đại nhất trên thế giới vì dự án kéo dài từ năm 2030- 2045, do đó cần tính toán tới sự phát triển của khoa học công nghệ. Ngoài ra, cần quan tâm tới nguồn lực thực hiện. Đại biểu đề xuất dự án có thể gắn kết với một số tuyến đường sắt quan trọng khác như tuyến Hà Nội- Hải Phòng; tuyến thành phố Hồ Chí Minh- Cần Thơ…
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) đề nghị tính toán kỹ các rủi ro về công nghệ, về đầu tư; phòng, chống lãng phí. Về hạch toán, theo Bộ GTVT thì sẽ làm trong hời gian 12 năm; thu hồi vốn 30 năm do đó nên chú ý phân kỳ đầu tư, bảo đảm chất lượng.
Góp ý về dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) đề nghị rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, nhất là tính khả thi; phù hợp với hệ thống pháp luật, nhất là Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở; Luật Đấu thầu, Luật Quy hoạch… Về phạm vi điều chỉnh, đại biểu đề nghị bổ sung quan hệ, trách nhiệm, quyền, nghĩa vụ của đối tượng được điều chỉnh và do là thí điểm nên cần có cơ chế thanh tra, kiểm tra giám sát.
Về đối tượng áp dụng, theo đại biểu còn có sự trùng lặp trong một số điều khoản, cần có sự rà soát để chỉnh lý. Về cơ chế thí điểm, theo đại biểu, đây là vấn đề mới nên cần có nghiên cứu, tính toán tới một số nội dung như thời gian thực hiện nhận quyền sử dụng đất; việc giải quyết trường hợp thỏa thuận kéo dài vì thực tế có nhà đầu tư không thực hiện được…
Theo dự thảo Nghị quyết, “sau khi Nghị quyết này hết hiệu lực, tổ chức kinh doanh bất động sản đang thực hiện dự án thí điểm theo tiến độ ghi trong dự án đầu tư thì được tiếp tục thực hiện cho đến khi kết thúc dự án”. “Vậy trong trường hợp nhà đầu tư thực hiện dự án không theo đúng tiến độ, không kết thúc dự án theo tiến độ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì cơ chế xử lý hay hậu quả pháp lý thế nào?”, đại biểu Lã Thanh Tân đặt vấn đề, đồng thời đề nghị Chính phủ có nghiên cứu, bổ sung thêm quy định có liên quan.
Chiều 13-11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025; thảo luận ở hội trường về Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030./.
Hồng Thanh
07:41 23/11/2024
22:01 22/11/2024