Đào rừng về phố…

06:24 14/02/2010

Biết tôi có ý định tìm hiểu, viết bài về nghề buôn đào từ miền ngược về xuôi trong dịp Tết, anh bạn vốn là lái xe đường dài có thâm niên hàng chục năm quả quyết: “Không phải đi đâu nhiều, ông cứ theo tôi vài chuyếnkhắc biết”…
Biết tôi có ý định tìm hiểu, viết bài về nghề buôn đào từ miền ngược về xuôi trong dịp Tết, anh bạn vốn là lái xe đường dài có thâm niên hàng chục năm quả quyết: “Không phải đi đâu nhiều, ông cứ theo tôi vài chuyếnkhắc biết”…

Tỉnh lộ 63 nối QL6 lên các xã vùng sâu của huyện Mộc Châu
Tỉnh lộ 63 nối QL6 lên các xã vùng sâu của huyện Mộc Châu

Đào xứ Mộc Châu…
Nằm ở độ cao 1.050m so với mực nước biển, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La có diện tích đất tự nhiên 202.513km2, trong đó chiếm tới 90% địa hình là đồi và núi đá. Nhiệt độ trung bình mùa hè không quá 20 oC, mùa đông xuống 4 đến 5 oC, cả năm có tới 4 tháng mây mù bao phủ...

Đào Mộc Châu có nét đẹp riêng biệt mà những nơi khác vùng Tây – Bắc không thể có được. “Thương hiệu” đào Mộc Châu đó chính là thân cây già cỗi, vỏ xù xì, mốc meo, đổ màu đen hoặc màu đá. Cành thì đốt ngắn, dáng chụt chịt, tầm gửi mọc, sâu quấn kén hoặc tổ kiến đắp lủng lẳng, nhưng nụ và chồi mọc chi chít từ gốc tới ngọn. Hoa đào Mộc Châu màu phớt hồng, cánh hoa dày nên lâu tàn, nở tới dăm, bảy ngày mới rụng. Dân sành chơi rất thích những đặc trưng quí của hoa đào Mộc Châu, Sơn La. Họ đặt cho những tên gọi rất “ấn tượng” mang bản sắc riêng như “Đào đá”, “Đào mèo”, để chỉ cây đào già trên mười mấy năm tuổi của người H’mông được trồng trên nương, trên rẫy…

Anh bạn Tráng A Chu, 38 tuổi, người dân tộc H’mông, trú tại tiểu khu Nông trường Cờ Đỏ, thuộc xã Tân Lập, làm nhiệm vụ dẫn đường giải thích: “Người H’mông tao coi cây đào, cây mận như người anh em ruột. Trồng nó đẹp bản, mát nương, lấy quả cho trẻ ăn, chín rụng xuống gốc để con lợn nhặt... Bù lại, cây đào nó “trả ơn” cứ vương hạt ở đâu là mọc thành mầm, lên thành cây, lại ra hoa kết trái. Nương gần nhà, hay ở tận rừng sâu, người H’mông tao đều có đào nở hoa là thế!”. Vậy nên, đào  Mộc Châu đẹp nhất lại chỉ tập trung ở những khu vực người H’mông bản xứ sinh sống hàng nghìn năm. Như ở khu vực bản thuộc các xã nằm giáp với Quốc lộ 6 như Vân Hồ, Lóng Luông. Hoặc các bản vùng cao thuộc các xã nằm chót vót trên đỉnh núi như: xã Tân Lập, Đông Sang, Chiềng Hắc, Lóng Sập… mà từ đó đi ra tới quốc lộ phải mất nửa ngày đường. Đào ở các bản của người H’mông di cư từ nơi khác đến Mộc Châu, hoặc ở bản khác do các dân tộc khác trồng cũng nhiều nhưng không đẹp bằng vì nó không già, thậm chí không “nguyên chủng đào mèo” mà đã được lai tạo với các giống đào mang từ dưới xuôi lên…

Trước đây, người dân trồng đào Mộc Châu không nhận thức được hết giá trị thực cành đào của họ bán cho người chơi Tết dưới xuôi. Vậy nên, cánh “thợ” buôn đào tìm đến nhà, tự ngắm cây, cắt cành; thậm chí trả tiền nhiều ít tuỳ ý. Có những cây “đào tổ” trồng cách đây hàng chục năm, tán xoè rộng vài chục bước, họ chỉ trả cho gia chủ dăm bảy chục nghìn đồng, rồi thuê người cắt cành, đóng đầy thùng xe tải chở về xuôi bán lãi hàng chục triệu đồng ngon ơ. Khoảng dăm năm trở lại đây, thương lái buôn đào về xuôi chơi Tết không còn quá nhiều “tự do” như thế nữa. Người dân bản xứ… đã “khôn” hơn, việc bán cây, cắt cành, ra giá đã thay đổi. Họ nhận thức rõ giá trị cây đào của mình và thương lái phải trả giá thuận mua vừa bán. Đặc biệt, từ năm 2007, người dân địa phương đã biết tổ chức họp chợ chuyên bán đào chơi Tết cho thương lái dưới xuôi lên. Hàng năm, từ 15 tháng Chạp, nhiều chợ bán đào hình thành trên bãi trống ven quốc lộ 6, nhất là vùng Lóng Luông (Km 46), Xuân Nha (Km 58), Tô Múa (Km70) hay Vân Hồ, đoạn km 19, Quốc lộ 43… Dân các bản người chặt đào trên nương, bó thành vác đem bán; kẻ tinh thông thì lần vào rừng sâu kiếm đào tự nhiên bán lấy giá cao hơn…

Giống đào nguyên chủng của người H’mông đang hiếm dần, thậm chí đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Theo cách tính của Trưởng bản Nậm Tôm (xã Tân Lập, huyện Mộc Châu) Tráng A Sần (56 tuổi), bản Nậm Tôm có hơn 60 gia đình, sống rải rác trên 12 ngọn núi, mỗi hộ trồng vài chục gốc đào, nhưng “đào mèo” còn sót lại trên bản Nậm Tôm không quá 10%. Nguyên nhân chính đó là việc khai thác bừa bãi thân và cành phục vụ thú chơi hoa dịp Tết của người miền xuôi. Lúc đầu thương lái đến mua thân và cành, cắt lưng chừng để lại gốc. Người dân bản xứ lầm tưởng giữ lại gốc, đào sẽ tiếp tục đâm cành, trổ hoa vào năm sau. Nhưng không, những cây đào thương lái “săn” thường rất già, khả năng tái sinh không còn nên sau khi bị cắt cành thường bị sâu mục rồi lụi dần. Vài năm gần đây, khi thú chơi gốc cây cổ thụ trở lên phổ biến, thương lái lại lũ lượt kéo lên các bản làng vùng cao tìm mua gốc đào, đánh cả rễ về bán cho các nhà vườn ở dưới xuôi. “Đào mèo” ngày càng thưa dần, ít đi, khan hiếm ngay cả ở xứ sở cội nguồn của người H’mông.

Câu chuyện bảo tồn nguồn gen giống đào nguyên chủng của người H’mông đang được các sở ngành chức năng địa phương quan tâm. Theo Ban quản lý di dân, tái định cư huyện Mộc Châu, toàn huyện có 3.430 ha đất trồng cây ăn quả, cây đào xếp thứ 3 nhóm cây chủ lực (sau mận, cam). Tương ứng, đào được trồng với diện tích tương đối, chiếm 1/6 đất dành cho cây ăn quả. Nhiều hộ dân trồng tới 300 gốc đào, sản lượng mỗi năm cho thu vài tấn quả, trị giá 25 - 30 triệu đồng. Trong đó, giống đào chủ yếu là đào lai Pháp hay đào lai Mỹ quả to, khi chín có “má” hồng, giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, để các giống đào phát triển, đơm hoa kết trái trên đất Mộc Châu với thời tiết mùa đông khắc nghiệt, “con lai” phải được ghép với gốc của chính giống đào bản xứ… Nhận thức được tầm quan trọng của việc này, tỉnh Sơn La có nhiều động thái tích cực trong bảo tồn giống đào nguyên chủng H’mông. Một trong những biện pháp quan trọng đặt ra là hạn chế thấp nhất sự xâm hại đến nguồn gen, bảo vệ các khu vực vườn đào nguyên chủng của người H’mông. Ngành chức năng địa phương cũng đã vào cuộc kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính các trường hợp buôn bán vận chuyển đào cành từ khu vực vùng cao Mộc Châu, Sơn La về xuôi. Song tất cả dường như mới chỉ là “bề nổi”. Vấn đề đặt ra ở chỗ cần có những cơ chế tài chính phù hợp, giúp đỡ người H’mông tự bảo vệ giống đào quí của họ trước “sức hút” lợi nhuận từ những thợ “săn” đào mang tới!

… Theo chân thợ “săn” đào
6h30’ ngày 29-12-2009, cả vùng núi Mộc Châu chìm trong mây mù trắng đục, nhiệt độ trung bình hạ xuống dưới 5oC, rét thấu xương… Bác tài xế cố gắng tận dụng vệt sáng hắt ra từ cặp đèn pha, thận trọng lái chiếc xe ôtô dò dẫm mặt đường gồ ghề của tỉnh lộ 43 đưa chúng tôi lên khu vực các xã Tân Lập, Chiềng Hắc, Chiềng Khoa… địa bàn cao nhất của huyện Mộc Châu. Ngồi thu lu trên ghế phụ, anh Vũ Văn Lưu, 42 tuổi, người ở thôn Vụ Bản, xã Tân Tiến, huyện An Dương (Hải Phòng), một thợ buôn “đào mèo” có thâm niên không dưới 10 năm dè dặt kể: Dăm, bảy năm về trước, “đào mèo” ở vùng Mộc Châu còn sẵn. Cánh thợ buôn đào dưới xuôi lên nhàn tênh, giống hệt đi du lịch. Họ chỉ cần dừng chân ven Quốc lộ 6, đi bộ vài trăm mét vào các bản H’mông ở dưới chân núi, thuộc các xã Lóng Luông, Vân Hồ… thì đào đã bạt ngàn, trải dài nương rẫy. Đã thế, cây đào nào cũng hoàn hảo: thân, cành, tán, đến lộc, rồi nụ hoa… đều đẹp như “tranh vẽ”, cứ mặc sức mà chọn. Hơn nữa, khi đó, người dân bản xứ chưa “tinh thông”, chưa biết giá trị thực cành đào của họ bán cho người dưới xuôi chơi Tết, nên thợ buôn đào mặc sức ép giá. Sau khi lựa chọn xong, thợ buôn đào chỉ việc “gật đầu”, chỉ tay vào cành đào ưng ý, thế là chủ nhà chặt, vác đưa ra bãi tập kết an toàn trước khi được nhận món tiền vài ba chục nghìn đồng, nhiều hơn… vác củi đôi chút. Càng về sau, thú chơi “đào mèo” ngày Tết càng trở nên phổ biến, tới mức thành “mốt”. Ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng… dân chơi giầu có sẵn sàng “ném” ra hàng chục triệu đồng để đặt hàng. Nghề buôn “đào mèo” “lên ngôi”. Không ít người miền xuôi “lao” vào kinh doanh đào rừng, họ kéo nhau lên vùng cao mua đào và chở về thành phố bán. Anh Lưu xoè cả 2 bàn tay bấm đốt điểm mặt đám thương lái “đồng nghiệp” buôn “đào mèo” và khẳng định: “Chỉ tính ở vực Hải Phòng, có khoảng 25 đoàn, mỗi đoàn có 2 - 3 người. Trung bình mỗi năm, thương lái chở về xuôi từ 60 đến 70 chuyến xe tải cành đào rừng, cung cấp cho thị trường hoa ngày Tết tại các địa bàn Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh…”. Bây giờ thì khác rồi, “đào mèo” ngày càng khan kiệt, hiếm dần. Ở những bản gần đường, nơi người H’mông gốc “xịn” Sơn La sinh sống hầu như không còn nữa. Thợ mua đào mỗi năm lại phải lặn lội tìm đường vào những bản sâu, những xã vùng cao hơn của huyện Mộc Châu như: Chiềng Hắc, Chiềng Khoa, Chiềng Khừa, Chiềng Yên, Đông Sang, Hua Păng… “săn” đào. Để có những cành “đào mèo” đẹp, trị giá hàng chục triệu đồng, thợ “săn” đào thường phải có mặt ở vùng núi Mộc Châu, Sơn La trước Tết ít nhất 1 tháng. Năm ngoái, dịp giáp Tết Kỷ Sửu, đoàn của anh Lưu 4 người phải lặn lội tới tận các bản sâu nhất của xã Lóng Sập; thậm chí qua cả khẩu cửa, sang nước bạn Lào, luồn rừng vào sâu tới 30km để săn đào mang về Hải Phòng bán…
                            
                           Thợ săn "đào mèo" chọn hàng- Ảnh: Đoàn Lanh

Sau gần 3 giờ đồng hồ “đánh vật” trên tỉnh lộ 43 dài khoảng 22km, 9h25’ cùng ngày, chúng tôi có mặt tại khu vực ngã ba lối rẽ chia hướng về xã Lóng Sập và xã Chiềng Khừa (Mộc Châu). Lúc này, chiếc xe ôtô Mazda 5 chỗ già nua hầu như không còn tác dụng bởi đường vào bản nhỏ hẹp, cong cua, dốc dựng đứng. Tuy nhiên, đúng như đã hẹn qua điện thoại di động, nhóm thanh niên 4 người vận quần áo H’mông, đi tông lì, đầu trần được nhóm anh Lưu nhận làm “chân rết”, làm nhiệm vụ “hoa tiêu” giúp việc săn đào đã chuẩn bị xe máy chờ sẵn… Anh bạn Tráng A Chu kể trên rất chu đáo, căn dặn mọi người: “Năm nay nhuận 2 tháng 5 (âm lịch) nên việc mua đào sẽ rất khó! Chúng mày muốn có đào chở về xuôi thì sau khi nhìn cây, chọn được như ý rồi thì phải đặt tiền cho chủ và đánh dấu cây…”. Nói rồi, cả nhóm lên xe máy, tỏa vào bản, lẫn vào nương rẫy của người H’mông... Quả nhiên, thợ săn đào Tết gặp không ít gian nan! Họ lội suối, băng rừng, vượt cả núi đá tai mèo dựng đứng, hoặc mò mẫm chốn rừng sâu, tìm đến nương rẫy của người H’mông vốn trước đây chỉ để trồng cây anh túc. Việc săn đào đã khó, nhưng vận chuyển đào từ đỉnh núi cao về nơi tập kết lại càng khó hơn. Bởi lẽ, núi non hiểm trở, đi lại vướng víu, đào cành vốn cồng kềnh, chỉ một chút sơ sẩy làm gẫy cành, dập nụ là mất giá thảm hại. Anh Ngô Viết Trường, một tay săn “đào mèo” kỳ cựu, ở xã Tân Tiến (An Dương) cho biết: Năm ngoái, trước Tết Kỷ Sửu, đoàn của anh khi sang đến nước bạn Lào thì tìm được 1 cây đào mọc ở khe núi có tán ô rất đẹp, đường kính tán rộng tới 4m. Giá mua thì rất “bèo”, 100 nghìn đồng. Thế nhưng, khi vận chuyển từ trên núi xuống điểm tập kết cách đó hơn 1,5km, anh Trường đã phải thay đổi tới 3 - 4 phương thức: thuê 6 người vác lúc đầu, sau thuê xe trâu kéo và cuối cùng là thuê xe ôtô Gat chở. Số tiền vận chuyển gấp gần 30 lần tiền mua đào. Bù lại, sau khi đóng xe chở về Hải Phòng, một doanh nhân giàu có đã mua cành đào này với giá 22 triệu đồng… Rồi nữa, việc “nuôi” cành đào sau khi cắt cành khỏi thân cây cũng lắm nhiêu khê.

Chúng tôi rời vùng núi Mộc Châu, Sơn La, khi người H’mông đang chuẩn bị đón Tết truyền thống. Theo phong tục, người dân tộc H’mông anh em sẽ ăn Tết sớm hơn người Kinh đúng 1 tháng. Không khí chuẩn bị đón xuân mới rộn rã, tưng bừng khắp các bản người H’mông. Đến nhà nào cũng thấy phụ nữ H’mông ngồi may áo, may váy trang phục truyền thống, văn hoa màu sắc sặc sỡ. Đàn ông H’mông ai cũng tất bật chuyện dọn dẹp, trang trí nhà cửa; tính chuyện thịt lợn, mổ gà… Trên những bãi đất trống đầu dốc, thanh niên nam nữ người H’mông túm tụm tập múa, tập ném còn, tiếng khèn dập dìu, bồng bềnh trong nắng xuân vàng óng...



Đoàn Lanh


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông