Dấu chân người truy nã tội phạm

15:55 26/07/2014

 

Dẫn giải đối tượng trốn truy nã từ phía Nam về Hải Phòng
Dẫn giải đối tượng trốn truy nã từ phía Nam về Hải Phòng

Dù được thượng tá Nguyễn Trường Tam - Phó trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm CATP (PC52) giới thiệu, Đội 3 của đơn vị có thành tích xuất sắc trong 6 tháng đầu năm 2014, nhưng hẹn hò mãi tôi mới được trung tá Bùi Văn Nho - Đội trưởng Đội 3 bố trí thời gian tiếp chuyện. Cứ nghĩ anh em “chảnh” nhưng đến rồi, biết chẳng phải vậy.

Đội có gần chục CBCS, ai cũng có công việc đi suốt. Chỉ tiêu lãnh đạo đã giao về đội, chỉ huy đội đã “khoán” cho từng người. Ai đã “cứng cựa” thì bắt thêm lên, hỗ trợ các anh em khác. Ai lính mới chưa thuộc việc thì tăng cường học hỏi, tăng cường bám địa bàn, đi cơ sở giăng các loại “ăng-ten” lên để thu thập thông tin đối tượng trốn truy nã. Lại thêm học hành nâng cao nghiệp vụ, công việc bề bộn, cứ phải cố, phải tranh thủ thôi…

Thế mà, 6 tháng qua đội cũng đã bắt, vận động đầu thú, thanh loại được 21 đối tượng truy nã, trong đó có tới 2/3 là đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Trung tá Nho cười, và bằng cái giọng chất phác của người chỉ quen làm hơn quen nói, anh “điểm xạ” cho tôi thấy hàng loạt đối tượng truy nã đã bị CBCS của đội “hạ gục” thế nào.

Trước hết là đối tượng Sồng A Khai (tức Của), sinh 1968, ở bản San Cài, Loóng Luông, Mộc Châu, Sơn La. Đây là đối tượng đặc biệt nguy hiểm trong chuyên án ma túy 812M của CAH An Dương bắt Nguyễn Thị Lan, sinh 1965, ở tiểu khu 5, thị trấn Hát Lót, Mộc Châu; tang vật thu giữ gồm: 10 bánh heroin trọng lượng 3.486,11 gam; 873 viên hồng phiến in hình WY trọng lượng 82,56 gam; 7.200 USD; 1 triệu VNĐ.

Tang vật trong một vụ án ma túy
Tang vật trong một vụ án ma túy

Khi CAH An Dương và Phòng PC47-CATP tổ chức lên Sơn La bắt A Khai, tên này đã bắn thẳng vào lực lượng vây bắt rồi bỏ trốn. Công an Hải Phòng đã phối hợp với Công an Sơn La lập chuyên án bắt hắn. Ở Hải Phòng, các trinh sát Đội 3-PC52 đã không ngừng thu thập thêm tài liệu về đường dây ma túy của thị Lan và Sồng A Khai, phát hiện ra nhiều thông tin về “đầu dây mối nhợ” của Lan cung cấp thêm cho Phòng PC52 - Công an tỉnh bạn, củng cố thêm tài liệu để xác định đúng tọa độ hang ổ nơi hắn đang nương náu.

Sáng 24-11-2013, Phòng PC52 - Công an Hải Phòng nhận được nguồn tin A Khai đang có mặt tại khu vực bản San Kài. Sau khi báo cáo Giám đốc CATP, thông tin với Phòng PC52 - Công an Sơn La, một tổ công tác Phòng PC52 CA Hải Phòng gấp rút được thành lập lên đường. Từ những thông tin trên, khi chớp được cơ hội Phòng PC52 - Công an Hải Phòng và Sơn La đã bắt gọn được A Khai, thu 3 khẩu súng trường Mỹ, 1 khẩu K50, 2 băng đạn gồm 37 viên, 1 quả lựu đạn.

Ai cũng hiểu bắt được một đối tượng truy nã dù đó chỉ là một tên trộm quèn hay là đối tượng đặc biệt nguy hiểm như Sồng A Khai đều là cả một sự kỳ công, là công sức trí tuệ của cả một tập thể. Đối tượng trốn truy nã khi đã xác định được cái giá phải trả nên bước đường cùng khi thấy công an, lực lượng truy bắt vây bắt, họ sẵn sàng tinh thần tử chiến, mở đường máu, chống chọi đến cùng bằng tất cả vũ khí, sức lực có trong tay. Chẳng hạn như lần bắt Nguyễn Sơn Hùng, sinh 1974, ở khu Kiều Sơn, Đằng Lâm, Hải An. Đây là đối tượng đã có 1 tiền án 15 năm tù về tội “Cướp tài sản”, “Giao cấu với trẻ em” và “Cố ý gây thương tích”. Bản chất là đối tượng côn đồ hung hãn nên cứ có va chạm mâu thuẫn gì là Hùng sẵn sàng dùng vũ lực trấn áp đối phương.

Chính vì vậy, mới ra khỏi tù được 1 năm, Hùng lại tiếp tục gây án. Do có mâu thuẫn trong sinh hoạt nên 14h ngày 7-1-2012, Hùng đã xông tận vào nhà dùng dao chém anh Hoàng Văn Lâm, sinh 1967, ở ngõ 154 Phương Lưu, Vạn Mỹ, Ngô Quyền gây thương tích nặng cho bị hại, sau đó bỏ trốn. Nhát chém của tên côn đồ vào tay đã khiến anh Lâm bị giảm 21% sức khỏe. Sau nhiều lần bủa lưới, trinh sát Đội 3 đã tóm được Hùng tại phố Bùi Thị Từ Nhiên, Đông Hải 1, Hải An, trong tình thế nếu không xử lý nhanh gọn và kiên quyết, chắc sẽ gặp rắc rối từ những người thân của Hùng.

Đi cơ sở, chúng tôi được anh em các đơn vị cho biết, công tác bắt truy nã ngày càng khó khăn. Bề dày kinh nghiệm lăn lộn chốn giang hồ, cộng với những năm tháng tù tội đã khiến kẻ bị truy nã có nhiều bài che giấu tung tích, thay tên đổi họ, bản quán, trốn sâu, trốn xa, gây nhiều vất vả cho công tác truy bắt. Tôi lướt nhanh danh sách các đối tượng truy nã bị Đội 3 bắt, thấy có tới phân nửa là trinh sát phải lặn lội đi bắt ở tỉnh ngoài. Dương Đức Oánh, sinh 1962, quê Câu Hạ, An Lão, phạm tội “Cố ý gây thương tích” bị bắt ngày 12-12-2013 tại TP.Hồ Chí Minh. Nguyễn Văn Diễn, sinh 1987, ĐKTT An Lễ, Quỳnh Phụ, Thái Bình, bị CAQ Hải An ra QĐTN về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” bị bắt ngày 9-2-2014 tại TP.Hồ Chí Minh. Đoàn Văn Hiển, sinh 1981, quê An Quý, Cộng Hiền, Vĩnh Bảo, bị CAQ Ngô Quyền truy nã về tội “Cướp giật tài sản” bị bắt ngày 27-4-2014 tại TP.Hồ Chí Minh. Nguyễn Ngọc Phương (Công “phễu”), sinh 1972, ĐKTT Chợ Con, Trại Cau, Lê Chân, “nổi tiếng” trong vụ “Gây rối TTCC” tại trụ sở CATP năm 2008, bị bắt tại TP.Hồ Chí Minh…

Thành tích của người làm công tác truy nã nhiều khi được “đo, đếm” chính bằng việc bắt những đối tượng trốn lâu năm. Số bỏ trốn này gần như bặt vô âm tín, không có tung tích, hoặc có rất ít cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác bắt… Xem chừng khi “mó tay” vào đều vấp phải những khó khăn nhất định: Không có ảnh đối tượng; cán bộ thụ lý điều tra đã nghỉ hưu; hồ sơ vụ án thiếu những thông tin, tài liệu phục vụ cho việc truy bắt đối tượng, thậm chí thiếu QĐTN; không phân tích làm rõ tình trạng hồ sơ đối tượng trốn truy nã nên khi bắt được thì việc tiếp nhận đối tượng cứ phải trăn đi trở lại giữa các cơ quan tố tụng.

Để xác định được cụ thể con người bằng xương bằng thịt sau hàng chục năm xảy ra vụ án, quả thật là cả một quá trình hết sức công phu, kiên trì của các trinh sát. Khi mà đối tượng đã thay tên đổi họ, dịch chuyển liên tục khắp các tỉnh, thành từ miền Trung vào Nam, ra Bắc, thậm chí có tên còn trốn ra cả nước ngoài. Khi mà hồ sơ vụ án đã phủ một lớp bụi dày của thời gian, trinh sát phải lục tìm lại từng trang án văn, tìm lại QĐTN năm xưa, các đặc điểm dấu tích khắc họa nên con người chúng. Rồi thì những vướng mắc nảy sinh trong các thủ tục tố tụng, cần phải chụm đầu lại để tìm cách tháo gỡ. Nhưng vượt lên tất cả là sự dấn thân của các trinh sát, bất chấp những vất vả gian khó, những thua thiệt và những nguy hiểm mất mát luôn rình rập chực chờ, dấu chân người chiến sỹ truy nã tội phạm vẫn đêm ngày mải miết khắp mọi miền tổ quốc truy bắt đối tượng gây án.

Anh em Đội 3 đã tóm được không ít những “con cá sộp”, đã “lặn” rất sâu nhiều năm rồi không thấy mọc mũi sủi tăm. Ví như cặp vợ chồng Trịnh Quang Tuấn, sinh 1963, ĐKTT Đông Hải, Lê Chân và Phạm Kim Thoa, sinh 1969, ĐKTT Miếu Hai Xã, Dư Hàng, Lê Chân, cùng phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, bị bắt tại Hà Nội sau 18 năm lẩn trốn. Ngày 9-1-2014, trinh sát đội 3 Phòng PC52 đã bắt được Bùi Hồng Ngọc, sinh 1950, quê Nam Định, có lệnh truy nã của Cơ quan CSĐT - Công an Hải Phòng về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN” khi ông ta đang cư ngụ ở phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội, sau 19 năm lẩn trốn. Kỷ lục trốn lâu năm nhất đối tượng trốn truy nã bị Đội 3 bắt trong đợt này thuộc về Lê Văn Dò, sinh 1959, ĐKTT xã Lê Thiện, An Dương. Chỉ can tội trộm cắp tài sản nhưng ông Dò đã bỏ trốn một lèo từ năm 1985, đến khi bị bắt tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng ngày 29-5-2014 sau gần 30 năm biệt tích.

Ai đã tham gia vào một chuyên án bắt truy nã mới thấy đó là cả một khối lượng công việc không nhỏ. Cứ phải tích lũy tài liệu, dò tìm thông tin từng ngày. Có những việc không phải dồn toàn lực, cất công bủa lưới, không nguy hiểm chút nào nhưng đòi hỏi người lính truy nã tội phạm mất rất nhiều thời gian, công phu, cầu kỳ…

 XUÂN NGỌC


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông