16:15 09/07/2016
Vẫn còn nguyên nét căng thẳng sau khi trải qua hải trình dài trong chiến dịch tìm kiếm cứu nạn tổ bay và hai chiếc máy bay quân sự Su-30MK2 số hiệu 8585 và Casa 212 số hiệu 8983 gặp nạn trên biển, những người lính biển dường như không có chút nghỉ ngơi, họ lại vượt trùng khơi với quyết tâm sớm nhất tìm thấy thành viên cuối cùng của phi hành đoàn… Những đêm trắng giữa biển khơi
Ngay sau khi nhận được thông báo về máy bay Su-30MK2 bị mất liên lạc ở khu vực Hòn Mắt (Nghệ An), Quân chủng Hải quân đã lập tức điều động 2 tàu của Hải đội 137, Vùng 1 Hải quân kịp thời ra hiện trường tìm kiếm. Tiếp đó Quân chủng còn điều động thêm nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại để tham gia tìm kiếm máy bay Casa 212 và phi hành đoàn bị nạn trên vùng biển Bạch Long Vỹ. Đáng chú ý như tàu của Đoàn đo đạc biên vẽ hải đồ và Nghiên cứu biển có trang bị sô na, máy đo sâu đa tia để quét đáy biển; tàu Tân cảng 63 của Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn có sử dụng rô bốt (IROV) có thể hoạt động ở độ sâu lên đến 2.000 mét; hệ thống trạm lặn và thợ lặn chuyên nghiệp; tàu ứng phó các sự cố trên biển. Cùng với đó là tàu bệnh viện 561. Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 cũng đã cử đội đặc công người nhái làm nhiệm vụ. Lữ đoàn Không quân 954 Hải quân điều Phi đội máy bay DHC-6 cùng tham gia tìm kiếm... Sự hy sinh của các thành viên phi hành đoàn CASA 212 và phi công Trần Quang Khải trên chiếc Su – 30 MK2 là nỗi đau lớn của gia đình, Quân đội và Nhân dân. Chia sẻ nỗi đau đó chính là việc làm từ sâu thẳm trong tim của mỗi người. Phương châm chỉ đạo cao nhất của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng là tìm bằng được các thành viên phi hành đoàn và hộp đen máy bay. Tuy nhiên, những ngày tìm kiếm, thời tiết khu vực biển Bạch Long Vỹ và Hòn Mắt bị ảnh hưởng bởi một vùng áp thấp trên Biển Đông, mưa giông thất thường làm cho việc tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn. Các lực lượng đã phối hợp chặt chẽ, phát huy cao nhất tính năng của trang bị kỹ thuật, tận dụng thời điểm thuận lợi để quan sát, phát hiện tìm kiếm. Trên tàu chỉ huy từng ca trực ban đêm được cắt cử chặt chẽ để theo dõi, chỉ đạo ở các hướng. Kế hoạch tìm kiếm được xác định trên hải đồ rồi phân khu cho từng lực lượng, tìm kiếm trên mặt nước và đáy biển. Có thời điểm, ban đêm các tàu đều tập trung chiếu sáng để tàu Tân cảng 63 làm việc. Thuyền trưởng tàu Tân cảng 63 Hà Văn Tân chia sẻ, những ngày qua cán bộ, nhân viên toàn tàu gần như làm việc xuyên đêm. Để vận hành tàu và rô bốt tìm kiếm đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng, chỉ một sai sót nhỏ là dẫn đến mất an toàn. Hai yêu cầu được đặt ra là tìm các thành viên phi hành đoàn Casa 212 và hộp đen nhanh nhất, đồng thời phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện tìm kiếm. Cũng theo thuyền trưởng Hà Văn Tân, đây là lần đầu tiên, tàu Tân cảng 63 đưa thiết bị rô bốt tìm kiếm dưới đáy biển vào hoạt động cứu nạn ở độ sâu gần 60 mét, vừa tìm kiếm, vừa rút kinh nghiệm cùng với bản lĩnh và sự tận tâm, hết lòng vì đồng đội. Thực tế, ở nước ngoài rô bốt được bố trí ở một tàu riêng để bảo đảm độ ổn định. Tàu Tân cảng 63 có sáng tạo đưa rô bốt được đặt cùng trên tàu vừa giảm chi phí và hiệu quả. Phó đô đốc Phạm Ngọc Minh, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, trực tiếp chỉ huy các lực lượng trên biển tìm kiếm máy bay Casa 212 cho biết, các thành phần tham gia với nỗ lực làm việc cao nhất 24/24, kể cả khi sóng biển cấp 6 đên cấp 7. Mệnh lệnh từ trái tim Từng tham gia nhiều cuộc tìm kiếm cứu nạn trên biển và hiểu rõ giá trị vô cùng quý báu của thời gian với kết quả tìm kiếm, cán bộ, chiến sĩ tàu CSB 2008 cũng đã chủ động khắc phục khó khăn, thời tiết phức tạp, với tinh thần trách nhiệm và ý chí quyết tâm cao nhất. Sau 1h20 phút, tàu CSB 2008 là tàu đầu tiên có mặt tại hiện trường, nơi máy bay Casa 212 mất tín hiệu. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cán bộ, chiến sĩ trên tàu đã phát hiện và trục vớt được một số mảnh vỡ và một số vật dụng cá nhân. Đến ngày 18-6, lực lượng Cảnh sát biển đã huy động 11 tàu, trong đó có 2 tàu được trang bị hệ thống camera, kính nhìn đêm để tổ chức tìm kiếm vào ban đêm.
Các tàu của Cảnh sát biển cùng với các tàu của Hải quân, Biên phòng, Quân khu 3 được chia khu vực để tìm kiếm theo phương án đã xác định, bảo đảm không để sót đáy và mặt biển. Các tàu của ngư dân cũng được huy động thành từng cặp, dùng lưới cào thành nhiều tầng để rà soát đáy biển… Anh Trần Xuân Hội, đội trưởng thợ lặn trên tàu Tân cảng 63 cho biết, với độ sâu và dòng chảy mạnh, ngày đầu anh em tiếp cận rất khó. Nhưng cứ thấy đồng đội còn nằm dưới biển sâu, không đưa lên ngay được là trong lòng cứ cồn cào. Ý chí và nghị lực đã vượt qua dòng chảy xiết và độ sâu của lòng biển để nâng đồng đội lên dần. Được biết, một thợ lặn khi xuống sâu từ 50 - 60 mét thì phải có thời gian nghỉ 24 tiếng đồng hồ mới lặn tiếp ca thứ 2. Dây buộc vào người dài đến 140 mét. Khi xuống nước gặp dòng nước chảy mạnh, kéo căng dây, có lúc lực lượng cứu hộ chưa làm được thao tác gì thì lại phải lên mặt nước vì thời gian ở dưới sâu, áp lực lớn, không đủ sức để hoạt động dễ gây tai biến. Anh Phạm Văn Lê đã lặn nhiều ca dưới biển từ tìm kiếm, đến vớt các mảnh vỡ. Anh Lê đã 3 lần thao tác đưa thành công thi thể thành viên phi hành đoàn Casa 212 từ dưới biển lên. Khi nhắc đến phi hành đoàn Casa 212, anh Lê ngấn lệ, có tàu chỉ cách mục tiêu 4 mét nhưng dòng nước chảy mạnh, lại đành rời đáy chờ thời cơ khác. Nhìn thấy các anh giữa dòng nước lạnh thương lắm, cố gắng sức lần sau để cùng mọi người đưa các anh lên. Công việc lặng thầm dưới biển sâu nhưng mỗi khi tìm được đồng đội là lực lượng tìm kiếm thêm quyết tâm hơn. Cùng với đội ngũ thợ lặn có nhiều kinh nghiệm và bản lĩnh, ông Vũ Minh Tuấn, người chỉ huy điều hành rô bốt rò tìm đáy biển trên tàu Tân cảng 63 cũng là người thợ đã “chinh chiến” nhiều năm với biển cả. Mái tóc ông đã ngả màu trắng nhưng khi được làm nhiệm vụ cứu nạn này, ông Tuấn luôn cố gắng trong từng giây, từng phút.
Ông Tuấn cho biết dòng chảy phức tạp nhiều tầng, vịnh nước đục, nhiều chướng ngại vật từ mảnh vỡ máy bay và lưới quấn vào cản trở lớn đối với rô bốt. Camera không thể chụp và quay hết được mà phải dùng sô-na rà quét mới tiếp cận được mục tiêu. Nhưng dựa vào tọa độ mà Sở chỉ huy tác nghiệp đưa ra đã giúp ông định vị, xác định ra nhiều mục tiêu, vị trí quan trọng như thi thể phi hành đoàn, hộp đen, động cơ. Ông Tuấn cũng cho biết thêm, gần 20 năm trong nghề điều khiển rô bốt nhưng lần này là phức tạp nhất. Vì rô bốt hoạt động liên tục, điện áp lớn, nếu không cẩn thận dễ gây chập dây cáp mọi công việc đổ bể. Thiếu tá Trần Nhật Lạc, Chính trị Đội 4, Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 - người trực tiếp lặn để xác định vật các vật thể của máy bay Su-30MK2 cho biết, mặc dù điều kiện thời tiết trên biển luôn có những biến động bất lợi nhưng với tinh thần trách nhiệm tất cả vì đồng đội, vì nhiệm vụ cao cả, cán bộ chiến sĩ luôn sẵn-sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ trong tìm kiếm, cứu nạn. Cụ thể lúc 18 giờ 45 phút ngày 24/6, các tàu 721 và 722 của Hải đoàn 128 đã phát hiện một vật thể mắc cáp nghi là mảnh vỡ máy bay. Đặc công người nhái tổ chức 2 mũi xuống xác định vật thể ngay trong đêm tối. Đến sáng sớm 24/6, Tàu 926, trục vớt được động cơ, cánh quạt, đuôi và một phần thân của máy bay Casa 212. Công tác triển khai tìm kiếm máy bay Su-30MK2 và máy bay Casa 212 cùng phi hành đoàn đã được triển khai khẩn trương, các hoạt động phối hợp hiệp đồng chặt chẽ. Từ người chỉ huy cao nhất đến mỗi cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tại hiện trường đều hết sức khẩn trương, tích cực, từng giờ, từng phút chạy đua với thời gian, nỗ lực tìm kiếm những đồng đội của mình đưa về đất mẹ trong niềm mong mỏi của Tổ quốc và nhân dân. HƯỞNG VŨ |