09:58 11/02/2025 Lợi dụng nhu cầu đi du lịch đầu năm mới của người dân tăng cao và để chắc chắn được ở nơi lưu trú yêu thích, nhiều du khách thường đặt phòng khách sạn trước nhiều ngày rồi chuyển khoản đặt cọc, thậm chí thanh toán hết tiền phòng để giữ chỗ và nhận ưu đãi. Điều này đã trở thành “miếng mồi” béo bở để các đối tượng xấu “giăng bẫy” lừa đảo chiếm đoạt tiền của nạn nhân với thủ đoạn ngày càng chuyên nghiệp, tinh vi, khó lường.
Mới đây, trên các trang mạng xã hội đang xôn xao sự việc một khách du lịch tại Hải Phòng mất gần cả tỉ đồng khi đặt phòng khách sạn qua trang Facebook fanpage mang tên “Minawa Kênh gà Resort & Spa Ninh Bình”. Điều đáng nói là trang fanpage này có gắn tích xanh Facebook, thường được coi là biểu tượng chứng minh tài khoản là chính chủ, đáng tinh cậy.
Theo đó, sau khi chốt giá đặt 2 phòng khách sạn lưu trú từ ngày 31/1 đến hết ngày 3/2 (tức từ mồng 3 đến mồng 6 tháng Giêng), một vị khách nữ (tên riêng của nạn nhân không được nhắc đến) đã chuyển 6.570.000 đồng vào số tài khoản có tên: Công ty TNHH TMDV VINSMART với nội dung chuyển tiền là “VU THI… chuyen tien” Tuy nhiên sau đó, bên khu nghỉ dưỡng báo khách chuyển khoản sai nội dung, không đặt được phòng, đồng thời yêu cầu khách thanh toán lại theo một hoá đơn mới với cú pháp đúng là “MINAWA2236” rồi gửi kèm theo hai lệnh chuyển tiền đã thực hiện để bộ phận kế toán hoàn tiền lại hoá đơn chuyển sai ban đầu.
Đáng nói, các đối tượng sử dụng chiêu trò khách hàng muốn nhận lại số tiền chuyển nhầm cú pháp thì phải “kích hoạt tính năng hoàn tiền VNPAY” bằng cách chuyển tiền vào số tài khoản của 2 công ty do chúng cung cấp với số tiền chuyển tương đương với một dãy số chúng gửi kèm theo được gọi là “mã xác thực khuôn mặt kích hoạt tính năng VNPAY nhận bồi thường doanh nghiệp”. Chẳng hạn, chúng gửi mã xác thực là 125625325 thì nạn nhân phải chuyển số tiền tương ứng là 125.625.325 đồng. Tuy nhiên, cứ sau mỗi lần giao dịch, các đối tượng sẽ thông báo hệ thống bị lỗi, tiền đang bị treo trên hệ thống rồi yêu cầu bị hại tiếp tục chuyển tiền thêm nhiều lần với cách thức như trên nhằm mục đích phục vụ việc bồi thường hoàn tiền. Bằng việc giải thích các thao tác trên máy có phần “nhập nhèm” cũng lời dẫn dắt khéo léo, chuyên nghiệp khiến cho “con mồi” không rành công nghệ dễ dàng “sa bẫy” chuyển khoản liên tục cho đến khi bị “khoắng sạch” tới 1 tỷ đồng thì nạn nhân mới tá hoả phát hiện bản thân đã bị lừa.
Tương tự, cách đây không lâu, khi tìm kiếm nơi lưu trú cho chuyến du lịch, một khách hàng nữ phát hiện có đến 2 trang Facebook fanpage của homestay cô lựa chọn với cùng tên, cùng địa chỉ, chỉ khác nhau ở số lượt thích và số người theo dõi. Lo sợ mùa cao điểm sẽ hết phòng sớm, cô đã nhanh chóng nhắn tin qua trang fanpage có lượt thích cao hơn để đặt phòng mà không nghi ngờ gì. Cũng với cách thức “Tiền đã chuyển nhưng sai cú pháp, muốn lấy lại số tiền này sẽ phải nhắn tin với kế toán của công ty để làm thủ tục bồi hoàn”, một đối tượng đã giả danh là nhân viên kế toán của homestay trên liên tục giục và muốn gọi video call với cô, bắt cô gái phải chia sẻ màn hình điện thoại để xem mình có tính năng "bồi hoàn tiền qua VNPay" hay chưa bằng một giọng điệu dẫn dắt rất khéo léo và chuyên nghiệp, bảo rằng để làm được yêu cầu này thì cô gái phải truy cập vào ứng dụng ngân hàng, điền một mã vào ô số tài khoản, điền một mã nữa vào ô số tiền. Rất may khách hàng này đã kịp thời nhận ra điểm bất hợp lý trong yêu cầu của đối tượng và tránh được một lần trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo.
Có thể thấy, hiện nay trên các nền tảng mạng xã hội xuất hiện nhan nhản các trang fanpage giả mạo các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, homestay nổi tiếng. Những trang này thường xuyên cập nhật hình ảnh khách sạn, đưa ra giá phòng rất rẻ và chạy quảng cáo trên mạng nên nhìn không khác gì với fanpage chính thức, thậm chí các trang giả mạo còn sử dụng mánh khoé để có lượng tương tác cao hơn hẳn trang thật. Ngay cả những tin nhắn trả lời tự động, hoá đơn đặt phòng, tin nhắn báo lỗi hệ thống đều được các đối tượng lừa đảo sử dụng kỹ thuật cắt ghép, chỉnh sửa ảnh rất tinh vi, chuyên nghiệp, khiến phần lớn khách hàng dễ dàng tin tưởng, mà chính những khu nghỉ dưỡng, khách sạn bị mạo danh cũng là nạn nhân, bị tổn hại về uy tín.
Để không bị sa bẫy lừa đảo đặt phòng khách sạn khi đang vào mùa du lịch, du khách chỉ nên đặt phòng qua các kênh chính thống, đặt trực tiếp trên website hoặc gọi số điện thoại liên kết của khách sạn hay có thể đặt qua công ty du lịch uy tín và các ứng dụng đặt phòng đáng tin cậy. Đồng thời cần cảnh giác với những trang fanpage khách sạn đưa ra mức giá quá rẻ kèm nhiều ưu đãi bất thường. Không thực hiện giao dịch qua các fanpage không rõ nguồn gốc. Không nhấn vào các link lạ, yêu cầu cung cấp mã OTP. Khi chuyển khoản đặt cọc có thể đưa ra đề nghị gọi video với nhân viên đặt phòng để xác nhận độ tin cậy. Bên cạnh đó, các điểm du lịch, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, homestay cần tiếp tục chủ động đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo đến du khách trên các nền tảng xã hội để không bị kẻ xấu lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thanh Thanh
12:29 12/02/2025
07:46 12/02/2025
10:01 11/02/2025
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Căn cứ để xác định nạn nhân
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Tiếp nhận, xác minh nạn nhân được giải cứu
Đặc sắc Lễ hội Minh Thề - Di sản Văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia Xuân Ất Tỵ 2025
Sẵn sàng cho Lễ đón danh hiệu Cụm di tích quốc gia đặc biệt Từ Lương Xâm
Khai mạc Hội thi Truyền thống Vật Dân tộc thời Mạc lần thứ IV năm 2025