Đẩy mạnh chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới

17:32 03/10/2022

Chiều 3-10, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị tổng kết chương trình KHCN phục vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016-2021 (chương trình); nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021-2025. Các đồng chí: Lê Minh Hoan – Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT, Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Nguyễn Hoàng Giang - Thứ trưởng Bộ KH&CN đồng chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.
Tại điểm cầu Hải Phòng, Giám đốc Sở NN&PTNT Đỗ Gia Khánh và lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị liên quan tham dự hội nghị.

 Triển khai chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM, 5 năm qua (2016-2021), trên phạm vi cả nước đã có trên 70% đề tài, dự án có kết quả được công bố trên các tạp chí chuyên ngành với 80 bộ tài liệu hoặc sổ tay hướng dẫn; 152 bài báo khoa học.

100% nhiệm vụ có kết quả được cơ quan chuyên môn hoặc các địa phương tiếp nhận, áp dụng vào thực tế xây dựng NTM. Các mô hình đều chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến, phù hợp với các vùng miền.

Nhờ đó, các mô hình sản xuất đều tăng từ 25% hiệu quả trở lên, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Thông qua các đề tài, dự án, 11.000 lượt người đã được đào tạo, tập huấn chuyển giao công nghệ, vượt chỉ tiêu đề ra (10.000 lượt người).

Đẩy mạnh ứng dụng KHCN nâng cao chất lượng, tính cạnh tranh cho nông sản

        5 nhóm nội dung chính của chương trình từ nghiên cứu cơ sở lý luận, các mô hình, kinh nghiệm thế giới, trong nước đến đào tạo, nâng cao nhận thức, trình độ cho lực lượng tham gia xây dựng NTM đều được triển khai hiệu quả.

       Từ 84 nhiệm vụ ở giai đoạn II (2016-2020), số đề tài, dự án tham gia nghiên cứu từng nhóm nội dung cộng lại lên tới trên 180 nhiệm vụ, tạo ra 339 sản phẩm mới; đề xuất 160 nhóm chính sách, giải pháp ở nhiều lĩnh vực; hoàn thiện 97 quy trình sản xuất và công nghệ để chuyển giao vào sản xuất; xây dựng được 208 mô hình các loại…

          Có thể khẳng định, chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM tiếp tục có nhiều đóng góp tích cực vào hoàn thiện cơ sở lý luận, thực tiễn phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM được Đảng, Nhà nước tham khảo, sử dụng để bàn hành các chủ trương, Nghị quyết quan trọng trong phát triển “tam nông”.

        Đồng thời góp phần hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, giải pháp xây dựng NTM; thúc đẩy tái cơ cấu và tăng trưởng ngành nông nghiệp; thực hiện các tiêu chí NTM; đóng góp vào đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ cho các đối tượng tham gia xây dựng NTM…

          Để phát huy hiệu quả chương trình, giai đoạn 2021-2025, Bộ NN&PTNT xác định rõ 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, các đề tài, dự án triển khai phải bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và các nội dung, nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 923/QĐ-TTg ngày 2-8-2022, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM…

         Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong xây dựng NTM phải song hành để chuyển hoá được tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Mỗi đề tài nghiên cứu khoa học trong xây dựng NTM phải mang yếu tố kinh tế, gắn với thị trường, chi phí đầu vào; chuyển từ đơn giá trị sang tích hợp đa giá trị trên sản phẩm nông nghiệp.

        Bộ trưởng đề nghị Văn phòng Điều phối NTM nhanh chóng xây dựng đề tài, triển khai kế hoạch tuyên truyền, tiếp thị, quảng bá. Các đề tài triển khai phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, trực tiếp giải quyết các vấn đề cấp thiết gắn với đặc thù, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, huy động sự tham gia của các bộ, ngành TW; phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng, người dân tham gia hưởng ứng.

       Trong đó, ưu tiên các đề tại, dự án tại các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nhằm thúc đẩy KT-XH phát triển, bảo đảm AN-QP…

     Các đề tài không chỉ chuyển giao KHCN mà phải chuyển giao tính chuyên nghiệp, chuẩn hoá cho người nông dân để tăng hiệu quả, chất lượng đề tài. Mỗi nhà khoa học đến với người nông dân là góp phần tri thức hoá cho người nông dân.

       Từ đó góp phần tối ưu hoá quy trình sản xuất để tăng năng suất, chất lượng, tính cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp; tạo sức bật mới cho nông nghiệp, nông thôn.

 KC

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích