Đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực y tế: Góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân

    15:22 05/10/2021

    Với mục tiêu đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, xây dựng Hải Phòng trở thành Trung tâm y tế vùng Duyên hải Bắc bộ, trong những năm qua, các cơ sở trực thuộc ngành Y tế đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa (XHH) từng bước đạt được những kết quả tích cực, chất lượng khám, chữa bệnh từ tuyến thành phố đến tuyến quận, huyện được nâng cao.

    Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân

    Giai đoạn 2015-2020, ngành Y tế thành phố có 18/25 bệnh viện thực hiện xã hội hóa liên doanh liên kết, với 232 trang thiết bị được đưa vào sử dụng, kinh phí huy động từ các nguồn ngoài ngân hà sách đạt gần 305 tỷ đồng.

    Trong 5 năm qua, nhằm tạo sự cạnh tranh giữa các cơ sở y tế triển khai chủ trương xã hội hoá dịch vụ y tế, ngành Y tế tham mưu thành phố huy động các nguồn lực đầu tư cho y tế, bằng các cách làm sáng tạo, nhà nước, tư nhân và toàn thể nhân dân tham gia vào nhiệm vụ chăm lo sức khoẻ nhân dân và thu được nhiều kết quả tích cực. Trong các bệnh viện công được thực hiện xã hội hóa thông qua các hoạt động liên doanh, liên kết.

    Khu vực khám bệnh theo yêu cầu Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp

    Theo PGS.TS Lê Minh Quang, Giám đốc Bệnh viện hữu nghị Việp Tiệp, nhờ hoạt động liên doanh, liên kết, bệnh viện mua sắm được các thiết bị y tế hiện đại, như: CT Scaner đa dãy, máy chụp cộng hưởng từ, máy xạ trị gia tốc, máy xét nghiệm sàng lọc máu tự động bằng kỹ thuật sinh học phân tử...

    Những trang thiết bị kỹ thuật cao giúp các cơ sở y tế triển khai hơn 2.000 kỹ thuật chuyên sâu tuyến trung ương, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân thành phố và thu hút người bệnh tại các địa phương lân cận trong điều kiện kinh phí Nhà nước chưa đáp ứng đủ.

    Ngoài ra, xã hội hóa dịch vụ y tế trong các bệnh viện công còn được triển khai bằng các dịch vụ “Khám chữa bệnh theo yêu cầu” , “phòng điều trị theo yêu cầu”… đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân thành phố.

    Theo PGS.TS Bùi Văn Chiến, Giám đốc Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng: 5 năm qua, bệnh viện trang bị hệ thống chụp cắt lớp điện toán CT64 dãy, lắp đặt hệ thống xử lý X-quang kỹ thuật số, mua các máy mới, hiện đại phục vụ khu xét nghiệm, gây mê như dàn máy nội soi HD phục vụ phẫu thuật. Do đó, số lượng người đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện năm 2020 tăng 15% so với năm 2015.

    Đối với khối y tế ngoài công lập, những năm gần đây hệ thống y tế tư nhân ngày một phát triển cả về số lượng và chất lượng với nhiều loại hình: bệnh viện, phòng khám đa khoa, chuyên khoa, các công ty dược, nhà thuốc, quầy thuốc.

    Năm 2015, tổng số các cơ sở hành nghề y dược tư nhân chỉ là 1.641 cơ sở. Đến năm 2020, tổng số số cơ sở hành nghề y dược tư nhân tăng lên là 2.762 cơ sở. Hiện tại, thành phố có 6 bệnh viện tư nhân hoạt động với 780 giường bệnh. Trong đó, Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng là điển hình với tiêu chí xây dựng theo tiêu chuẩn "Bệnh viện-khách sạn”, cung cấp các dịch vụ khám, chữa bệnh cao, trang thiết bị y tế hiện đại...

    Tổng đầu tư của các cơ sở hành nghề y dược tư nhân trên địa bàn thành phố đạt 3.446 tỷ đồng. Các cơ sở y tế tư nhân khám và điều trị cho 30% số người bệnh có nhu cầu khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố.

    Phát huy lợi thế xã hội hóa

    Thực tế hoạt động ngành y tế thời gian qua cho thấy, xã hội hóa y tế với những hiệu quả tích cực đã góp phần làm giảm dần khoảng cách về chất lượng các dịch vụ khám, chữa bệnh giữa thành phố với tuyến Trung ương. Tỷ lệ người bệnh phải chuyển lên tuyến trên giảm đáng kể, giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương, từ đó giảm chi phí khám, chữa bệnh, đi lại cho người dân.

    Tuy nhiên, chính sách xã hội hóa y tế cũng phát sinh một số hạn chế như: chất lượng khám, chữa bệnh giữa các cơ sở y tế chưa đồng đều, cơ chế quản lý chưa theo kịp sự phát triển, một số bệnh viện tư không nhận ca bệnh khó, phức tạp...

    Trong khi đó, ở các bệnh viện công cũng nảy sinh một số vấn đề liên quan, như tỷ lệ các phòng, giường bệnh theo yêu cầu chiếm tới 30-50%, song các phòng theo yêu cầu chủ yếu lắp đặt thêm điều hòa, tivi, giá gấp nhiều lần phòng bệnh thường, một số bác sĩ giỏi chuyển dịch sang làm việc tại các bệnh viện tư nhân.

    Điều đó đòi hỏi ngành Y tế Có những biện pháp quản lý mới, nội dung và phương thức quản lý cần thay đổi do có nhiều vấn đề nảy sinh trong việc kiểm soát chất lượng dịch vụ y tế.

    Theo Tiến sĩ Trần Anh Cường, Giám đốc Sở Y tế, ngành đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ y tế nhằm huy động các nguồn lực và tăng cường năng lực Cơ sở y tế nâng cao chất lượng và đa dạng hóa dịch vụ y tế. Đồng thời chủ động kiểm soát chất lượng dịch vụ y tế.

    Ngành Y tế cũng tham mưu thành phố ban hành cơ chế thích hợp để khuyến khích các cơ sở thuộc mọi thành phần cùng tham gia cung cấp dịch - vụ y tế chuyên cơ chế hoạt động của các đơn vị y tế công lập sang cơ chế cung ứng dịch vụ xây dựng giá viện phí được tính toán đầy đủ, bao gồm các chi phí, bảo đảm phù hợp với khả năng huy động các nguồn lực trong xã hội. Trong đó, quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ, phạm vi tự chịu trách nhiệm đối với những cơ sở y tế công lập chuyển đổi sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự hạch toán, tự chịu trách nhiệm.

    Đồng thời, rà soát, điều chỉnh,  bổ sung quy hoạch mạng lưới các đơn vị y tế công lập, ngoài công lập phù hợp với quy hoạch, chiến lược phát triển của thành phố.

    Có thể thấy, việc đẩy mạnh xã hội hoá y tế là giải pháp để giải quyết tình trạng quá tải tại các bệnh viện hiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân địa phương.

    Tuy nhiên, còn phát sinh nhiều hạn chế trong hoạt động xã hội hóa trong ngành Y tế, điều đó đòi hỏi ngành Y tế Có những biện pháp quản lý mới, nội dung và phương thức quản lý cần thay đổi do có nhiều vấn đề nảy sinh trong việc kiểm soát chất lượng dịch vụ.

    VŨ DUYÊN

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông