Để lễ hội Minh Thề phát huy được giá trị di sản văn hóa

17:33 15/12/2017

Lễ hội Minh Thề thuộc làng Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy từ lâu đã trở thành một lễ hội độc đáo, đầy tính nhân văn, triết lý sâu sắc. Để bảo tồn và phát huy những giá trị vốn có của lễ hội, vừa qua, tại đền – chùa Hòa Liễu, đã diễn ra hội thảo khoa học “Lễ hội Minh Thề - Di sản văn hóa đặc sắc, giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị”.

Nghi thức đọc hịch văn trong lễ hội

Sức sống với thời gian

Tương truyền, Hội Minh Thề được khởi xướng bởi Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, vợ đích của Đức Thái Tổ Mạc Đăng Dung – vị vua khai sáng Vương triều Mạc. Hội nhằm mục đích răn dạy quan quân, chức sắc địa phương và dân làng phải biết dùng của công vào việc công, việc chung của cộng đồng; không được lấy của công dùng vào việc tư. Nếu lấy của công làm việc tư sẽ bị thần linh đả tử; không làm điều ác, làm nhiều việc thiện, chung tay xây dựng cộng đồng xã hội đoàn kết, nề nếp trật tự, kỷ cương. Nhờ có tư tưởng nhân văn này của Đức Thánh Mẫu Mạc Triều, cùng những đóng góp to lớn của Bà đã giúp Vua chồng và các con cháu trong dòng tộc khi nối ngôi đã dần hình thành được ý thức, tinh thần thượng tôn pháp luật trong triều đình và ngoài xã hội.

Theo tục lệ, trước năm 1945, lễ hội Minh Thề được tổ chức hàng năm vào hạ tuần tháng Chạp tại miếu thờ Thành hoàng bản thổ. Sau năm 2002, khi được phục dựng lại, lễ hội được tổ chức vào ngày 14,15, 16 tháng Giêng. Lễ hội Minh Thề, làng Hòa Liễu từ lâu đã trở thành một nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân địa phương, là niềm tự hào của người dân địa phương, tác động tích cực đến mọi mặt của đời sống xã hội, giúp bà con thêm yêu quê hương, đất nước, tình làng nghĩa xóm thêm gắn bó.

Làm tốt công tác quảng bá

Tại hội thảo khoa học “Lễ hội Minh Thề - Di sản văn hóa đặc sắc, giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị”, các nhà nghiên cứu khoa học, lịch sử đã tập trung làm rõ về nguồn gốc, giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc của Di sản; thực trạng bảo tồn, phát huy các giá trị của Di sản, gắn với thực trạng di tích Quốc gia đền – chùa Hòa Liễu.

Theo nhà sử học Ngô Đăng Lợi, lễ hội Minh Thề đã trải qua trên 500 năm, qua nhiều triều đại phong kiến, nhiều thể chế chính trị đã khẳng định giá trị lịch sử văn hóa. Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, làng văn hóa, con người mới, chính quyền cơ sở của dân, do dân, vì dân thì nội dung Lễ hội Minh Thề là bài học vô cùng quý giá.

Nghi thức tế lễ trong lễ hội

Còn theo ông Đỗ Xuân Trung – Phó giám đốc Bảo tàng thành phố cho biết: “Lượng du khách về tham gia lễ hội mới chỉ dừng lại ở quy mô làng xã, nhân dân tại các địa phương lân cận chưa biết nhiều về lễ hội. Nếu như chúng ta phát huy được tốt việc quảng bá, tuyên truyền về lễ hội đến các địa phương khác, thì đây cũng là cơ hội để giáo dục được tinh thần thượng tôn pháp luật, đạo đức của nhân dân”. Cũng theo ông Trung, để bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị nhân văn của lễ hội, cần tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu, tổ chức các hội thảo khoa học để làm rõ về cụ di tích đền – chùa Hòa Liễu; khai thác ý nghĩa của hịch văn Minh Thề để làm bài học giáo dục cộng đồng. Đồng thời, mong muốn các di tích vốn có tại đền – chùa Hòa Liễu được tu bổ, tôn tạo, phục dựng lại để tạo nên một không gian tổ chức lễ hội bài bản hơn, xứng tầm là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Không chỉ là nét đẹp truyền thống trong đời sống xã hội đương đại, lễ hội Minh Thề còn mang trọn vẹn ý nghĩa rất thời sự, đáng được tôn vinh và phát huy. Việc lễ hội Minh Thề được Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào ngày 8-5-2017 đã tạo điều kiện để lễ hội được lan rộng trong cộng đồng dân cư, thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham dự và trở thành nguồn tài nguyên du lịch quý giá cần được phát huy, khai thác và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Ngân Giang

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích