Đề xuất các giải pháp phát triển công nghiệp Hải Phòng

22:10 10/05/2024

Chiều 10-5, đồng chí Phạm Văn Lập, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố chủ trì cuộc giám sát chuyên đề của HĐND thành phố về việc thực hiện các cơ chế chính sách trong quản lý, phát triển công nghiệp trên địa bàn thành phố tại Sở Công Thương và Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng. Cùng dự có đồng chí Bùi Đức Quang, Phó chủ tịch HĐND thành phố; lãnh đạo các ngành, các địa phương liên quan.

Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Văn Lập chủ trì cuộc giám sát về phát triển công nghiệp tại Sở Công Thương và Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng

Theo Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Thành, Hải Phòng là trọng điểm phát triển công nghiệp của cả nước, tốc độ tăng trưởng khá nhanh; chất lượng, hiệu quả, đặc biệt là hàm lượng công nghiệp công nghệ cao ngày càng tăng.

Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Thành phản ánh một số bất cập, khó khăn trong phát triển công nghiệp

Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng cũng nhận định: công nghiệp là một trong những trụ cột phát triển kinh tế của Hải Phòng. Hiện thành phố đã thành lập Khu Kinh tế Đình Vũ- Cát Hải, 14 KCN, nhiều KCN đã được lấp đầy. Đến nay, các KCN, KKT có 532 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 26,2 tỷ USD và 219 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 13,7 tỷ USD.

Thành phố đang triển khai xúc tiến thành lập Khu Kinh tế thứ hai với diện tích 20.000 ha, trong đó có Khu Thương mại tự do và nhiều KCN mới, gắn với cảng nam Đồ Sơn và Sân bay quốc tế Tiên Lãng. Xu hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao; xanh; sinh thái rất rộng mở.

          Tuy nhiên, theo Sở Công Thương và Ban Quản lý Khu Kinh tế, sản xuất công nghiệp của Hải Phòng còn một số hạn chế. Số lượng KCN, CCN được thành lập chưa theo kịp yêu cầu thực tế; chưa thu hút được nhiều trung tâm nghiên cứu phát triển; còn nhiều khó khăn trong GPMB; thu hút đầu tư; phát triển năng lượng sạch; nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao còn thiếu và yếu…

Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Chu Đức Anh báo cáo đoàn giám sát

          Từ đó, các đơn vị đề nghị thành phố kiến nghị với Trung ương xem xét về quy định phải đạt tỷ lệ lấp đầy bình quân các KCN tối thiểu 60% mới được  thành lập các KCN mới; phân cấp cho UBND thành phố được chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án hạ tầng KCN; hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thành lập Khu Kinh tế ven biển phía Nam; sớm ban hành cơ chế chính sách thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu; sớm hoàn thiện các thể chế về nhà ở xã hội cho người lao động…

           Cùng với đó, đề nghị xây dựng bộ tiêu chí đánh giá CNH- HĐH; xây dựng tiêu chí thí điểm cho Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh; xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm và Luật Công nghiệp hỗ trợ…

Đồng thời đề nghị thành phố quan tâm GPMB cho xây dựng các KCN, CCN; xây dựng cơ chế chính sách, các điều kiện khuyến khích doanh nghiệp thành lập bộ phận đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển; đẩy nhanh tiến độ thành lập các KCN sinh thái; có giải pháp khôi phục lại ngành đóng tàu; ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo nghề; tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong thành lập các KCN, CCN…

Các thành viên đoàn giám sát phát biểu

           Các thành viên đoàn giám sát yêu cầu Sở Công Thương và Ban Quản lý Khu Kinh tế làm rõ một số nội dung như giải pháp phát triển công nghệ hỗ trợ; tỷ lệ tham gia của doanh nghiệp Hải Phòng vào chuỗi công nghiệp hỗ trợ; danh sách các sản phẩm công nghệ hỗ trợ của Hải Phòng; công tác tham mưu chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ; vì sao tiến độ thành lâp các khu, cụm công nghiệp còn chậm; những khó khăn, vướng mắc trong lựa chọn chủ đầu tư xây dựng cụm công nghiệp; đâu là sản phẩm công nghiệp mũi nhọn của Hải Phòng…

           Đồng chí Phạm Văn Lập, Chủ tịch HĐND thành phố nhấn mạnh, công nghiệp là một trong 3 trụ cột kinh tế của Hải Phòng. Thành phố có truyền thống phát triển công nghiệp hàng trăm năm nay và có nhiều ngành công nghiệp có nhiều thế mạnh. Theo xu thế hiện nay, phát triển công nghiệp trong các KCN, KKT; cụm công nghiệp, Hải Phòng có nhiều chính sách thu hút các luồng vốn đầu tư, ưu tiên, khuyến khích phát triển công nghệ cao, công nghệ sạch…

Quang cảnh cuộc giám sát

Tuy nhiên, việc phát triển công nghiệp với yêu cầu đưa Hải Phòng trở thành địa phương đi đầu cả nước về CNH- HĐH đang đặt ra nhiều áp lực, thách thức.  Do đó, HĐND thành phố lựa chọn phát triển công nghiệp để giám sát chuyên đề, làm rõ mặt mạnh, mặt yếu, hạn chế, khó khăn và đề xuất các giải pháp phát triển công nghiệp theo đúng yêu cầu.

           Chủ tịch HĐND thành phố ghi nhận, đánh giá cao Sở Công Thương, Ban Quản lý Khu Kinh tế làm tốt vai trò tham mưu, đề xuất phát triển các KCN, KKT, cụm công nghiệp; thu hút đầu tư phát triển công nghiệp và các cơ chế, chính sách ở cả tầm Trung ương và thành phố. Tuy nhiên, một số nội dung còn chưa rõ, chưa đáp ứng yêu cầu của đoàn giám sát. Đồng chí Chủ tịch HĐND thành phố mong muốn Sở Công Thương; Ban Quản lý Khu Kinh tế trên cơ sở ý kiến của đoàn giám sát, hoàn thiện báo cáo, làm rõ các vấn đề liên quan tới phát triển công nghiệp và đề xuất các giải pháp cụ thể, thiết thực hơn, góp phần đưa công nghiệp Hải Phòng phát triển đúng với tiềm năng, lợi thế, vị thế./.

                                                                                                                                     Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông