Có những trường hợp đã nhận tiền đền bù nhưng cố tình không bàn giao mặtbằng, cản trở nhà thầu thi công, thậm chí đã có hành vi cản trở, đe dọanhà thầu cả trong lúc thi công và lúc nghỉ thi công như trường hợp hộ gia đình ông Đào Viết Phăng, ở xã Quang Trung, huyện An Lão...
| Ảnh minh hoạ |
Sáng 4-6, UBND thành phố kiểm tra và giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng Dự án Đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. Đồng chí Dương Anh Điền, Chủ tịch UBND thành phố chủ trì buổi làm việc. Phó chủ tịch UBND thành phố Đỗ Trung Thoại; lãnh đạo các sở, ngành liên quan; UBND các quận Dương Kinh, Hải An; UBND huyện An Lão; chủ đầu tư dự án, nhà thầu, cơ quan tư vấn giám sát cùng dự.
Theo báo cáo của chủ đầu tư là Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI), việc giải phóng mặt bằng (GPMB) cho Dự án Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đoạn thuộc thành phố Hải Phòng đã thực hiện, bàn giao 98% khối lượng công việc. Những vướng mắc còn lại chỉ chiếm 2% khối lượng công việc nhưng lại rất khó khăn phức tạp. Trong đó có những trường hợp đã nhận tiền đền bù nhưng cố tình không bàn giao mặt bằng, cản trở nhà thầu thi công, thậm chí đã có hành vi cản trở, đe dọa nhà thầu cả trong lúc thi công và lúc nghỉ thi công như trường hợp hộ gia đình ông Đào Viết Phăng, ở xã Quang Trung, huyện An Lão, có nhà ở mặt QL10 thuộc diện giải tỏa để phục vụ dự án. Trong số khối lượng công việc còn lại chủ yếu tập trung tại 2 địa phương là huyện An Lão và quận Dương Kinh. Công tác GPMB cho dự án thuộc khu vực quận Hải An và huyện Kiến Thụy về cơ bản đã thực hiện xong và bàn giao cho chủ dự án.
Tại cuộc họp, UBND quận Dương Kinh và UBND huyện An Lão đã báo cáo khối lượng công việc và những khó khăn vướng mắc trong công tác GPMB; đồng thời cũng kiến nghị những vấn đề cần phải được quan tâm giải quyết. Cụ thể, tại huyện còn 20 hộ chưa nhận tiền đền bù, địa phương đang thực hiện biện pháp vận động các hộ dân tự giác chấp hành, đồng thời hoàn thiện hồ sơ để cưỡng chế.
Huyện An Lão kiến nghị chủ đầu tư giải quyết số tiền 12 tỷ đồng bồi thường GPMB cho các doanh nghiệp được thành phố giao đất nhưng thuộc diện phải giải toả đã có phương án phê duyệt nhưng chưa có tiền nên các doanh nghiệp quản lý đất chưa bàn giao mặt bằng. Trong quá trình thi công đầm nèn, ép cọc đã gây ra nứt hỏng nhà dân, với tổng số hơn 70 nhà dân, cần được quan tâm đền bù để nhân dân ổn định cuộc sống.
Hiện trạng Trường tiểu học Tân Viên nằm sát đường cao tốc đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thi công, đề nghị được di chuyển. Tại 6 xã thuộc huyện An Lão có hàng chục công trình giao thông, công trình thủy lợi nội đồng bị ảnh hưởng, xuống cấp nghiêm trọng do thi công đường cao tốc. Vụ lúa của 31 hộ dân bị chết (11 hộ ở Mỹ Đức, còn lại ở Quốc Tuấn) do bơm cát làm đường để trôi xuống ruộng, tổng giá trị trên 80 triệu đồng nhưng nhà thầu không quan tâm, xử lý…
Quận Dương Kinh có 9 hộ thuộc diện thu hồi mới nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường chưa có bản đồ điều chỉnh để địa phương áp dụng. Giai đoạn 1 còn 4 hộ dân chưa tự giác dỡ bỏ công trình trên đất thu hồi để bàn giao mặt bằng cho dự án, UBND quận Dương Kinh đang dự kiến cưỡng chế giải phòng mặt bằng. Quá trình đầm rung, đóng cọc cát gây nứt công trình của 18 nhà dân, UBND quận đã tiến hành kiểm tra lập biên bản hiện trạng để kiến nghị bồi thường cho các hộ dân. UBND quận cam kết thực hiện GPMB trong tháng 6-2012; trong đó không loại trừ biện pháp cưỡng chế giải tỏa.
Về phía chủ đầu tư (VIDIFI), thừa nhận những kiến nghị nói trên là đúng và thừa nhận trách nhiệm này. Tuy nhiên nhà thầu đã ký kết với chủ đầu tư về hoàn trả các công trình bị ảnh hưởng, vì vậy VIDIFI có trách nhiệm đốc thúc, xử lý đối với những nhà thầu không thực hiện việc khắc phục hậu quả. Đại diện các sở, ngành chức năng tham mưu đề xuất biện pháp, cách thức khắc phục khó khăn, để giải quyết nốt công việc còn lại cũng như giải quyết các tồn tại do quá trình thi công đường.
Chủ tịch UBND TP Dương Anh Điền đánh giá cao kết quả đạt được trong GPMB cho dự án, đề ra tiến độ cuối cùng là 30-6 tới, thành phố phải thực hiện xong công tác GPMB cho dự án để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Chủ tịch UBND thành phố nhận định những tồn tại không lớn và vấn đề là cần có phương án, biện pháp để giải quyết cụ thể cho từng công việc. UBND thành phố giao cho Sở Tài nguyên và môi trường, UBND các quận huyện phối hợp với chủ đầu tư và các nhà thầu thi công để giải quyết những tồn tại này.
Quan điểm của UBND thành phố là áp dụng nghiêm túc các văn bản pháp luật. Trong trường hợp pháp luật cho phép thì phải vận dụng tối đa cho nhân dân. Những trường hợp cố tình không chấp hành sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế, bảo vệ nhà thầu thi công vì đây là công trình trọng điểm quốc gia, phục vụ lợi ích quốc gia, mọi tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm với đất nước.
ĐOÀN LANH |