Đền Nghè – Điểm du lịch tâm linh bậc nhất thành phố Cảng

06:40 15/02/2024

Những ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, hàng vạn người dân và du khách đã đi lễ đền Nghè, nơi thờ Nữ tướng Lê Chân để tưởng nhớ công lao khai thành của bà và chiêm ngưỡng nét kiến trúc độc đáo của ngôi đền.

Bà Bùi Thị Nguyêt Nga, Giám đốc Bảo Tàng Hải Phòng cho biết, Đền Nghè là di tích có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nhân dân thành phố, vì vậy UBND thành phố giao Bảo tàng Hải Phòng là đơn vị có chuyên môn nghiệp vụ trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa quản lý, bảo tồn và phát huy.

Đền Nghè là di tích lịch sử văn hoá thờ Nữ tướng Lê Chân. Bà là một nữ tướng tài ba, anh dũng, lập nhiều chiến công vang dội trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, được Trưng Vương phong chức "Chưởng quân binh quyền nội bộ”, giao trọng trách trấn giữ miền Hải Tần.

Đền Nghè là di tích lịch sử văn hoá thờ Nữ tướng Lê Chân (Ảnh: Bảo tàng Hải Phòng)

Để tưởng nhớ công lao của Nữ tướng, người đã lập ra làng An Biên xưa và đặt nền móng cho thành phố Hải Phòng ngày nay, nhân dân đã lập nên toà miều An Biên thờ Bà. Buổi đầu chỉ là một ngôi miếu nhỏ, lợp tranh, đến năm 1919, đến được xây dựng, tu bổ mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.

Năm 2008-2009, được nhà nước quan tâm, đầu tư kinh phí tu bổ, tôn tạo, Đền Nghè ngày càng khang trang, tố hảo. Hiện nay, Đền Nghè là công trình kiến trúc bao gồm: nghi môn, toà tiền bái, thiêu hương, hậu cung, giải vũ, nhà bia, nhà từ phủ, nơi đặt tượng voi đá, ngựa đá.

Toà tiền bái gồm 5 gian được nâng đỡ bởi 24 cột gỗ lim, kê trên 24 viên đá tảng đục đẽo công phu, tỉ mỉ. Chính giữa nóc nhà tiến đường đắp nổi hàng chữ Hán "An Biên cổ miếu". Hậu cung gồm 3 gian, xây cao hơn nhà bái đường với thiết kế 2 tầng mái, làm tăng thêm sự bề thế, uy nghi của công trình.

Đền Nghè là di tích có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nhân dân thành phố Cảng

Nét đặc sắc của kiến trúc Đền Nghè là nghệ thuật chạm khắc trên gỗ, đá, với các đề tài: long, ly, quy, phượng; tùng, cúc, trúc, mai thể hiện kỹ thuật chạm bong hình, chạm nổi, chạm chìm, đạt đến trình độ tinh xảo.

Điển hình là tấm bia đá có kích thước lớn được tạc vào thời Nguyễn, ghi tiểu sử của Nữ tướng Lê Chân. Toà tiền bái treo khánh đá chạm nổi đề tài “Long vân khánh hội" đường nét tinh xảo, mềm mại, uyển chuyển; ở toà thiêu hương có chiếc sập đá đồ sộ, tạo bằng khối đá liền, chạm nổi hình chim, thú, hoa, lá rất công phu. Tại toà hậu cung, tượng Nữ tướng tọa trên ngai thờ, đặt trong một khám lồng sơn son, thếp vàng với dáng vẻ uy nghi, đôn hậu.

Những ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, hàng vạn người dân và du khách rủ nhau đi lễ đền Nghè, nơi thờ Nữ tướng Lê Chân để tưởng nhớ công lao khai thành của bà

Vùng đất Hải tần phòng thủ từ buổi hồng hoang đã gắn liền với vị Nữ tướng anh hùng - Lê Thánh Công chúa, người khai thiên, lập địa, đặt nền móng cho thành phố Hải Phòng ngày nay: “Công tại tiền triều, danh tại sử”.

Từ một nhân vật lịch sử, bà được tôn vinh là Thánh Mẫu Lê Chân, là Thành hoàng của vùng đất ven biển, công đức của vị nữ tướng còn in đậm trong tâm trí mỗi người dân thành phố. Gần 2000 năm qua, những di tích và những huyền thoại về Bà vẫn được nhân dân truyền tụng ghi nhớ. Hàng năm, nhân dân khắp nơi hành hương về các di tích để dâng hương chiêm bái anh linh vị Nữ tướng anh hùng dân tộc.

Để tưởng nhớ công lao của Bà, từ xa xưa nhân dân Hải Phòng và các vùng phụ cận tổ chức nhiều hoạt động lễ hội tại đền Nghè, đình An Biên để bày tỏ lòng ngưỡng vọng và biết ơn một vị tướng tài ba tâm phúc của Hai Bà Trưng:

Lễ Cầu may đầu năm (từ đêm giao thừa đón năm mới), Lễ Thánh đản (ngày 8 tháng 2), Lễ chạp thần (ngày 25 tháng 12), Lễ thắng trận (ngày 15 tháng 8)... Những giá trị tinh thần đó trải qua thời gian được kết tinh lại thành giá trị văn hóa vô giá của dân tộc nói chung và trong tâm thức nhân dân thành phố Hải Phòng nói riêng.

Hội Đền Nghè được tổ chức từ ngày mùng 8 đến 10 tháng 2 Âm lịch hàng năm, thu hút đông đảo du khách đến tham quan

Hội Đền Nghè được tổ chức từ ngày mùng 8 đến 10 tháng 2 Âm lịch hàng năm, thu hút đông đảo du khách đến tham quan di tích, tưởng niệm nữ tướng Lê Chân.

Đền Nghè, tên chữ là "An Biên cổ miếu", hiện nay toạ lạc tại số 55 phố Lê Chân, phường An Biên, quận Lê Chân được xây dựng từ lâu đời. Theo nội dung tấm bia đá Hải Phòng An Biên thần tích bi hiện còn lưu giữ tại đền Nghè cho biết rằng: "Sau khi mất, Thánh rất linh ứng.

Nhân dân địa phương một đêm chiêm bao thấy Thánh về báo: “Ta đã hết duyên trần, nay về Thiên đình chầu thượng đế. Thượng đế ân phong làm Thành hoàng. Các ngươi sớm mai ra bến sông, thấy vật gì lạ thì rước về mà thờ”. Sớm hôm sau, dân làng cùng ra bến sông chờ xem, bỗng trời đất mịt mùng, mưa to gió lớn, mặt sông nổi sóng dữ dội, chợt thấy một sập đá trôi ngược dòng nước.

Nhân ngày phiên chợ, mọi người mua mâm cua biển, mâm bún đặt lên hương án cùng nhau quỳ lạy, ngay lập tức đá dạt vào bờ, trên mặt có một toà miếu đá nhỏ, trong để sắc phong. Dân làng vớt rước lên và khiêng về xứ Đồng Mạ đặt xuống, sau đó muốn chuyển nhưng nặng không chuyển nổi nên lập miếu tại đó theo hướng Đông để thờ.

Đền Nghè được coi là điểm du lịch tâm linh bậc nhất thành phố Cảng

Thời kỳ Trần Anh Tông chinh phạt Chiêm Thành, khi đi qua địa phận An Biên được thánh báo mộng xin âm phù. Vua tỉnh giấc liền ghi việc đó vào sổ vàng. Lúc thắng trận về lại truy tặng là "Nam Hải uy linh" rồi sai quan trong triều đến tế lễ và cấp tiền để sửa sang đền miếu (văn bia ghi là 100 quan).

Những thời kỳ sau đó, miếu đã được tu sửa, tuy không có những ghi chép về các đợt tu sửa này nhưng một số di vật, cổ vật có niên đại sớm (thời Lê) trong đền chứng minh cho sự phụng thờ Nữ tướng trải dài liên tục theo thời gian...

Công trình kiến trúc đền Nghè hiện nay được trùng tu quy mô lớn trong thời gian từ năm 1924 đến năm 1927. Trong văn bia hiện được lưu giữ tại nhà giải vũ đền Nghè ghi rõ vào mùa xuân năm Giáp Tý, niên hiệu vua Khải Định năm thứ 9 (năm 1924), khởi công trùng tu, tôn tạo di tích miếu An Biên.

Sau ba, bốn năm mới hoàn thành. Đến tháng 7 năm 1927, lập bia đá ghi danh những người công đức xây dựng trong đợt trùng tu, tôn tạo trên. Bia ghi có tới 243 người và tập thể công đức.

Trong số những người công đức có người Pháp lấy vợ người Việt, những chủ hiệu, những thương nhân người Hoa... người công đức cao nhất là bà Trịnh Thị Mão (vợ của một vị xã trưởng), số tiền công đức là 400 nguyên. Người công đức ít được ghi là 3 nguyên. Tổng số tiền công đức trùng tu miếu là 3.959 đồng bạc. Ngoài số tiền công đức trên còn có nhiều người công đức trùng tu miếu bằng vật liệu như: cát, gỗ, gạch, đá...

Đền Nghè được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1975. Di tích lịch sử đền Nghè là một di sản văn hoá “Viên khung” của thành phố Hải Phòng, của đất nước, nơi bảo tồn nhiều nếp sinh hoạt cổ phong lành mạnh, góp phần làm phong phú kho tàng văn hoá vật thể và phi vật thể của người dân thành phố Cảng.

VŨ DUYÊN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông