15:18 30/04/2014
Giọng nói ấm áp, truyền cảm, khuôn mặt ưa nhìn, kèm theo đó là một cái đầu uyên bác về thể thao là những yếu tố cần phải có của một bình luận viên (BLV). Niềm đam mê là có sẵn, nhưng không phải ai cũng có được những tiêu chuẩn cực kỳ khắt khe như vậy. Khổ nhất là những anh chàng nói giọng địa phương, việc thay đổi gặp rất nhiều khó khăn… Từ hồi ti vi còn chưa có nhiều như bây giờ, cậu bé Huỳnh Sang đã “chết mê chết mệt” giọng bình luận của các thần tượng như BLV Tôn Thành Cang, Huy Quân, Đình Khải… trên chiếc đài radio. Chính vì thế, ngay từ nhỏ mà Huỳnh Sang đã định hướng cho mình theo con đường BLV. Là dân tỉnh lẻ, Huỳnh Sang (Đài Tiếng nói TP.HCM) luôn xác định sẽ là rất khó để vào được Đài tiếng nói bởi tiếng địa phương của mình. Chính vì thế, anh luôn không ngừng tự hoàn thiện kỹ năng giao tiếp, học hỏi các thế hệ đi trước và đồng nghiệp, cộng thêm chất giọng vừa ấm, vừa sang sảng truyền cảm lại rất Nam bộ, Huỳnh Sang đã nhanh chóng lọt vào “mắt xanh” của lãnh đạo đài. BLV kỳ cựu Quang Huy (VTC) chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng bên cạnh các yếu tố như đam mê, sức khỏe, giọng nói, kiến thức, chịu khó tích lũy, cần phải có sự may mắn nữa. Ở một góc độ nào đó, công việc này rất giống với một người ca sỹ. Để có thể hát đúng nốt nhạc, thực hiện những kỹ thuật khó của thanh nhạc, có thể nhiều người làm được giống nhau nhưng để làm lay động tâm hồn người nghe lại là chuyện rất khác”. Theo BLV kỳ cựu Đình Khải, việc phát âm từng chữ, từng câu đều phải rèn luyện khá khắt khe. Bắt đầu từ việc làm những tin phát thanh ngắn, chuyển qua bình luận thể thao, rồi bình luận trực tiếp cả trận đấu là cả một quá trình dài không đơn giản. Với các trận đấu của V.League bình luận đã vất vả, với Euro hay World Cup, độ khó còn tăng lên rất nhiều khi các đội luôn đá với tốc độ cao, diễn biến trận đấu vì thế cũng trở nên “chóng mặt”. Rồi còn phải làm sao để phối hợp tốt với người cùng bình luận với mình cũng cần phải “ăn ý” như những cầu thủ trên sân. BLV Đình Khải còn chia sẻ: “Truyền hình có hai kênh để cung cấp thông tin cho khán giả là hình ảnh và lời bình luận của BLV. Vì thế, bình luận viên không nên sa đà vào việc tả - thuật, vì điều đó đã có hình ảnh rồi. Chỉ nên thiên về bình luận hoặc cung cấp thêm thông tin cho khán giả, chứ đừng ham nói nhiều dễ thành “nói dai, nói dại”. Với những BLV đã tạo được chỗ đứng như Huỳnh Sang, anh chia sẻ: Để giữ được giọng nói khoẻ và chuẩn luôn phải có chế độ kiêng khắt khe. Tôi không được uống nước đá, không ăn đồ ngọt và đồ ăn nặng bụng… mà phải ăn đồ chín, nước sôi, ăn cháo trắng hay nước giá đỗ trước khi ngủ, còn rượu bia thì là điều cấm kỵ nhất. Còn BLV Việt Khuê của đài VTV thì cho biết: Nếu không yêu nghề thì tôi đã bỏ cái công việc này lâu rồi. Thường ngày đã cực, các dịp đặc biệt như Euro hay World Cup anh em thay phiên làm đến chóng mặt, hoa mắt mà cũng không hết việc. Cũng thấy mệt lắm nhưng vẫn phải chiến đấu vì giờ phát sóng đã cố định. Bù lại, tôi luôn tìm thấy sự rất hào hứng trong công việc bởi đây chính là sở thích của mình... Sau khi những BLV có tiếng như Quang Huy, Quang Tùng, Long Vũ… không còn xuất hiện thường xuyên trên sóng, nhiều BLV trẻ được tạo cơ hội. Họ đang từng bước ghi dấu ấn thương hiệu của mình, góp công lớn giúp các chương trình phát sóng trên truyền hình, phát thanh trở nên đặc sắc, thú vị hơn. Song, thành công không bao giờ là đủ, từ những BLV kỳ cựu tới những BLV trẻ hay những người đang mơ ước được cầm micro, đều cần phải không ngừng học hỏi, hoàn thiện các kỹ năng để có thể tự tin giao tiếp, phân tích và bình luận và đặc biệt là tạo phong cách riêng trong lòng người xem. “Các BLV hiện tại chịu quá nhiều sức ép từ công chúng càng ngày càng có trình độ thưởng thức cao hơn và khó tính hơn. Về chuyên môn và kiến thức, họ cũng không đến nỗi dở, nhưng họ hay bị đánh giá và so sánh với những người đi trước. Đấy là nỗi khổ cùa họ”, BLV Anh Ngọc nhận xét. Lê Hiếu |
16:01 21/11/2024
18:51 18/11/2024