Đi chợ Viềng

17:21 13/02/2017

 

 

.
.

Đêm 3-2 (tức mùng 7 tháng Giêng năm Đinh Dậu), cơn mưa trút xuống bất ngờ và kéo dài dai dẳng khiến biển người tham gia họp chợ Viềng kẹt cứng. Khi người dân bản địa đi chợ sớm đã lục tục kéo nhau về thì người các nơi ùn ùn kéo vào chợ, những mong “mua may bán rủi” để lấy lộc may mắn đầu năm. Quả là một đêm hành hương nhớ đời…

Từ Hải Phòng, nhóm chúng tôi xuất phát lúc 4h chiều. Sau khi đi vãn cảnh một lượt các đền nổi tiếng như đền Đồng Bằng, đền Trần, khoảng 22h đêm, chúng tôi đã vào được chợ Viềng tại Vụ Bản, Nam Định.

Thị trấn Gôi đây rồi! Người và các loại xe tấp nập. “Còn 5km nữa mới đến nơi, anh chị gửi xe ở đây đi, đường sá kẹt cứng rồi không thể nhúc nhích được” - tưởng người trông xe nói đùa để câu khách, chúng tôi định quay xe đi tiếp nhưng quả thật khó có thể len để đi tiếp nên đành gửi xe ô tô để thuê xe ôm đến lễ hội Phủ Giầy rồi từ đó đi chợ Viềng Phủ luôn thể.

Nhân tiện nói thêm, tại Nam Định hiện có hai chợ Viềng, họp cùng thời điểm đêm 3-2 và rạng sáng 4-2, đó là chợ Viềng Phủ (Phủ Giầy) ở Vụ Bản, chợ Viềng Chùa ở Nam Trực.

22h, trong gió mưa, không nón mũ, chúng tôi mỗi người thuê một anh xe ôm luồn lách qua đám đông nhốn nháo. Sau 30 phút đi xe máy và 20 phút đi bộ chúng tôi cũng vượt qua được đoạn đường 5km đến Phủ Giầy. Người lái xe ôm tốt bụng nhắc nhở chúng tôi phải cẩn thận bởi có rất nhiều người ở đây vừa bị móc túi mất điện thoại và ví tiền, thậm chí còn bị mất cả chìa khóa xe.

Sau hàng tiếng đồng hồ vượt qua đoạn đường tắc nghẽn hàng cây số, chúng tôi cũng đến được chợ Viềng…
Sau hàng tiếng đồng hồ vượt qua đoạn đường tắc nghẽn hàng cây số, chúng tôi cũng đến được chợ Viềng…

Biển người xô đẩy nhau không khác gì những đợt sóng. Tiếng loa đài của ban tổ chức liên tục thông báo tên của những người đang lạc nhau. Nhưng đoạn đường từ Phủ Giầy ra chợ Viềng còn gian nan gấp mấy lần. Một đoạn đường chỉ 2km nhưng các phương tiện phải mất hàng tiếng đồng hồ để dịch chuyển. Có lúc phải đến 20 phút cả biển người đứng chôn chân ở một chỗ không nhúc nhích được, tiến cũng chẳng được, lui cũng không xong. Một số thanh niên bản địa liều lĩnh phi cả xe máy ra những bờ mương nhỏ để tìm đường thoát ra khỏi tấm thảm người ken đặc này.

Cây cảnh là mặt hàng được bày bán nhiều nhất tại chợ Viềng
Cây cảnh là mặt hàng được bày bán nhiều nhất tại chợ Viềng

Một số người khác thì băng qua nghĩa địa để đi. Sau hàng tiếng trời ngộp thở, chúng tôi đành đi bám theo con đường mương trơn trượt để đến với chợ Viềng. Trời thì vẫn mưa không ngớt, thậm chí còn nặng hạt hơn.

Chỗ nào cũng thấy nước. Cả cánh đồng trắng nước, hai con mương ôm bờ đê cũng đầy oạp nước. Nước từ trên trời không ngớt rơi xuống những gương mặt người. Mặc dù vậy, cả biển người vẫn kiên trì di chuyển từng bước một cách nhẫn nại. Và kia rồi, cổng chợ Viềng đã hiện ra.

.
.

Chợ Viềng còn được gọi là chợ Âm phủ, mỗi năm chỉ họp một lần vào đêm mùng 7 rạng ngày mùng 8 tháng Giêng, là nơi buôn bán những mặt hàng như đồ cổ, đồ cũ, công cụ nhà nông, cây cảnh, thịt bò…. Hàng năm cứ đến phiên chợ, người ta mang đồ cũ trong nhà ra chợ bán, từ cái cuốc, cái cày cũ tới nồi niêu, xoong chảo cũ, gọi là “bán rủi” nhưng người đi mua những đồ đó về đầu năm lại gọi là “mua may”.

 

 
Các mặt hàng dao, kéo, cày, cuốc... được bày bán la liệt

 

Vì nó có một ý nghĩa đặc biệt như vậy, nên mặc dù trải qua những bước thử thách gian nan, dù đã chùn chân mỏi gối nhưng mỗi khi diễn ra chợ Viềng, mọi người lại hăm hở trở lại.

- Mọi người biết năm trước em mua gì ở chợ Viềng không? Cả năm vừa rồi em gặp rất nhiều may mắn - chị Nhung - một người trong nhóm chúng tôi lên tiếng đầy vẻ bí mật.

- Em mua cái gì đấy, tiết lộ đi.

- Bí mật! Cứ đi theo em!

Chúng tôi đi theo Nhung. Đúng 12h đêm, chúng tôi thấy chị đi mua bao tải, mua một cái thúng, một cái giỏ và một cái nơm. Thế là mọi người răm rắp làm theo. Những người bán hàng ngạc nhiên khi thấy chúng tôi mua bao tải.

Mặc dù chưa có ý định bán nhưng họ vẫn trút hết hàng ra để bán những chiếc bao cho chúng tôi. Tôi mua thêm chiếc liềm để “gặt hái những vụ mùa bội thu” trong năm 2017, những người khác mua thêm cây cảnh, gạo muối để cầu may mắn. Mỗi người đều không quên mua vài kg thịt bò về thưởng thức và làm quà. Có lẽ do ý thức tâm linh nên giá cả các mặt hàng ở đây người bán không nói thách mà người mua cũng không mặc cả nhiều. Cả hai bên đều hài lòng với những gì họ có được.

Chúng tôi tiếp tục vượt qua biển người với hai tiếng đồng hồ nữa mới đến được chỗ để xe để lên đường trở về Hải Phòng. Chúng tôi vẫn háo hức được đi chợ Viềng vào năm sau. Chỉ mong sao ban tổ chức có sự chuẩn bị chu đáo hơn, phân luồng giao thông để người dân và du khách đến lễ hội được thuận lợi và đặc biệt là để chợ Viềng luôn là nét đẹp văn hóa độc đáo, là điểm đến ấn tượng mỗi khi du khách đến Nam Định.

Thu Duyên


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông