06:08 20/07/2013 Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, lão Trì là kẻ tứ cố vô thân, ngày ngày lão ở nhờ từ đường của một dòng họ. Cả đời lão chẳng có tài sản gì ngoài cái tình với người chết. Bởi gần 60 năm qua, cứ hễ nghe thấy trong làng ngoài xã đâu đâu có đám ma, lão lại tìm đến để kiếm cơm. Thương hoàn cảnh của lão nên chẳng ai nỡ từ chối, xua đuổi. Người quê hồn hậu đối đãi với lão như khách…
Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, lão Trì là kẻ tứ cố vô thân, ngày ngày lão ở nhờ từ đường của một dòng họ. Cả đời lão chẳng có tài sản gì ngoài cái tình với người chết. Bởi gần 60 năm qua, cứ hễ nghe thấy trong làng ngoài xã đâu đâu có đám ma, lão lại tìm đến để kiếm cơm. Thương hoàn cảnh của lão nên chẳng ai nỡ từ chối, xua đuổi. Người quê hồn hậu đối đãi với lão như khách…
Chỉ mong ngủ cùng người chết Đến xã Vũ Trung, Kiến Xương, Thái Bình, hỏi thăm về dị nhân Nguyễn Danh Trì, 85 tuổi, người đã có già nửa cuộc đời nằm cạnh quan tài canh xác người chết tại các đám ma thì ai ai cũng biết tường tận. Bà Nguyễn Thị Thu, hàng xóm sống gần lão Trì cho biết: “Ông ấy thường đi bộ lang thang đến các nhà đám. Cách đây vài tháng, trong một lần đi đêm tối, ông ấy bị xe máy tông gẫy chân, may mà có người phát hiện đưa đi bó bột. Trong gian từ đường đã xuống cấp, mọi vật dụng của lão Trì vỏãn vẹn chỉ có vài bộ quần áo cũ, chiếc quạt điện nhỏ cũng đã cũ kỹ. Khi gợi mở về những bữa cơm nhà đám, lão vui vẻ kể về cái tình của lão với người đã khuất. Lão bảo: “Không nhà, không cửa, không cha mẹ, vợ con nên nhiều năm qua cứ nghe ngóng ở đâu có đám ma là tôi lại tìm đến. Trước hết là để chia buồn với gia quyến, sau thì kiếm bữa cơm mặn sống qua ngày”. Mà lão cũng có trước có sau lắm, trước khi đến nhà đám, lão dành dụm vài nghìn đồng mua bó hương và vài thếp tiền vàng âm phủ mang đến viếng người đã khuất. Đám nào cũng vậy, lão thường là khách đến thăm viếng đầu tiên sau khi người chết được khâm liệm, mặc dù không họ hàng quen biết. Lão nghe tin và đến nhà đám rất nhanh, đợi cho gia chủ làm lễ nhập quan xong là lão đến thắp hương trước quan tài người chết. Và cũng kể từ thời điểm đó đến khi quan tài được đưa đi chôn cất, lão chỉ quanh quẩn bên cạnh thi hài người chết. Đến giờ cơm, nhà đám dọn sẵn bàn với đầy đủ cơm canh, thịt thà và lão tự nhiên ngồi ăn như khách. Có đám, lão Trì ngồi ăn một mình, cũng có khi lão ngồi cùng mâm cơm với người nhà hoặc những người đến giúp việc tại đám ma. Cơm nước xong xuôi, lão ngồi uống chén trà, nói dăm ba câu chuyện tầm phào với người đến phúng điếu. Thật ra thì lão Trì chẳng giúp được việc gì hệ trọng trong đám ma, chỉ quẩn quanh như thế, đến bữa lại ăn. Chỉ khi màn đêm buông xuống, lão Trì tự nhận mình có phận sự. Lúc đêm khuya, khi gia quyến người chết đã mệt lả, tìm chốn ngả lưng để lấy sức ngày hôm sau lo hậu sự thì lão Trì bắt đầu phần việc của mình một cách rất tự giác. Chẳng cần ai bảo, lão chủ động đến nằm cạnh trông quan tài đến sáng. Lát lát lão lại lẩm nhẩm khấn vái trước quan tài, lão tin rằng linh hồn người đã khuất nghe được lời nói của lão. Sau đó lão chợp mắt rồi lại đứng dậy thắp cho người đã khuất nén hương cho đỡ lạnh lẽo. Có lão Trì nằm canh áo quan, gia quyến người chết có phần yên tâm hơn bởi chẳng phút nào đèn tắt, hương tàn trên nắp quan tài. Lão Trì tâm niệm: “Cùng là con người, phải có bầu có bạn. Người chết cũng thế thôi, nghĩa tử là nghĩa tận, không để người ta cô đơn…”. Cũng bởi tấm lòng ấy của lão Trì mà gia quyến người chết chẳng ai nỡ hắt hủi lão. Người nhà có đám còn thương biếu lão vài chục ngàn đồng sau khi xong công việc. Số tiền đó, lão lại cất kỹ, khi nào có đám thì dùng để mua vàng hương cho người chết… Quãng thời gian dài ngủ cạnh quan tài người đã khuất, lão cũng chẳng thể đếm được là đã dự bao nhiêu đám tang. Cũng bởi thế mà hàng xóm bên cạnh ít khi thấy lão đỏ lửa nấu cơm. Lão bảo có lẽ cũng trên dưới 1.000 đám, ở xã nhà và gần 10 xã lân cận. Lão tin rằng, với cái tâm và cái tình giành cho người chết, lão được những linh hồn phù hộ và được trời thương hoàn cảnh nên cả đời lão chưa bao giờ biết uống một viên thuốc hay phải đi khám bệnh viện. Có chăng, lúc trái gió trở giời, hay đi đường gặp mưa, lão chỉ mệt qua loa rồi tự khỏi… Cuối đời mong một mái ấm Lão Trì mồ côi bố mẹ từ nhỏ. Trên lão còn có người chị gái ruột, lấy chồng và sinh sống ở tận Quảng Ninh. Năm nay chị gái lão Trì cũng đã ở tuổi 90. Gia đình chị gái cũng đuề huề con cái và kinh tế cũng đủ sống, nhưng kiến giải nhất phận, họ cũng chỉ có thể biếu cậu Trì vài trăm nghìn mỗi khi có dịp về quê giỗ tổ. Ngày còn trẻ, lão thường mang theo kéo, lược, dao cạo… đi cắt tóc dạo để kiếm sống. Tiền kiếm được từ việc cắt tóc, lão dành dụm để có đám ma là mua vàng hương đến phúng viếng. Sau này, già rồi lão bỏ hẳn nghề cắt tóc dạo, cứ lang thang đi bộ khắp xã, sang cả những xã lân cận để đến đám ma. Lão chẳng có phương tiện đi lại, bất kể xa gần, lão chỉ đi bộ. Đôi chân trần của lão Trì vì thế đã đi không biết bao nhiêu đường đất ở vùng quê nghèo. Khoảng 60 năm nay, lão giữ thói quen đến các đám ma như thế. Nhưng mấy tháng nay, sau lần đi đám ma về, bị xe máy tông gẫy chân, lão Trì chẳng còn tìm đến làm “bạn” với người chết được nữa. Lão ở trong khu từ đường ấy, hàng ngày nhận sự giúp đỡ từ cô cháu gái Nguyễn Thị Thái, 55 tuổi, lấy chồng gần đó. Mấy năm nay, được xã xét hoàn cảnh người già cô đơn không nơi nương tựa, lão được hưởng trợ cấp 180 nghìn/tháng. Vậy là cuộc sống sinh hoạt của lão chỉ gói gọn trong số tiền đó nên túng thiếu lắm. Cuối cuộc đời, thứ duy nhất được lão gìn giữ, trân trọng trong số những đồ dùng cá nhân là những bài thơ lão viết về chính cuộc đời lão và một số bài chép lại của người khác mà lão thích. Thơ lão Trì viết khá khúc chiết, vần điệu và chủ đề cũng phong phú lắm. Có khi lão viết lên những tâm sự, khát khao ẩn sâu trong trong tâm hồn lão. “Em là phụ nữ rất yêu chồng/ Biết ôm, biết ấp những đêm đông/ Biết giơ tay quạt khi nóng nực…”. Ngay cả sự kiện lão bị xe máy đâm gẫy chân, cũng được lão viết thành thơ. Thơ về cái xe hon-đa của lão ẩn ức, chất chứa một sự oán trách: “Từ ngày có cái hon-đa/ Kẻ thì tan lạc, người ra cánh đồng…/Mình mà chết mất thì thôi/ Người ta mà chết phải đền bằng hai/ Hon đa ơi hỡi hon đa…”. Lão Trì cứ mải miết đọc cho tôi nghe hết bài thơ này đến bài thơ khác, dường như lâu lắm lão mới có dịp nói chuyện, lâu lắm mới có người lắng nghe lão nói. Nhìn những dòng chữ nắn nót khá đẹp, tôi đoán lão Trì xưa kia chắc hẳn cũng được ăn học đến nơi đến chốn. Bà Thái kể lại: “Mẹ tôi kể, cậu Trì chỉ được học đến lớp 3 lớp 4 gì đó thôi. Nhà nghèo quá, hai chị em rau cháo từng ngày nuôi nhau, lấy đâu ra điều kiện học hành. Thế nhưng ông cụ chữ đẹp lắm đấy!”. Quả thực chữ lão Trì đẹp thật. Thường thì ở vào tuổi già yếu như lão Trì, nét chữ cũng sẽ run rẩy, xiêu vẹo đi ít nhiều. Nhưng cả cuốn sổ ghi chép của lão, chữ vẫn đều tăm tắp, ngay cả những bài thơ lão viết gần đây nhất, chữ vẫn đẹp, rõ ràng và không thiếu nét. Tôi quay sang hỏi vui lão Trì, rằng thơ hay, chữ đẹp thế mà ngày trẻ không cô gái nào theo lão? Lão Trì dừng đọc thơ, tự hào khoe: “Ngày trước nhiều cô theo tôi lắm đấy. Tôi lên tận Hà Nội chơi, có cô còn xin theo về…”. Bà Thái thấy ông cậu mình nói có chút phóng đại, tủm tỉm cười đính chính nhỏ với tôi: “Họ thấy nghèo quá, tính khí lại thất thường nên chẳng ai dám chung sống cùng cô ạ…”. Lão Trì lại tiếp tục đọc những vần thơ bằng chất giọng ồm ồm, nhịp đọc đều đều… Đã quá trưa, tôi đành cắt ngang mạch cảm hứng của lão Trì, xin phép ra về. Lão Trì như sực tỉnh, ngừng đọc gật đầu chào chúng tôi. Vừa quay người bước đi, lão Trì gọi giật giọng: “Này cô, cô làm thế nào xin cho tôi được cái nhà, mà nếu không xin được nhà thì mua cho tôi một bộ đồ nghề cắt tóc cô nhé, chỉ cần hai cái kéo, hai cái lược….” - lão Trì nhẩm đếm thứ đồ nghề lão cần. Bà Thái lo lắng: “Tự nhiên đòi mua đồ nghề cắt tóc, nói gở thế này chắc ông cụ “có vấn đề” rồi cô ạ. Mấy ngày nay ông cụ yếu lắm, chẳng biết có chờ được đến lúc có thêm được đồng trợ cấp không, chứ mong gì đến căn nhà trước lúc về với tổ tiên…”. Hay lão muốn đi theo với các hồn ma mà lão đã từng một đêm làm bạn suốt 60 năm qua?... |