Điểm tựa của những người hoàn lương

20:10 10/09/2016

 

Thượng sỹ Lê Đức Hoàng hỏi thăm cuộc sống gia đình anh Bảo
Thượng sỹ Lê Đức Hoàng hỏi thăm cuộc sống gia đình anh Bảo

Trên bước đường hòa nhập cộng đồng của những người từng một thời lầm lỗi, sự chung tay giúp sức của cộng đồng xã hội là hết sức quan trọng. Đặc biệt, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của cảnh sát khu vực, các anh chính là điểm tựa, là cầu nối để những người hoàn lương tìm về nẻo thiện…

Đối với gia đình anh Phạm Ngọc Toàn, ở phố Phạm Huy Thông, phường An Dương, quận Lê Chân, trung úy Nguyễn Bảo Trung - CSKV CAP An Dương đã thân quen như những thành viên trong nhà. Anh Toàn coi trung úy Nguyễn Bảo Trung như người thân ruột thịt bởi tình cảm chân thành, sự động viên an ủi kịp thời khi anh vấp ngã.

 Anh Toàn tâm sự: “Anh Trung đã động viên rất nhiều để tôi có động lực vượt qua được những khó khăn, cám dỗ. Sự có mặt thường xuyên, gần gũi, thân tình của trung úy Nguyễn Bảo Trung đã giúp tôi - một con người từng bao năm ngập chìm trong tội lỗi - thức tỉnh để xây dựng cuộc sống mới đang ngày càng tốt đẹp hơn”.

Anh Toàn chia sẻ: Năm 2007, tôi bị TAND huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, xử 42 tháng tù về tội lưu hành tiền giả, đến năm 2010 được mãn hạn tù. Khi trở về địa phương sinh sống, không công ăn việc làm, vợ bỏ đi biệt xứ, con trai ốm đau bệnh tật không có khả năng lao động, con dâu cũng chán cảnh nghèo, bỏ đi để lại đứa cháu gái chưa đầy 3 tuổi… Cuộc sống của tôi gần như lâm vào đường cùng, đã có những lúc tôi định buông xuôi…”.

Biết được hoàn cảnh anh Toàn, ngay sau ngày anh mãn hạn tù, trung úy Nguyễn Bảo Trung đã chủ động tìm gặp để hiểu căn nguyên, nhẹ nhàng khuyên can và tìm cách giúp đỡ gia đình anh Toàn vơi bớt khó khăn, khi thì mấy ki-lô-gam gạo, lúc lại con cá, mớ rau…

Cùng với đó, anh Trung còn động viên, kêu gọi bà con lối xóm chung tay giúp đỡ trông nom hỗ trợ gia đình anh Toàn. Đặc biệt, đầu tháng 7 vừa qua, trung úy Nguyễn Bảo Trung đã dùng số tiền dành dụm ít ỏi của mình giúp anh Toàn mua trả góp chiếc xe Wave RX để anh Toàn đi làm xe ôm kiếm sống. Nhận chiếc xe máy từ anh CSKV Trung giao cho, mắt Toàn nhòa đi vì cảm động, anh siết chặt tay Trung: “cả đời tôi chưa từng mơ có 1 chiếc xe thế này”...

Từ khi có chiếc xe máy làm phương tiện kiếm sống, đời sống gia đình anh Toàn được cải thiện rõ rệt và còn tiết kiệm được tiền để chăm sóc thuốc thang cho người con trai ốm yếu, lúc tỉnh lúc mê. Trung úy Nguyễn Bảo Trung chia sẻ: “Qua tiếp xúc với những người mãn hạn tù, chúng tôi cảm nhận được khát khao hoàn lương của họ. Nếu chỉ có những người trong gia đình thông cảm, đón nhận họ thôi thì chưa đủ, mà cần sự chung tay của cộng đồng xã hội”. 

Trung úy Nguyễn Bảo Trung gặp gỡ động viên anh Phạm Ngọc Toàn
Trung úy Nguyễn Bảo Trung gặp gỡ động viên anh Phạm Ngọc Toàn

Theo trung tá Đào Hữu Cường - Trưởng CAP An Dương, quận Lê Chân: “Khi được trở về với xã hội, rất nhiều trường hợp có hoàn cảnh khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần. Nếu không có biện pháp cảm hóa, giáo dục họ trở thành người tốt, làm các công việc có ích cho gia đình và xã hội thì nguy cơ tái phạm tội đối với nhiều người rất cao. Vì vậy, không chỉ gia đình người hoàn lương mà chính quyền địa phương và các cá nhân, tổ chức xã hội và lực lượng công an, đặc biệt là các đồng chí CSKV cũng phải chung tay để định hướng, hỗ trợ họ có lối đi đúng”.

Cũng như anh Toàn, anh Trần Quốc Bảo, ở phường Đông Hải, quận Lê Chân, cũng đang cố gắng tạo dựng cuộc sống mới với công việc bảo vệ. Anh Bảo cho biết: sau ngày mãn hạn tù (năm 2015), anh cũng như nhiều người chung cảnh ngộ đã cố gắng gạt bỏ quá khứ để có một cuộc sống mới. Theo anh Bảo, nếu không đứng dậy bằng chính quyết tâm và nghị lực của mình thì những bước chân từng sa ngã rất dễ lạc lối một lần nữa. Dù mình quyết tâm từ bỏ quá khứ sai lầm để hướng đến điều tốt đẹp, nhưng nếu không lao động để cho mọi người nhìn thấy sẽ rất khó lấy lại lòng tin ở mọi người.

Chính vì muốn quyết tâm từ bỏ quá khứ lỗi lầm, tìm lại niềm tin nơi mọi người, tôi đã làm bất cứ công việc vất vả gì, miễn việc đó lương thiện và có thu nhập nuôi sống bản thân, phụ giúp gia đình. Cầm lá đơn xin việc đi ròng rã nửa năm trời, anh Trần Quốc Bảo vô cùng thấm thía cái vất vả, khó khăn bởi không nơi nào muốn đón nhận 1 người có tiền án như mình. Trong khi đó, cuộc sống vẫn diễn ra hàng ngày, hai con nhỏ đang tuổi ăn học, cha mẹ già không có khả năng lao động. Đồng lương ít ỏi của vợ anh ở công ty may mặc không đủ trang trải cuộc sống… Anh Bảo như rơi vào bế tắc, tuyệt vọng…

Hàng ngày qua lại nhà anh Bảo, đồng chí Lê Đức Hoàng, CSKV rất thấu hiểu hoàn cảnh của anh. Bên cạnh việc thường xuyên qua lại nhà thăm hỏi, động viên, giúp đỡ, bằng mối quan hệ của mình, đồng chí Hoàng đã giúp anh Bảo xin vào làm nhân viên cho một Công ty bảo vệ trên đường Hàng Kênh, có thu nhập ổn định với lương tháng hơn 2 triệu đồng.

Mặc dù đồng lương ít ỏi nhưng anh Bảo rất vui vì có thể kiếm ra tiền phụ giúp gia đình, có thời gian đưa đón con đi học, chí thú làm ăn, rời xa những bóng ma tội lỗi. Thượng sỹ Lê Đức Hoàng, CSKV phường Đông Hải, quận Lê Chân, chia sẻ: Với những người mới ra tù, điều họ cần nhất là sự chia sẻ, giúp đỡ của gia đình và xã hội. Hiện tại, tôi đang cố gắng thuyết phục lãnh đạo một số công ty giúp đỡ những người vừa mãn hạn tù trên địa bàn để họ có việc làm ổn định”.

Không riêng gì anh Bảo và anh Toàn, nhiều trường hợp khác đã nhận được sự giúp đỡ tận tình bằng cả tấm lòng và sự nhiệt tình, tận tâm của các CSKV. Qua nắm địa bàn, quản lý dân cư, cuối năm 2015 vừa qua, thượng sỹ Lê Đức Hoàng đã giúp 2 em nhỏ bị thiểu năng, không có khả năng đi lại, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn là Nguyễn Vũ Hoàng và Nguyễn Hữu Trường, cùng ở Chợ Hàng, đi làm CMND khi đến tuổi. Ông Nguyễn Hữu Trung, bố cháu Trường xúc động: Bản thân tôi và gia đình vô cùng biết ơn chú Hoàng CSKV vì đã bỏ thời gian, tiền bạc thuê taxi đến tận nhà đưa đón bố con tôi lên trụ sở CAQ Lê Chân làm CMND và sau đó còn trao tận tay CMND cho cháu tại gia đình.

Lực lượng cảnh sát khu vực đã luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực bám sát địa bàn, hoàn thành tốt nhiệm vụ trên nhiều lĩnh vực như: quản lý đối tượng, quản lý địa bàn, quản lý người nghiện ma túy, đặc biệt là cảm hóa, giáo dục nhiều đối tượng đã trở thành người có ích cho xã hội. Và khi thành phố lên đèn, mỗi người, mỗi nhà đã chìm trong giấc ngủ, các CSKV lại cùng lực lượng bảo vệ dân phố thầm lặng vào ca tuần tra, canh gác, đảm bảo an ninh, trật tự ở các khu phố. Bước chân của người cảnh sát khu vực vẫn miệt mài, không ngừng nghỉ trong hành trình mang lại cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho nhân dân.

Thái Bình


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông