11:11 21/04/2018 Thời gian gần đây, dư luận xã hội vô cùng bức xúc trước sự việc cơ quan chức năng liên tục phát hiện những cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng, đồ uống vì mờ mắt trước lợi nhuận đã vứt bỏ lương tâm khi sử dụng những nguyên liệu gây ảnh hưởng và có hại cho sức khỏe cộng đồng.
"Thuốc" hỗ trợ điều trị ung thư từ than tre!
Trong khi vụ thuốc hỗ trợ điều trị ung thư bằng bột than tre chưa kịp lắng xuống thì ngày 16-4 vừa qua, PC49 Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp cùng Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bắt quả tang cơ sở chế biến cà phê bột của bà Nguyễn Thị Loan, ở xã Đăk Wer, huyện Đăk R'lâp, đang pha trộn tạp chất vào cà phê. Tại xưởng, lực lượng chức năng phát hiện hàng chục tấn cà phê bột được nhuộm đen bằng pin, hai chậu chứa pin Con Ó (khoảng 35kg) đã được đập vụn, xô chứa nước màu đen, cùng nhiều máy móc phục vụ sản xuất. Bà Loan cho biết, cơ sở hoạt động nhiều năm nay. Hàng ngày bà cho người đi thu mua các loại cà phê thải, phế phẩm vỏ cà phê… tại các đại lý. Sau đó, công nhân dùng chất bột màu đen của pin hòa với nước rồi đem nhuộm với cà phê. Số cà phê này được đem rang, xay rồi đóng gói bán ra thị trường. Hơn 3 tháng đầu năm nay, cơ sở này đã xuất bán ra thị trường hơn 3 tấn cà phê!
Theo các chuyên gia y khoa, pin không được phép dùng trong sản xuất và chế biến bất cứ loại thực phẩm nào bởi chứa nhiều kim loại nặng như chì, thủy ngân, cadmium… rất độc hại cho não, thận, hệ thống tiêu hóa và sinh sản của con người.
Qua các sự việc trên cho thấy, hành vi vi phạm vệ sinh, an toàn thực phẩm hiện có chiều hướng diễn biến phức tạp và nguy hiểm. Số liệu điều tra của Hội Ung thư Việt Nam cho biết, những năm 1990 số người mắc bệnh ung thư ở nước ta khoảng 70.000 người trong một năm. Thời kỳ 2010 - 2015, mỗi năm có khoảng 150.000 người mắc bệnh ung thư (tăng gấp đôi thời kỳ trước đó). Dự báo đến năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 200.000 người mắc bệnh ung thư mỗi năm, là một trong những nước có tốc độ mắc bệnh ung thư nhanh nhất. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng chỉ rõ, 80% nguyên nhân sinh ra bệnh ung thư là từ môi trường bên ngoài, trong đó thủ phạm chính là thuốc lá và thực phẩm không an toàn.
Cơ quan chức năng kiểm tra hiện trường cơ sở cà phê nhuộm đen bằng pin của bà Loan
Thực ra, vấn nạn thực phẩm bẩn đã kéo dài hàng chục năm nay. Còn nhớ, năm 2007, dư luận cả nước từng xôn xao trước vụ việc bánh phở chứa phóc-môn dùng để ướp xác. Sự việc được xử lý nghiêm tưởng chừng đã là lời cảnh tỉnh cho những gian thương vì lợi nhuận mà bất chấp sức khỏe và sinh mạng của cộng đồng.
Tuy nhiên, trước những vụ việc được cơ quan chức năng phát hiện thời gian qua cho thấy người tiêu dùng hiện phải đối mặt với khá nhiều nguy cơ có hại cho sức khỏe. Hạt dưa nhuộm phẩm màu công nghiệp, hoa quả tiêm thuốc “thúc chín” hoặc ngâm chất bảo quản độc hại. Dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật trong các loại rau vượt mức cho phép. Bơm nước bẩn vào gia súc để tăng trọng lượng khi bán. Rồi nội tạng động vật bốc mùi dùng hóa chất “phù phép” thành thực phẩm chế biến trong các nhà hàng.
Xem ra, để trở thành “người tiêu dùng thông thái” là một bài toán nan giải cho tất cả mọi người. “Tự mình cứu mình trước khi trời cứu”, nhiều người dân đành đối phó bằng cách chấp nhận bỏ nhiều tiền hơn để mua rau sạch tại các siêu thị, nuôi nguồn cung thực phẩm sạch tại các vùng quê hay tự trồng rau xanh trong các thùng xốp, trên sân thượng. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giải pháp mang tính tình thế, cục bộ mà thôi.
Khi lương tâm của những kẻ vì lợi nhuận bị đánh mất thì sự lên án của dư luận xã hội chưa đủ, cần có chế tài nghiêm khắc hơn nữa đối với những hành vi vi phạm đạo đức và pháp luật của chúng. Tại cuộc họp chiều 16-4, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Thành đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan Công an để điều tra, làm rõ theo quy định của pháp luật. Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã có cuộc họp với lãnh đạo Bộ Y tế và Bộ Công an để nghe báo cáo về việc sản phẩm Vinaca ung thư của Công ty TNHH Vinaca. Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng đưa ra quan điểm cần xử lý nghiêm bởi đó là hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, thuốc giả, thực phẩm chức năng giả, liên quan tới sức khỏe con người, đặc biệt là bệnh nhân ung thư.
Dư luận đồng tình với việc tăng chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm an toàn thực phẩm.Bộ Y tế cũng đã lấy ý kiến cho dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 178/2013/NĐ-CP năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm theo hướng sẽ tăng mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm an toàn thực phẩm để bảo đảm có tính răn đe, tiến tới đẩy lùi thực trạng thực phẩm bẩn. Nhưng vấn đề cốt lõi nhất để dẹp nạn này có lẽ vẫn là sự thức tỉnh lương tâm, đạo đức của những người sản xuất, kinh doanh. Cần lắm một “lương tâm sạch” vì một tương lai vững bền cho giống nòi Việt.
Bùi Hạnh
10:29 12/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão