Diễn đàn Khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông 2024: Liên kết thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh

22:13 12/12/2024

Chiều 12-12, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, dưới sự chỉ đạo của Hội đồng kết nối kinh tế tiểu vùng trục cao tốc phía Đông, Ban Pháp chế VCCI, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh và Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn KCN trục cao tốc phía Đông.
Lãnh đạo VCCI và 4 tỉnh, thành phố chủ trì diễn đàn

Tới dự có Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công; Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Đức Ấn, Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Hoàng Minh Cường; Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Lê Huy; Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Trần Văn Quân; các chuyên gia; nhà quản lý; lãnh đạo các sở, ngành; Cục Hải quan các tỉnh, thành phố;  các tổ chức quốc tế tại Việt Nam: Amcham, Eurocham, Kocham…; các Hiệp hội doanh nghiệp Trung ương và địa phương; Ban Quản lý các Khu kinh tế, Khu công nghiệp và các Tập đoàn lớn, doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu đại diện cho các công ty kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, logistics, nhà thầu xây dựng…

Quang cảnh diễn đàn

          Với chủ đề: “Liên kết thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng sản xuất thông minh”, diễn đàn được tổ chức nhằm cụ thể hóa Thỏa thuận kết nối giữa VCCI và 4 tỉnh, thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên đã ký kết; tiếp tục nhận diện, làm rõ sự phát triển, các xu hướng mới của ngành công nghiệp sản xuất thông minh và yêu cầu đặt ra về chuỗi cung ứng, môi trường chính sách, cơ hội đầu tư trong lĩnh vực sản xuất thông minh; cách tìm ra con đường hợp tác và phát triển trong bối cảnh kinh tế toàn cầu mới. Từ đó có các chính sách, giải pháp thúc đẩy triển khai, góp phần tạo ra không gian, động lực tăng trưởng, thu hút đầu tư cho các địa phương.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Thỏa thuận Kết nối Kinh tế Trục Cao tốc Phía Đông (VEHEC) là một động lực kinh tế quan trọng của miền Bắc Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng GRDP toàn khu vực VEHEC trong những năm vừa qua đạt mức cao, dao động từ 9% đến 12% mỗi năm, cao hơn mức GRDP trung bình của 63 tỉnh, thành phố.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu khai mạc

Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, Nghị quyết 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh vai trò của Đồng bằng sông Hồng là động lực phát triển kinh tế quốc gia, ưu tiên hiện đại hóa công nghiệp, mở rộng cơ sở hạ tầng và thực hiện các chính sách phát triển bền vững. Nghị quyết đặt mục tiêu xây dựng các cụm công nghiệp tiên tiến, mạng lưới logistics hiện đại, và quản lý tài nguyên bền vững nhằm tạo nên một nền kinh tế bền vững và cạnh tranh toàn cầu.

Quyết định 368-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã định hướng rõ nét về phát triển kinh tế, xã hội và môi trường cho vùng Đồng bằng sông Hồng, với trọng tâm xây dựng các cực tăng trưởng mạnh, củng cố hệ thống đô thị và khu công nghiệp, và thúc đẩy phát triển bền vững thông qua áp dụng công nghệ cao, quản lý tài nguyên hiệu quả, và bảo vệ môi trường.

Đồng chí Phạm Tấn Công nhận định, với sự phát triển và biến đổi không ngừng của nền kinh tế toàn cầu, sản xuất thông minh đã trở thành một động lực quan trọng cho hiện đại hóa và tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh này, Việt Nam là "mắt xích" sản xuất mới tại châu Á đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất thông minh toàn cầu. Do đó, thông qua Diễn đàn, Chủ tịch VCCI kỳ vọng sẽ thúc đẩy hoàn thiện và phát triển chuỗi cung ứng sản xuất thông minh tại Việt Nam nói chung cũng như VEHEC nói riêng, qua đó khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế để trở thành trung tâm sản xuất thông minh trong tương lai.

Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Hoàng Minh Cường đề xuất một số nội dung hợp tác

          Phát biểu tại diễn đàn, Phó chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường cho biết: Hải Phòng đang là một trong những địa phương có chất lượng thu hút đầu tư rất cao cả nước ngoài và trong nước, chủ yếu tập trung vào các khu công nghiệp. Các khu công nghiệp đều được quy hoạch, đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ hiện đại; chủ đầu tư các khu công nghiệp đều là những đơn vị có năng lực, có kinh nghiệm, có uy tín quốc tế, có tiềm lực tài chính mạnh mẽ như Tổ hợp Khu công nghiệp Deep C (của Bỉ), Tập đoàn Kinh Bắc (chủ đầu tư Khu công nghiệp Tràng Duệ), Tập đoàn Xuân Cầu, , VSIP (của Singapore), Tập đoàn Sao Đỏ (chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Đình Vũ)…Tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp hiện nay đã lên đến 70%, suất đầu tư bình quân trên 1 ha vào khoảng 13 triệu đô la Mỹ, gấp hơn 3 lần suất đầu tư 4 triệu đô la Mỹ/ha bình quân của cả nước.

Các đại biểu dự diễn đàn

Ngoài ra, kết cấu hạ tầng bổ trợ như hệ thống cảng biển, đường cao tốc, đường sắt, đường thủy nội địa cũng đang được Hải Phòng quan tâm và đẩy nhanh tiến độ triển khai. Dự kiến trong năm 2025, sẽ đưa vào khai thác, vận hành thương mại các bến cảng số 3, 4, 5, 6 Lạch Huyện để đáp ứng nhu cầu vận chuyển, xuất khẩu hàng hóa cho các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, Hải Phòng đã tập trung phát triển các dịch vụ hạ tầng xã hội phục vụ nhu cầu của các nhà đầu tư như bệnh viện quốc tế, nhà ở xã hội, trường học, sân gôn,… Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1511/QĐ-TTg ngày 4/12/2024 về việc thành lập Khu Kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng với diện tích 20.000 ha sẽ tạo động lực, niềm cảm hứng cho các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đến với Hải Phòng, góp phần mở rộng không gian kinh tế của thành phố theo hướng phát triển kinh tế xanh, sinh thái và hiện đại, bám sát xu hướng quốc tế và mục tiêu giảm phát thải nhà kính - Net zero.

Chủ tịch Công ty CP Shinec Phạm Hồng Điệp phát biểu

Để có thể đón bắt xu hướng dịch chuyển sản xuất của các Tập đoàn đa quốc gia đến Việt Nam ngày càng được định hình rõ; việc ra quyết định đầu tư tại các tỉnh, thành phố diễn ra trong thời gian rất ngắn dẫn đến việc xử lý, điều hành của từng địa phương trong các lĩnh vực: đầu tư, đất đai, quy hoạch, cung ứng năng lượng, lao động... luôn đòi hỏi phải có tính linh hoạt rất cao để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư.

Do vậy, nhằm phát huy những lợi thế của các địa phương, để khu vực liên kết kinh tế trục cao tốc phía đông có thể đi trước đón đầu dòng vốn dịch chuyển của các Tập đoàn đa quốc gia trong thời gian tới, thành phố Hải Phòng đề xuất, kiến nghị với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên một số nội dung hợp tác.

Cụ thể, tập trung đầu tư mạnh mẽ cho phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại và đẩy mạnh liên kết vùng trong phát triển hệ thống vận tải đa phương thức, tăng chất lượng dịch vụ logistics. Cùng với đó, chủ động nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách cho khu vực để phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong việc thu hút đầu tư với định hướng phát triển ngành công nghiệp xanh, bền vững, giảm phát thải nhà kính.

                      Bà Phạm Thị Diệu Hương, đại diện thị trường châu Âu và ASEAN thuộc Tổ hợp KCN DEEP C phát biểu

Đồng thời, hợp tác, phát huy lợi thế của từng địa phương trong đào tạo nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh của khu vực; thúc đẩy hình thành trung tâm nghiên cứu phát triển, đổi mới, sáng tạo trong khu vực liên kết kinh tế trục cao tốc phía đông, nâng cao năng lực hấp thụ vốn và khả năng tham gia chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng thông minh toàn cầu. Tại diễn đàn, các chuyên gia, lãnh đạo các địa phương cùng thảo luận về các giải pháp nhằm thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh tại các KCN tiểu vùng. Từ đó mở cơ hội để các KCN trên trục cao tốc phía Đông kết nối một cách hiệu quả với chuỗi cung ứng sản xuất thông minh toàn cầu.     

Quang cảnh diễn đàn

Tại diễn đàn, lần đầu tiênVCCI  công bố “Báo cáo kinh tế tiểu vùng Trục cao tốc phía Đông”. Báo cáo kinh tế tiểu vùng trục cao tốc phía Đông cung cấp một phân tích toàn diện về tình hình kinh tế, môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng, và các nỗ lực phát triển bền vững của khu vực VEHEC. 

Trong những năm gần đây, tầm quan trọng chiến lược của khu vực bốn tỉnh thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương và Hưng Yên đã được nâng cao, khi khu vực định hướng trở thành trung tâm công nghiệp, logistics và phát triển xanh, phù hợp với các ưu tiên quốc gia về tăng trưởng bền vững và toàn diện.

 Báo cáo này đóng vai trò cung cấp thông tin dành cho các bên liên quan bao gồm nhà hoạch định chính sách, nhà đầu tư và doanh nghiệp địa phương muốn hiểu rõ hơn về các động lực kinh tế, thách thức và cơ hội của khu vực VEHEC.

Thông qua phân tích số liệu về kinh tế vĩ mô và môi trường kinh doanh, xác định các hạn chế chính và đề xuất các khuyến nghị chính sách cụ thể, báo cáo hướng đến cung cấp những thông tin hữu ích để hỗ trợ VEHEC tiếp tục chuyển mình thành một trung tâm kinh tế tăng trưởng bền vững và phát triển cao. Các phát hiện và khuyến nghị trong báo cáo nhằm củng cố vị thế của VEHEC như một khu vực kinh tế chiến lược, phù hợp với các chỉ đạo quốc gia và khát vọng khu vực nhằm thúc đẩy thịnh vượng lâu dài và toàn diện./.

                                                                                                                                         Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông