09:54 11/06/2017 Những năm gần đây, số lượng phương tiện vận tải chở khách gia tăng, chiếm dụng diện tích mặt đường lớn, trong khi đường nội thành ít nâng cấp, chưa đáp ứng kịp tốc độ phát triển của xã hội.Giảm áp lực giao thông đô thị
Những năm gần đây, số lượng phương tiện vận tải chở khách gia tăng, chiếm dụng diện tích mặt đường lớn, trong khi đường nội thành ít nâng cấp, chưa đáp ứng kịp tốc độ phát triển của xã hội.
Giảm áp lực giao thông đô thị
Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT), đến nay, ngành đã cấp giấy phép kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định cho 35 doanh nghiệp (DN), đơn vị vận tải, với 599 đầu xe hoạt động trên 208 tuyến, bao gồm: 202 tuyến cố định liên tỉnh và 6 tuyến cố định nội tỉnh. Hiện trạng bến xe khách trên địa bàn thành phố có 11 bến; trong đó có 4 bến xe lớn Cầu Rào, Niệm Nghĩa, Lạc Long, Thượng Lý nằm trong khu vực nội đô; 7 bến còn lại được xây dựng tại các huyện ngoại thành là Kiến Thụy, An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên, Cát Hải và quận Đồ Sơn vốn là khu du lịch và nằm cách xa các quận trung tâm.
Tình trạng ùn tắc giao thông liên tục xảy ra trên nhiều tuyến đường phố như các tuyến: Trần Nguyên Hãn, Bạch Đằng, Trường Chinh, Trần Nhân Tông, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lạch Tray, Phạm Văn Đồng… mà nguyên nhân chính là do hoạt động vận tải khách đường bộ theo tuyến cố định.
Những năm gần đây, số lượng phương tiện vận tải chở khách gia tăng, chiếm dụng diện tích mặt đường lớn, trong khi đường nội thành ít nâng cấp, chưa đáp ứng kịp tốc độ phát triển của xã hội. Các bến xe khách Cầu Rào, Niệm Nghĩa, Lạc Long có tần suất phương tiện ra vào đón trả khách lớn đều nằm sâu trong khu nội đô, có mật độ dân cư lớn, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ATGT.
Để giảm thiểu ùn tắc giao thông do tác nhân xe khách tuyến cố định, Liên ngành GTVT - Công an thành phố đã có văn bản (164/BC-GTVT-CATP ngày 1-12-2016) đề xuất và được UBND TP phê duyệt phương án tổ chức phân luồng tạm thời các tuyến vận tải cố định liên tỉnh bằng xe ô tô trên địa bàn thành phố. Trong đó, không cho phép phương tiện xe chở khách đi vào các tuyến đường Trần Nguyên Hãn và Tôn Đức Thắng.
Theo đó, đã điều chỉnh hành trình của 255 chuyến/ ngày (tương ứng 510 lượt xe/ ngày) trên các tuyến vận tải khách từ các bến xe Cầu Rào, Niệm Nghĩa, Đồ Sơn, Tiên Lãng, An Lão không đi vào đường Trần Nguyên Hãn và Tôn Đức Thắng mà điều chỉnh theo đường Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Linh, Cầu An Đồng, ra đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, quốc lộ 5, quốc lộ 10, đem lại hiệu quả to lớn, tức thời, đáng được nhân rộng.
Sắp xếp, điều chuyển theo hướng nào?
Trên cơ sở Luật Giao thông đường bộ quy định, Chủ tịch UBND TP đã chỉ đạo Sở GTVT nghiên cứu, đề xuất phương án sắp xếp, điều chuyển các tuyến vận tải khách cố định tại một số bến xe khách trong khu vực nội đô để bảo đảm TTATGT, hạn chế ùn tắc giao thông do hoạt động vận tải khách.
Quan điểm chỉ đạo thông suốt đó là việc sắp xếp trên nguyên tắc tổ chức lại các tuyến vận tải khách cố định theo hướng chỉ thay đổi hành trình và bến xe tại đầu Hải Phòng, không thay đổi hành trình chính trên tuyến và các đơn vị vận tải vẫn được hoạt động trên tuyến theo giấy phép đã được cấp.
Theo đó, Sở GTVT đã đưa ra giải pháp thực hiện là điều chỉnh hành trình một số tuyến vận tải hành khách cố định tại các bến xe khách Cầu Rào, Niệm Nghĩa, Lạc Long, Thượng lý một cách hợp lý.
Theo lộ trình, đến tháng 8-2017, sẽ tiến hành sắp xếp điều chuyển tuyến vận tải theo tuyến cố định. Ghi nhận của phóng viên Báo An ninh Hải Phòng, về cơ bản, đại diện doanh nghiệp vận tải, đơn vị quản lý bến xe khách đồng thuận với chủ trương sắp xếp, điều chuyển các tuyến vận tải khách cố định tại một số bến xe trong khu vực nội đô nhằm bảo đảm TTATGT, chống ùn tắc giao thông.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến không đồng thuận với giải pháp sắp xếp từ ngành chủ quản. Ông Phạm Văn Huy, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: Sở GTVT ghi nhận, đánh giá cao tinh thần, thái độ của doanh nghiệp vận tải, đơn vị quản lý bến bãi đã đồng tình, ủng hộ với chủ trương phân luồng hoạt động vận tải khách, xây dựng lĩnh vực ngành phát triển bền vững.
Sở GTVT sẽ bảo lưu các ý kiến đóng góp, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh các nội dung một cách phù hợp với yêu cầu hiện nay về công tác bảo đảm TTATGT, phát triển đô thị của thành phố; đồng thời quan tâm đến lợi ích của doanh nghiệp vận tải với mục đích chung hướng tới đó là đem lại hiệu quả cao nhất cho công tác bảo đảm TTATGT, chống ùn tắc giao thông và phục vụ nhân dân đi lại một cách thuận tiện.
Đoàn Lanh