Đình Dư Hàng – Cõi linh lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

15:09 08/02/2023

Đã từ bao đời nay, hàng năm, cứ vào các ngày 17, 18, 19 tháng 2 Âm lịch, người dân Hải Phòng cùng du khách thập phương lại náo nức hội tụ về tham dự lễ hội Đình Dư Hàng, phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân.
Đình Dư Hàng, phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân

Đình thờ Thành hoàng Ngô Vương Quyền, vị vua lừng danh trong lịch sử, người nổi tiếng với chiến thắng Bạch Đằng năm 938 đánh đuổi quân Nam Hán ra khỏi bờ cõi nước ta, mở ra thời đại mới, độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam.

Theo ông Dương Anh Dũng, Phó ban thường trực Ban quản lý Đình Dư Hàng cho biết:  Đất Dư Hàng Kênh xưa kia là một khu gò, đầm, ven biển. Năm 1215, tại đây  hình thành Trang Kênh Dương và năm 1427 đổi tên là làng Hàng Kênh. Vào năm 1330, làng xây Miếu và cuối thế kỷ XV xây Đình Nhân Thọ thờ bản thổ Phúc thần Điện Tiền Đô Chỉ Huy Sử Vũ Chí Thắng. Đến năm 1564, làng Hàng Kênh được chia tách thành 2 làng: Hàng Kênh và Dư Hàng. Năm 1569, làng Dư Hàng đã xây đình Dư Hàng bố cục hình chữ “Đinh” thờ danh tướng Vũ Chí Thắng.

Lễ rước là 1 trong các hoạt động độc đáo được người dân địa phương thực hiện

Năm 1853, Vua Tự Đức sắc phong Ngô Vương Quyền là Thành Hoàng làng Hàng Kênh và Dư Hàng. Từ đấy Miếu Hai Xã và hai Đình thuộc hai làng đều thờ Ngô Vương Quyền. Phúc thần Vũ Chí Thắng được chuyển về thờ ở Từ Vũ. Năm 1907, cụ quan huyện Dương Văn Sách và cụ chánh tổng Phạm Quang Tịch cùng dân làng xây lại đình Dư Hàng to đẹp như Đình Nhân Thọ của làng Hàng Kênh với nhiều họa tiết trang trí tinh xảo đặc sắc hơn, mang đậm dấu ấn nghệ thuật cuối thời Lê và đầu thời Nguyễn.

Hàng năm Lễ hội Đình Dư Hàng đều được địa phương tổ chức trang trọng

Tuy nhiên, qua năm tháng, do thời gian và giặc dã, Đình xuống cấp, thập chí có nguy cơ phải dỡ bỏ. Đến năm 1986, cụ Nguyễn Thị Phúc (dâu nhà họ Dương) đầu đơn xin giữ lại Đình để tu sửa và được chính quyền địa phương đồng thuận. Thời điểm này, ông Phạm Quốc Chí làm trưởng ban tu tạo, đến năm 1992 thì hoàn thành và được Bộ Văn hóa Thông tin và Thể thao cấp bằng xếp hạng là di tích Lịch Sử - Văn Hóa cấp quốc gia theo Quyết định số 983/QĐVH ngày 4-8-1992.

Năm 2008, khi được cử là Phó ban quản lý Đình Dư Hàng, ông Dương Anh Dũng được đã xúc tiến cùng các ban, ngành lập dự án trùng tu di tích và được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 1909/QĐ-UBND ngày 19-11-2010, giao Sở Văn hóa Thông tin và du lịch làm chủ đầu tư. Tổng kinh phí trùng tu xây dựng là 34,014 tỷ đồng. Năm 2015, Đình Dư Hàng cơ bản hoàn thành các hạng mục chính. Từ đó đến nay, Đình đã tiếp tục tu bổ hoàn chỉnh các công trình phụ như: Nhà kho, nhà khách, bể nước, xây dựng vườn hoa cảnh, trang trí lại các ban thờ và hệ thống điện chiếu sáng, điện trang trí, tu thiết lại cung Mẫu và phấn diện Thánh tượng…

Các nghi thức tâm linh được thực hiện như lệ cổ

     Về việc thực hiện các nghi thức tâm linh, ngay sau khi đón nhận Quyết định Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia, từ năm 1992, dân làng đã thành lập các đội tế, khôi phục mọi nghi lễ thờ cúng tế rước như lệ cổ vào các dip kỷ niệm ngày Thánh hóa 18 tháng giêng âm lịch hàng năm. Đặc biệt nhất là các năm “phong đăng hòa cốc” và có điềm vui, vào ngày kỵ nhật, dân làng đã thực hiện thêm nghi thức rước Thánh tưng bừng quanh địa bàn làng cổ. Những ngày diễn ra lễ hội, hàng nghìn du khách thập phương đổ về để cùng hòa mình vào lễ hội, tái hiện hào khí Bạch Đằng Giang và tưởng nhớ công ơn của Đức vương Ngô Quyền - vị chủ tướng vùng đất cửa sông.

Đặc biệt, năm 2023, Đảng ủy- HĐND - UBND - UBMTTQ Việt Nam phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân trực tiếp chỉ đạo tổ chức Lễ hội, trong đó có lễ rước Thánh Ngô Vương Quyền với quy mô cấp phường. Lễ hội Đình Dư Hàng năm 2023 được tổ chức trang trọng với các hoạt động chính như: tổ chức tế lễ, rước Thánh linh đình, đồng thời có tổ chức các chương trình Khai bút đầu xuân, cho tặng chữ thánh,  biểu diễn và thi thư pháp, đấu vật, chợ quê, diễn chèo, tuồng, hát ca trù, chầu văn và các trò chơi dân gian như đánh cờ, kéo co, chọi gà...

Lễ hội Đình Dư Hàng là một trong những lễ hội độc đáo không chỉ tái hiện hào khí Bạch Đằng giang lịch sử, tưởng nhớ công ơn của Đức vương Ngô Quyền, mà còn lưu giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống quý báu góp phần giáo dục lòng yêu nước, hướng về nguồn cội cho các thế hệ mai sau.

Ngọc Hà

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông