23:05 21/03/2024 Thực hiện nhiệm vụ lưu diễn các tác phẩm thuộc Đề án Sân khấu truyền hình Hải Phòng, tối 21-3, Đoàn công tác của Sở Văn hóa và Thể thao tiến hành kiểm tra, đánh giá thực trạng công tác tổ chức lưu diễn tác phẩm thuộc Đề án sân khấu truyền hình Hải Phòng của Đoàn Cải lương Hải Phòng tại xã Ngũ Phúc (huyện Kiến Thuỵ).
Theo đó, Đoàn Cải lương Hải Phòng tổ chức biểu diễn vở “Bà Chúa Mõ” tại Khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Đền Mõ, xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy. Chương trình được thực hiện đúng dịp địa phương tổ chức Lễ hội truyền thống Đền Mõ năm 2024 nhằm tưởng nhớ công ơn to lớn của Công Chúa Quỳnh Trân đối với Nhân dân Tổng Nghi Dương xưa, trong đó có xã Ngũ Phúc ngày nay.
Vở diễn “Bà chúa Mõ” đã đưa công chúng về với thế kỷ 13 để “kể lại” câu chuyện về Công chúa Quỳnh Trân, con gái Thượng hoàng Trần Thánh Tông xuất gia thờ Phật tại xã Nghi Dương, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn (xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy ngày nay). Khi đó, Công chúa Quỳnh Trân đã xin Thượng hoàng cho xuất gia thờ Phật. Trên đường đi tìm nơi lập chùa tu tập, Công chúa đã tìm đến xã Nghi Dương, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, nay là xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy.
Thấy thế đất nơi đây giống như chim bay giữa núi non, sóng nước mênh mông, phong cảnh thanh u, Công chúa đã làm am nhỏ, ngày đêm hương đèn thờ Phật. Sau đó, chùa được mở rộng cùng với quá trình các cư dân quần tụ và Công chúa đã hướng dẫn cư dân khai khẩn ruộng vườn, cấp phát tiền cho người người cày cấy và người dân Nghi Dương ngày càng no đủ, trở thành một làng giàu có từ ấy… Điền sản ngày càng rộng mở, phát đạt, Công chúa Quỳnh Trân đã quy ước dùng tiếng mõ như hiệu lệnh để “điều hành” hoạt động sản xuất, cũng như đời sống sinh hoạt của mọi người. Từ đó, mọi người truyền ngôn gọi là chùa là “chùa Mõ” và khi Công chúa viên tịch, dân sở tại lập đền thờ cạnh chùa, gọi là đền Mõ thờ “Bà chúa Mõ”.
Trưởng đoàn Cải lương Hải Phòng Vũ Gia Thùy cho biết, ngoài tập thể nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Cải lương Hải Phòng, còn có một số nghệ sĩ của một số đoàn nghệ thuật trong cả nước cùng tham gia vở diễn đến từ Nhà hát Cải lương Việt Nam, Đoàn Cải lương Hà Nội… Đặc biệt, buổi biểu diễn của Đoàn tại Cụm di tích Đền – Chùa Mõ của Đoàn tối 21/3 có sự tham gia của lực lượng diễn viên quần chúng là chính những người dân của địa phương nơi đây càng làm cho vở diễn thêm gần gũi và đặc sắc hơn với người dân nơi đây.
Có mặt tại buổi biểu diễn của Đoàn Cải lương Hải Phòng, ông Nguyễn Xuân Huế, người dân thôn Xuân Chiến, xã Ngũ Phúc (huyện Kiến Thụy) cho biết: Ông đã được xem vở cải lương “Bà Chúa Mõ” trên sóng truyền hình, song khi xã thông báo có Đoàn Cải lương Hải Phòng biểu diễn tại Lễ hội của địa phương, ông đã sắp xếp công việc nhà từ rất sớm để tham dự chương trình. Qua chương trình vở diễn, được xem trực tiếp các nghệ sĩ biểu diễn với âm thanh, ánh sáng thực tế và không khí hưởng ứng nồng nhiệt của đông đảo nhân dân đổ về Đền Mõ để thưởng thức chương trình, ông cảm thấy rất xúc động, tự hào khi mình là người con của quê hương, nơi mà Công Chúa Quỳnh Trân có công gây dựng và mở mang như ngày nay. Qua đây, ông cũng mong muốn thế hệ trẻ cũng như bà con Nhân dân trong và ngoài địa phương có thêm hiểu biết về lịch sử, con người của quê hương ông.
Qua kiểm tra thực tế, Đoàn công tác của Sở Văn hóa và Thể thao đánh giá chương trình lưu diễn được Đoàn Cải lương Hải Phòng phối hợp với địa phương tổ chức bài bản, trang trọng, thu hút hàng nghìn người dân tới dự, thể hiện rõ hiệu quả Đề án Sân khấu truyền hình Hải Phòng trong việc nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
VŨ DUYÊN
13:22 22/11/2024
16:04 21/11/2024
22:36 20/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão