Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng góp ý vào 2 dự án Luật

14:05 09/11/2023

Chiều 8/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 15, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản và Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

         

Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng thảo luận tại tổ 4 cùng đoàn Lai Châu, Thừa Thiên- Huế; Bà Rịa- Vũng Tàu

   Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng thảo luận tại tổ 4 cùng đoàn Lai Châu, Thừa Thiên- Huế; Bà Rịa- Vũng Tàu. Đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng là tổ trưởng điều hành phiên thảo luận. Cùng dự có đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội.

          Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, các đại biểu cho rằng sửa đổi các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản cần tính đến một số loại tài sản đặc thù, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đồng thời tăng cường tính chặt chẽ, khách quan, công khai, minh bạch, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Đại biểu Quốc hội Hải Phòng tại phiên thảo luận tổ

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản nhằm tiếp tục thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển dịch vụ đấu giá tài sản theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, chất lượng hoạt động đấu giá tài sản; khắc phục những hạn chế, bất cập, đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

          Về dự án  Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, các đại biểu cho rằng rất cần thiết, nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trước mắt và lâu dài.

Đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng là tổ trưởng điều hành phiên thảo luận. 

Đồng thời, phát huy vai trò chức năng, nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trong đảm bảo vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang nhân dân; tổ chức đổi mới, sắp xếp hệ thống cơ sở công nghiệp quốc phòng, cơ sở công nghiệp an ninh phù hợp đặc thù nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp và gắn với phương thức tác chiến của Quân đội, nhiệm vụ của Công an, đáp ứng với kinh tế thị trường, hội nhập toàn cầu; bảo đảm tập trung, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

          Cùng với đó,  huy động các thành phần kinh tế, doanh nghiệp ngoài lực lượng vũ trang nhân dân có tiềm lực về tài chính, khoa học công nghệ tham gia đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp, tham gia sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang nhân dân; đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế.

          Theo các đại biểu,  công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp có vị trí, vai trò rất quan trọng trong thực hiện các chiến lược về quốc phòng, quân sự, an ninh quốc gia; xây dựng thế trận, tiềm lực quốc phòng, an ninh, phòng thủ, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

           Từ đó cho rằng cần xử lý mối quan hệ giữa công nghiệp quốc phòng với công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp bảo đảm tính gắn kết, đồng bộ giữa công nghiệp quốc phòng, an ninh và công nghiệp quốc gia; xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, khả thi để xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Đại biểu Nguyễn Minh Quang (Hải Phòng) phát biểu

           Đại biểu Nguyễn Minh Quang (Hải Phòng) bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật như Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, thực tế khi có chiến tranh, nếu chỉ dựa vào sản xuất hay dự trữ, mua sắm từ nước ngoài mà không tính đến động viên thì không đáp ứng được yêu cầu. Do đó, việc có luật về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc để tổ chức thực hiện.

          Nêu rõ  công nghiệp quốc phòng, an ninh là lĩnh vực đặc thù,  đại biểu Nguyễn Minh Quang đồng thuận khi dự thảo quy định về Quỹ đầu tư phát triển, Quỹ phát triển khoa học công nghệ; Quỹ đổi mới công nghệ, Quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao và các quỹ khác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; nguồn vốn và các quỹ hợp pháp khác của cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh.…để có nguồn lực cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh.

 Đại biểu cũng đồng tình cao với  quy định về việc mua sắm sản phẩm, vật tư, bán thành phẩm, thiết bị đặc chủng phục vụ nghiên cứu, phát triển vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt, an ninh mạng được thực hiện thông qua hình thức chỉ định nhà cung cấp theo giá đàm phán trực tiếp; quy định hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh theo nhiệm vụ do cấp có thẩm quyền phê duyệt được hưởng chính sách miễn trách nhiệm dân sự và được loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại, rủi ro do nguyên nhân khách quan…

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng)  phát biểu

          Đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) cho rằng đã đến lúc làm giàu được từ công nghiệp quốc phòng, an ninh. Do đó, cần có chương, mục riêng, bên cạnh hợp tác quốc tế còn có thương mại quốc tế. Hiện nay, hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng chủ yếu vẫn diễn ra một chiều, phần lớn là nhập khẩu vũ khí trang bị kỹ thuật từ các nước; sản phẩm công nghiệp quốc phòng chưa thâm nhập sâu rộng vào thị trường xuất khẩu vũ khí. Dự thảo luật cũng chưa thể hiện rõ vấn đề xuất khẩu. Hoạt động xuất khẩu vũ khí trang bị quân sự và xúc tiến thương mại quân sự chưa được quy định trong Pháp lệnh. Sản phẩm quốc phòng xuất khẩu, năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế của nhiều doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng còn hạn chế.

          Đại biểu Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh, trong bối cảnh mới, việc nghiên cứu hiện đại hóa, công nghiệp hóa bên cạnh phục vụ quốc phòng, an ninh còn có thể kinh tế hóa, thương mại để phát triển công nghiệp quốc phòng góp phần vào phát triển kinh tế./.

                                                                                                                                Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích