16:00 09/06/2024 Ngày 7 và 8-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; thông qua 2 nghị quyết và thảo luận tổ về Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật Công đoàn (sửa đổi); Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.
Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 được Quốc hội thông qua sẽ bổ sung dự án Luật Điện lực (sửa đổi) vào Chương trình năm 2024. Tại kỳ họp thứ 7 sẽ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình tại một kỳ họp và theo trình tự, thủ tục rút gọn với các dự án, dự thảo Luật gồm: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng (tên gọi chính thức của Luật sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định khi xem xét, thông qua dự án Luật); Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc giảm thuế giá trị gia tăng (báo cáo Quốc hội quyết nghị trong Nghị quyết kỳ họp thứ 7).
Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 với các dự án Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Điện lực (sửa đổi); Luật Nhà giáo; Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Về Chương trình xây dựng luật, nghị quyết năm 2025, tại kỳ họp thứ 9 sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua 12 luật, 1 nghị quyết; cho ý kiến với 10 dự án luật. Tại kỳ họp thứ 10 sẽ trình Quốc hội thông qua 10 dự án luật.
Theo Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025, Quốc hội quyết định sẽ giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”; giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10.
Thảo luận tại tổ 4 cùng đoàn Bắc Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kon Tum, đại biểu Quốc hội Hải Phòng đóng góp nhiều ý kiến vào các dự án Luật.
Về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát các quy định trong các luật khác liên quan để tránh sự xung đột, chồng chéo. Đồng thời đề nghị xem xét thêm “người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là người chưa thành niên”, trong phạm vi điều chỉnh chưa nêu “người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan”.
Về dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), đại biểu Lã Thanh Tân cho rằng, dự thảo luật đã liệt kê một số quy định về phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi mua bán người và các hành vi vi phạm pháp luật khác về phòng, chống mua bán người; tiếp nhận, xác minh, hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân... Tuy nhiên, cần bổ sung thêm điều kiện bảo đảm phòng, chống mua bán người.
Về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), đại biểu Tống Văn Băng (Hải Phòng) phân tích, làm rõ hơn một số nội dung như việc hoàn thiện tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý của Công đoàn; tăng cường vai trò của Công đoàn Việt Nam; việc quy định cụ thể 4 cấp Công đoàn để khẳng định sự lãnh đạo của Đảng đối với các cấp Công đoàn. Về trao quyền chủ động cho Công đoàn về công tác cán bộ, đại biểu nêu ý kiến: hiện nay theo quy định của Đảng, giao biên chế công đoàn cho các cấp Công đoàn như cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện. Nhưng đối với 123.000 công đoàn cơ sở, trong số đó hơn một nửa là công đoàn doanh nghiệp, cán bộ công đoàn không phải chuyên trách, không do tổ chức Công đoàn trả lương, mà là chủ sử dụng lao động trả lương. Vì thế Công đoàn cũng không chỉ đạo tuyệt đối được, cần có sự nghiên cứu quy định phù hợp hơn./.
Hồng Thanh
22:01 22/11/2024
22:00 22/11/2024
21:17 22/11/2024