Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng thảo luận tổ về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)

15:44 10/11/2023

Chiều 9/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 15, sau khi nghe trình bày Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật này.
Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng thảo luận tại tổ 4 cùng đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu, Lai Châu, Thừa Thiên – Huế.

Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng thảo luận tại tổ 4 cùng đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu, Lai Châu, Thừa Thiên – Huế. Đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng là tổ trưởng điều hành phiên thảo luận. Cùng dự có đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham gia thảo luận tổ

           Các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành luật, đồng thời đề nghị rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm tính khả thi, đồng bộ và báo cáo làm rõ các nội dung sửa đổi để tăng tính thuyết phục. Liên quan đến việc hoàn thiện tổ chức bộ máy của Tòa án, dự thảo Luật quy định theo hướng đổi mới Tòa án nhân dân cấp tỉnh thành Toà án nhân dân phúc thẩm, Tòa án nhân dân cấp huyện thành Tòa án nhân dân sơ thẩm. Các đại biểu đề nghị giữ tên gọi của các Tòa án này như Luật hiện hành đang quy định.

Đồng chí Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng phát biểu thảo luận tổ

           Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng Lê Tiến Châu cho biết, lịch sử lập pháp trong lĩnh vực tư pháp thường có sự đồng bộ, song song giữa các luật như Luật Tổ chức Tòa án nhân dân liên quan với Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Hay như trong lĩnh vực hình sự các cơ quan tư pháp có sự phối hợp đồng bộ với nhau từ điều ra, khởi tố, xét xử, thi hành án. Hay sửa Luật Tố tụng hình sự thì cũng phải sửa Luật Tổ chức cơ quan điều tra và các tố tụng khác….Lần này mới đặt ra vấn đề sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân cần tính đến tính đồng bộ tương thích với các luật liên quan để tăng tính thuyết phục đại biểu Quốc hội.

Mặt khác trong nội dung dự thảo Luật cũng có những thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án như xét xử vi phạm hành chính hay không quy định Tòa án có nhiệm vụ, quyền hạn ra quyết định khởi tố vụ án tại phiên tòa; bỏ chức năng thu thập chứng cứ…đều có liên quan đến các luật tố tụng và các cơ quan thực hiện quyền tư pháp khác. Do đó, đồng chí Lê Tiến Châu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát làm rõ.

Thiếu tướng Vũ Thanh Chương, Giám đốc Công an Hải Phòng phát biểu thảo luận tổ

          Đại biểu Vũ Thanh Chương (Hải Phòng) cho rằng, trong quá trình cải cách phải đánh giá tác động của dự án luật với hoạt động của các cơ quan tư pháp. Bên cạnh đó, trên tinh thần thượng tôn pháp luật nhưng nếu các cơ quan tư pháp không thống nhất quan điểm sẽ tạo sự phức tạp trong xã hội cũng như gây ra sự thiếu tin tưởng của người dân vào cơ quan bảo vệ pháp luật…

Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) phát biểu thảo luận tổ

           Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) cho biết, mặc dù đổi tên nhưng nhiệm vụ, quyền hạn thì vẫn giữ nguyên. Do đó, đại biểu không đồng ý với quy định theo hướng này. Đại biểu làm rõ, các nội dung hiện tại đang phù hợp, tương thích với các luật về tố tụng hiện nay. Nếu thay đổi, chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc áp dụng các quy định pháp luật liên quan đến tố tụng, dẫn đến việc bắt buộc phải có sự sửa đổi các luật liên quan như Luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng dân sự, Luật Thi hành án dân sự... Trong điều kiện không thay đổi về mặt nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi xét xử của tòa án cấp tỉnh, cấp huyện thì nên giữ nguyên tên gọi như hiện nay. Mặt khác, việc đổi tên gọi như đề xuất của cơ quan soạn thảo cũng sẽ tác động đến các vấn đề liên quan đến công tác hành chính, trụ sở, tên gọi, các hệ thống điều hành hiện tại của tòa án các cấp...sẽ gây ra nhiều chi phí không cần thiết.

Đại biểu Quốc hội Hải Phòng trong phiên thảo luận tổ

          Bên cạnh đó, đại biểu Lã Thanh Tân nhất trí với việc dự thảo Luật bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án như giải quyết, xét xử vi phạm hành chính theo quy định của luật và giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử hay quy định Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ.

    Nhận thấy tinh thần đổi mới trong sửa đổi Luật lần này, nhưng đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) cho rằng cần phải đồng bộ, triệt để, cần quan tâm đến tính khả thi của các quy định, tính toán đến sự tương thích với các cơ quan thực hiện quyền tư pháp khác như Viện kiểm sát.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) phát biểu thảo luận tổ

          Dự án Luật nhấn mạnh tính độc lập xét xử của tòa là yêu cầu bắt buộc, cơ bản, tuy nhiên các điều khoản cụ thể của dự thảo Luật lại chưa thể hiện rõ. Do đó, đại biểu Nguyễn Chu Hồi cho rằng cần có chương, chi tiết cụ thể các yếu tố bảo đảm cho độc lập xét xử của tòa án. Đại biểu Nguyễn Chu Hồi nêu rõ, ủng hộ cải cách tư pháp nhưng nếu không có quy định cụ thể thì không thực hiện được nên cần phải rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm chặt chẽ, khả thi trong điều kiện của Việt Nam./.

                                                                                                                                 Hồng Thanh         

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích