Đội H88 tuổi con Rồng

17:31 21/01/2012

Một chiều cuối năm 2011, tôi có việc đến gặp thiếu tướng Lê Văn Thụ - nguyên Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng tại tư gia. Hàn huyên về giai đoạn làm lãnh đạo, ông tâm sự: Vào thời điểm đó, kinh tế đất nước và thành phố hết sức khó khăn, tình hình ANTT cũng vì thế mà phức tạp.
Một chiều cuối năm 2011, tôi có việc đến gặp thiếu tướng Lê Văn Thụ - nguyên Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng tại tư gia. Hàn huyên về giai đoạn làm lãnh đạo, ông tâm sự: Vào thời điểm đó, kinh tế đất nước và thành phố hết sức khó khăn, tình hình ANTT cũng vì thế mà phức tạp. Trước tình hình đó, thực hiện chỉ thị của Thành ủy, Giám đốc CATP đã quyết định thành lập Đội trọng án chống cướp (sau đổi tên thành Đội Cảnh sát hình sự đặc biệt) và tiếp đó được đồng chí Lê Danh Xương - UVTƯ Đảng, Bí thư Thành ủy đặt tên bí số cho đội là “H88”…

Đội H88 khi được phong tặng danh hiệu AHLLVTND
Đội H88 khi được phong tặng danh hiệu AHLLVTND

Theo gợi ý của thiếu tướng Lê Văn Thụ, tôi tìm gặp thượng tá Nguyễn Trường Tam - Phó trưởng phòng Truy nã tội phạm CATP - người đội trưởng của Đội H88 thời điểm đơn vị được phong danh hiệu “Anh hùng LLVTND”. Cả một quá khứ rất đỗi tự hào ào về, khiến người đội trưởng H88 năm xưa như chìm đắm trong ký ức. “Khi đội thành lập có 16 rồi 27 CBCS. Lúc ấy anh em còn trẻ măng, đời sống vật chất gian khổ nhưng nhiệt huyết và lòng đam mê với công việc thì khó nói hết…” - thượng tá Tam vào đầu câu chuyện như vậy. Đối thủ của H88 là những tên cầm đầu nguy hiểm, bọn cướp có vũ khí, các băng ổ nhóm tội phạm có tổ chức cấu kết với những đối tượng trong và ngoài thành phố, hoạt động lưu động, khi gây án thì manh động, lì lợm và tàn bạo, sẵn sàng xả súng gây thương vong cho nạn nhân và chống trả quyết liệt khi bị truy bắt.

Sau 12 ngày thành lập, đội xuất quân trận đầu. Khi ấy, dải vườn hoa trung tâm thành phố và khu vực xung quanh quán Phong Lan là tụ điểm khá phức tạp về ANTT. Theo đúng kế hoạch, đội đã dùng chiến thuật quây quét, chốt chặn bắt gọn 5 tên côn đồ chuyên đâm thuê chém mướn, thu 1 lựu đạn, 3 dao lê cùng côn quay, gậy sắt…

Từ tháng 3-1988, trên địa bàn Hải Phòng bỗng nổi lên bọn tội phạm trộm cướp dùng hung khí tấn công, cưỡng đoạt tài sản của hành khách, điển hình là trên tuyến đường 18-200 từ bến Bính đi Bến Đụn - Phà Rừng. Thông qua các biện pháp nghiệp vụ, trinh sát đã hóa trang theo các chuyến xe, nắm quy luật hoạt động của bọn tội phạm và lập phương án truy bắt. Ngày 4-7-1988, 6 trinh sát đội H88 vào vai hành khách và phụ xe, lên 2 xe khách tuyến Hải Phòng đi Đông Triều (Quảng Ninh) xuất phát từ bến Bính lúc 8 giờ sáng. Khi xe chạy đến ngã 3 Trịnh Xá, xã Thiên Hương, Thủy Nguyên, thì có 3 người lên xe, trong đó có 2 tên cướp là Cao Văn Minh và Đỗ Văn Sinh, ở xã Hòa Bình. Một tên chèn người, một tên dùng lê đi theo uy hiếp bắt mọi người phải đưa tiền cho chúng.

Trước hành động cướp tài sản của một phụ nữ, quyết không để chúng gây thêm hậu quả, sau tiếng hô đanh gọn của trinh sát cùng 1 phát súng chỉ thiên, tên Minh gạt người phụ nữ ra, dùng lê lao vào đâm trinh sát. Tên Sinh cũng rút lê lao vào tiếp ứng cho đồng bọn. Đúng lúc hai tên chồng lên nhau, bằng một động tác khéo léo, trinh sát hạ thấp người nổ súng, bắn một phát đạn xuyên táo, làm hai tên cướp chết gục ngay trên xe đang có 70 hành khách mà không ai bị thương vong. Sau thắng lợi này, đội tiếp tục tấn công tội phạm trên tuyến 18-200, triệt phá 4 ổ nhóm, bắt giữ 16 tên, thu 1 súng, 2 lựu đạn, 7 dao lê...

Những bài học kinh nghiệm xương máu, có tính sống còn của nghề trinh sát đã được đội H88 vận dụng vào từng trận đánh cụ thể: Như vụ bắt tên Hoàng Xuân Hương - kẻ mới được tha tù, chuyên cưỡng đoạt tài sản ở địa bàn huyện Thủy Nguyên. Biết được ý đồ của Hương sẽ sang nội thành, nhập vào 1 băng cướp và hôm nhập sẽ “ra mắt” bằng 2 quả lựu đạn mỏ vịt, đội đã bố trí trinh sát bắt gọn Hương tại quán ăn trên phố Trần Hưng Đạo. 10h30 ngày 3-12-1989, đúng chủ nhật, anh em trong đội H88 nhận được tin: Đỗ Đức Sinh cùng đồng bọn đang chuẩn bị dùng súng đi cướp trên xe khách liên vận Quảng Ninh - Thái Bình tại khu vực xã Thủy Đường (Thủy Nguyên). Khi nhận được tin thì chỉ còn 2 tiếng đồng hồ nữa chúng sẽ gây án mà địa điểm cách xa nơi đơn vị đóng quân hơn 10km.

Thượng tá Tam cười nhớ lại: Như bây giờ mọi sự quá dễ nhưng lúc đó thiếu phương tiện, lại phải qua cầu, qua phà nên chỉ huy đội đã có quyết định rất “dã chiến” là vừa di chuyển quân vừa bàn phương án tác chiến. Thật may, vừa đến nơi thì xe liên vận cũng vừa dừng bánh. Trinh sát lập tức “ra đòn” quật ngã tên Sinh khi chúng chưa kịp hành động, thu 1 khẩu súng Colbat có 7 viên đạn, trong đó 1 viên đã lên nòng. Đã đánh là thắng, đó là chuyên án 490S, trinh sát đột kích tận vào hang ổ của bọn côn đồ chuyên buôn bán vũ khí và buôn bán phụ nữ, ngoài ra với phương thức “lấy ngắn nuôi dài”, chúng còn dùng vũ khí nóng cướp trên sông.

Địa bàn hoạt động của chúng rất rộng, từ Hải Phòng trải dài ra Móng Cái, Quảng Ninh, sang cả bên kia biên giới nước bạn. Phương án xé nhỏ đối tượng ra từng nhóm, tung trinh sát vào cơ sở của chúng, khéo léo và nghệ thuật cuốn chúng vào “cuộc chơi” đã được trinh sát xếp đặt, bố trí để tóm gọn. 2 tên đầu sa lưới với bằng chứng không thể chối cãi là súng ngắn, dao lê, 1 quả te trong người; qua đấu tranh khai thác, ta bắt tiếp 3 đối tượng, thu 1 súng AK, 37 viên đạn, 1 súng tự tạo và 2 kíp mìn. 

Trong những chiến dịch “dài hơi”, đội cũng đã thể hiện được tính xung kích, phẩm chất anh hùng của mình mà chiến dịch K45 là một ví dụ. Chiến dịch này được triển khai từ 14-5-1989, đội H88 được giao là đơn vị mũi nhọn trong chiến dịch với yêu cầu 45 ngày đêm phải tấn công, chặn đứng tội phạm trên tuyến ô tô từ nội thành đi các tỉnh bạn. Chuyện H88 khi ấy lập chiến công thì sách báo nói nhiều, nhưng mổ xẻ ra thì so với tuyến đường 18-200, tội phạm hoạt động ở các tuyến liên tỉnh xảo quyệt, quái thủ hơn.

Chẳng hạn trong chuyên án 149S, bọn cướp gồm 7 tên được tổ chức thành dây chuyền phạm tội. Mắt xích yếu nhất trong “dây chuyền” này là tên Phùng Văn Chiến, mới 17 tuổi, là đứa tàn bạo, hung hãn nhất khi gây án nhưng lại ít từng trải. Đột phá vào “mắt xích” này, bắt Chiến, chỉ bằng vài “đòn” nghiệp vụ, trinh sát buộc hắn khai tông tốc; tất cả bọn còn lại đều bị bắt, ta thu 1 súng K54, 3 dao lê…

Chúng tôi gặp ông Nguyễn Trọng Lộ - nguyên Phó trưởng phòng cảnh sát hình sự CATP thời kỳ đó, là người trực tiếp phụ trách và cũng là đội trưởng đầu tiên của Đội H88. “Cái gì tạo nên phẩm chất anh hùng cho H88?”, hỏi rồi ông Lộ tự lý giải: Đó là do có sự thống nhất cao từ Thành ủy đến Đảng ủy CATP và ban chỉ huy phòng sáng suốt khi quyết định thành lập đội H88 đúng thời điểm, đáp ứng nguyện vọng mong mỏi của nhân dân thành phố là công an cần có “quả đấm thép” trấn áp mạnh mẽ bọn tội phạm hình sự nguy hiểm. Là sự toàn tâm, toàn ý, đoàn kết cao độ của tập thể đội, cùng các phương án rất cụ thể, linh hoạt sát thực tế, cùng tinh thần mưu trí sáng tạo, dũng cảm, tính kỷ luật trong chiến đấu và ý chí lập công tập thể. Bởi vậy, vượt lên gian khó, đội đã liên tiếp lập công, làm nên những trận đánh để đời trong lịch sử của lính hình sự.

Chỉ trong 2 năm từ khi ra đời, Đội H88 đã xác lập 30 chuyên án; phá 138 vụ án hình sự, bắt 201 tên cướp, cưỡng đoạt tài sản; thu 21 súng, 23 lựu đạn, hàng chục lê, dao găm. Có tên cướp đã bị tiêu diệt tại chỗ, nhiều tên chịu những mức án cao. Ấy thế, nhưng khi đưa thành tích của đội H88 để đề nghị xét duyệt anh hùng, thì có ý kiến: H88 anh hùng ở chỗ nào? Thành tích thì hình sự CA Hà Nội cũng rất đình đám, SBC của CATP Hồ Chí Minh cũng toàn chiến công vang dội lẫy lừng. Ông Lộ cười nhớ lại: “Tôi mới đáp rằng, chỉ biết ở Công an Hải Phòng vào thời điểm này thì H88 là nhất. Đánh hàng trăm trận lớn nhỏ nhưng không có CBCS nào thương vong, đặc biệt là đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng, sức khỏe cho nhân dân, góp phần làm ổn định tình hình ANTT thành phố chỉ trong thời gian ngắn”.

Ngày 19-8-1990, đội H88 được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Các thế hệ của tập thể đội “tuổi rồng” sau này còn lập nên nhiều chiến công hiển hách, đặc biệt họ còn là nhân tố quan trọng xây dựng đơn vị ngày một trưởng thành vững mạnh. Chính vì lẽ đó, năm 1995, Phòng Cảnh sát hình sự CATP (nay là Phòng cảnh sát điều tra về TTXH) đã vinh dự được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Phát huy phẩm chất anh hùng, nhiều năm qua, lực lượng CSĐT hình sự CATP và công an các quận, huyện cũng đã lập nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc trong thời kỳ đổi mới như: triệt phá các băng ổ nhóm tội phạm Cu Nên, Dung “hà”, Lâm “già”, Quang “tơn”, Lộc “lợn”, Trường “ăn cắp”… buộc bọn tội phạm phải khuất phục trước tinh thần tiến công của những người lính hình sự và lực lượng Công an thành phố.

Trên mảnh đất Cảng Hải Phòng hôm nay không còn “giờ hoàng đạo” cho mọi loại tội phạm…

NGỌC PHÚC


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông