Đồng bộ các giải pháp bảo đảm cấp nước sạch nông thôn

09:45 02/10/2024

Thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 31/7/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy về lãnh đạo thực hiện các giải pháp bảo đảm cấp nước sạch nông thôn (Nghị quyết 15), theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thành phố vừa ban hành Kế hoạch 219/KH-UBND, ngày 17/9/2024, về việc triển khai nghị quyết.

Phấn đấu 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch sinh hoạt đạt tiêu chuẩn

Kế hoạch này được ban hành nhằm triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để đạt được mục tiêu cụ thể theo Nghị quyết 15 của Ban Thường vụ Thành ủy đề ra. Trong đó, chú trọng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và các tầng lớp Nhân dân trong việc thực hiện Nghị quyết đảm bảo tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.

Hải Phòng sẽ chấm dứt hoạt động đối với các nhà máy nước nông thôn cấp nước không bảo đảm hoạt động bền vững, không phù hợp với quy hoạch (ảnh minh hoạ)

Mục tiêu mà kế hoạch này hướng tới là nhằm bảo đảm toàn bộ người dân khu vực nông thôn được cấp nước liên tục, ổn định, đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng theo quy định của pháp luật; góp phần giảm tỷ lệ thất thoát, tiết kiệm tài nguyên nước và bảo vệ môi trường.

Cụ thể, Hải Phòng phấn đấu đến năm 2025, 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch cho mục đích sinh hoạt đạt tiêu chuẩn; hoàn thành việc chấm dứt hoạt động đối với các nhà máy nước không đảm bảo chất lượng theo quy chuẩn.

Để đạt được mục tiêu đề ra, thành phố ưu tiên tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt nội dung Nghị quyết đến toàn thể đội ngũ cán bộ đảng viên, công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý của các sở, ngành, địa phương. Trên cơ sở đó, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, nhận thức của Nhân dân, tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị và sự ủng hộ, đồng thuận của các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện.

Đặc biệt, kế hoạch này đã xác định rõ 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện. Theo đó, bên cạnh việc cập nhật, bổ sung Quy hoạch phát triển hệ thống cấp nước để thu hút doanh nghiệp đầu tư, nâng cấp công trình cấp nước sạch quy mô lớn, bảo đảm chất lượng cấp nước cho vùng phục vụ hiện trạng, phù hợp với quy hoạch nông thôn mới, định hướng quy hoạch hạ tầng của các địa phương.

Hải Phòng sẽ chấm dứt hoạt động đối với các nhà máy nước nông thôn cấp nước không bảo đảm hoạt động bền vững, không phù hợp với quy hoạch.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, thành phố sẽ chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các đơn vị quản lý các nhà máy nước không bảo đảm hoạt động bền vững đồng thuận chấm dứt hoạt động cấp nước trên địa bàn và chuyển nhượng quyền kinh doanh dịch vụ cấp nước để thay thế nguồn cấp nước từ các nhà máy nước quy mô lớn, bảo đảm chất lượng.

Tăng cường xã hội hóa nguồn kinh phí trên cơ sở vận động Nhân dân tự nguyện đóng góp và các nguồn xã hội hóa hợp pháp khác để hoàn trả phần giá trị tài sản còn lại của các tổ chức, cá nhân đã đầu tư tại các nhà máy nước phải dừng hoạt động; thực hiện các thủ tục pháp lý để chấm dứt thoả thuận dịch vụ cấp nước đối với các tổ chức, cá nhân quản lý các nhà máy nước không bảo đảm chất lượng nhưng không đạt được đồng thuận việc chấm dứt hoạt động để thay thế nguồn cấp nước.

Lộ trình dừng hoạt động đối với các nhà máy nước không đảm bảo chất lượng

Dựa trên cơ sở đánh giá giá trị còn lại của nhà máy nước và tính toán xác định giá trị tính bình quân dự kiến phân bổ cho các hộ dân trong vùng phục vụ của nhà máy, phương án dừng hoạt động đối với các nhà máy nước được thành phố triển khai theo lộ trình 3 giai đoạn.

Giai đoạn I thực hiện trong năm 2024 là vận động chấm dứt hoạt động đối với các nhà máy nước hoạt động kém bền vững, các nhà máy nước thuộc nhóm hoạt động tương đối bền vững sau khi xác định giá trị tài sản còn lại tính bình quân phân bố cho các hộ dân ở mức dưới 1.000.000 đồng/hộ.

Giai đoạn II cho phép tiếp tục hoạt động đến hết năm 2025 đối với các nhà máy nước hoạt động tương đối bền vững khi xác định giá trị còn lại tính bình quân phân bố cho các hộ dân đạt mức từ trên 1.000.000 đồng/hộ đến 3.000.000 đồng/hộ và thời gian đầu tư tài sản có giá trị lớn trong giai đoạn từ năm 2017 trở về trước.

Giai đoạn III cho phép tiếp tục hoạt động đến hết năm 2027 đối với các nhà máy nước hoạt động tương đối bền vững khi xác định giá trị còn lại tính bình quân phân bố cho các hộ dân đạt mức từ trên 3.000.000 đồng/hộ và thời gian đầu tư tài sản có giá trị lớn trong giai đoạn từ năm 2018 đến nay; các nhà máy nước còn lại không đủ điều kiện để được cập nhật bổ sung vào quy hoạch phát triển hệ thống cấp nước.

Trong quá trình thực hiện, các địa phương tập trung thực hiện dừng hoạt động các nhà máy nước nông thôn cấp nước không bảo đảm hoạt động bền vững, không phù hợp với quy hoạch theo khu vực, theo tuyến để đảm bảo thuận lợi cho việc đấu nối, cung cấp của các nhà máy nước đủ điều kiện.

Cùng với đó, thành phố sẽ tập trung đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng đường ống phân phối nước đến 100% hộ sử dụng nước trong vùng phục vụ theo thoả thuận đã ký kết giữa các đơn vị cấp nước và Uỷ ban nhân dân các xã. Xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả các kế hoạch cấp nước an toàn khu vực nông thôn cấp thành phố, cấp nước an toàn công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung.

Mặt khác, tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại về quản lý tài sản kết cấu hạ tầng nước sạch nông thôn theo quy định; thực hiện các giải pháp bảo vệ, cải thiện chất lượng nguồn nước trong các hệ thống thủy lợi cung cấp thô cho các nhà máy sản xuất, cung cấp nước sạch đảm bảo chất lượng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt QCVN 08:2023/BTNMT.

Công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt theo quy định tại Thông tư 41/2018/TT-BYT ngày 14/12/2018 của Bộ Y tế sẽ được đơn vị chức năng thành phố thực hiện đầy đủ theo đúng quy định.

Về tổ chức thực hiện, tại quyết định này, UBND thành phố đã giao cụ thể các nhiệm vụ, xác định rõ đơn vị chủ trì, phối hợp và thời gian thực hiện cho từng sở, ngành, UBND cấp huyện, xã và các đơn vị liên quan. Từ đó, phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra là đến năm 2025, 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch cho mục đích sinh hoạt đạt tiêu chuẩn; hoàn thành việc chấm dứt hoạt động đối với các nhà máy nước không đảm bảo chất lượng theo quy chuẩn.

Bình Huệ

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông