Đông đảo Nhân dân và du khách tham dự Lễ hội truyền thống Đền Mõ

14:52 21/03/2024

Sáng 21-3 (tức ngày 12 tháng 2 năm Giáp Thìn), tại khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Đền Mõ, Đảng ủy - HĐND - UBND – Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ngũ Phúc (huyện Kiến Thụy) long trọng tổ chức Lễ hội truyền thống Đền Mõ năm 2024 nhân Ngày Khánh hạ để tưởng nhớ công ơn to lớn của Công Chúa Quỳnh Trân đối với Nhân dân Tổng Nghi Dương xưa, trong đó có xã Ngũ Phúc ngày nay. Tham dự Lễ hội có các đại biểu: Đỗ Đức Hòa – Bí thư Huyện ủy Kiến Thụy; Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND Huyện Kiến Thụy; Phạm Tiến Thuật – Phó Chủ tịch UND huyện; đại diện lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn huyện và các cơ quan, đơn vị, địa phương cùng sự tham gia của đông đảo Nhân dân và du khách du khách thập phương.
Các đại biểu tham dự lễ hội

Lược sử ghi lại rằng, Công chúa Quỳnh Trân là con gái đầu của vua Trần Thánh Tông, Công chúa cũng là chị gái của vua Trần Nhân Tông, người sáng lập nên phật giáo Trúc Lâm và được các thế hệ Nhân dân tôn xưng là vua Phật Việt Nam. Ngay khi mới sinh, Công chúa đã có nhan sắc tuyệt mỹ “Sắc như bình bạc; mặt tựa gương báu; dung nghi giống như xuân sơn, vẻ người đoan chính". Vua cha đặt cho cái tên là A nương Quỳnh Trân.

Các đại biểu tham dự lễ hội

Cách đây 741 năm vào mùa xuân năm 1283 (Năm Quý Mùi), Người đã xin phép vua cha giã từ lâu son gác tía, tìm nơi để tuệ đạo tu hành. Theo đó, khi đi đến vùng ven sông Văn Úc bốn bề mênh mông trời nước, nơi phong thủy hội tụ linh khí của đất trời và Bà đã lập Am để tu hành (nơi đây xưa thuộc Tổng Nghi Dương, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn).

Đồng chí Phạm Văn Tùy – Bí thư Đảng ủy xã Ngũ Phúc đánh trống khai hội

Sau khi lập Am, bên cạnh việc tu hành, Bà thường đem kiến thức của mình giáo hóa đại chúng, khuyến khích dân khai khẩn đất hoang, lập điền trang cấy lúa, trồng dâu nuôi tằm, mở chợ cho dân buôn bán, quy tụ dân trong vùng đến làm ăn sinh sống, hình thành nên trang Nghi Dương. Trải qua thời gian, điền sản của Bà ngày một nhiều, giúp dân có cái ăn, cái mặc, nô bộc kéo về ngày một đông, hàng ngày Bà điều hành công việc bằng hiệu lệnh tiếng Mõ, bắt nguồn từ đó các địa danh đều có tên là Tổng Mõ, Đền Mõ, Chùa Mõ và Chợ Mõ.

Các nghi thức trong Lễ hội truyền thống Đền Mõ

Hàng năm, Bà còn lập Đàn tế, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho mùa màng tốt tươi, có năm mùa màng chưa thuận Bà còn xin với Vua miễn tô thuế, lao dịch cho Nhân dân trong vùng để bớt khó khăn. Ngoài ra, Bà còn tỏ rõ là một nhà thao lược vẹn toàn, giàu lòng yêu nước, khi đó bờ cõi có giặc Nguyên Mông xâm lược, Bà đã tích cực chiêu binh, cóp lương, góp phần giúp triều đình đánh đuổi giặc ngoại xâm.

Nghi thức đọc chúc văn tưởng niệm Công chúa Quỳnh Trân

Khi Công chúa viên tịch (ngày mồng 3 tháng 11 năm 1308) , Vua Trần Anh Tông ra chỉ, tặng sắc phong và cấp 300 quan tiền cho 5 xã Nghi Dương, Xuân Dương, Mai Dương, Tú Đôi, Du Lễ rước sắc phong về thờ phụng bên chùa Nghi Dương. Đặc biệt công lao của Bà đã được các triều đại phong kiến nước ta ban tặng 12 sắc phong còn nguyên vẹn đên ngày nay. Trong tâm thức văn hoá tâm linh Công chúa được được Nhân dân tôn phong là Thánh Phật, Thánh mẫu.

Các nghi thức trong Lễ hội 

Tưởng nhớ công ơn to lớn của Bà, hàng năm, vào ngày 12 đến ngày 14 tháng 2 âm lịch, Nhân dân trong vùng và địa phương mở hội Tế Lễ để ngưỡng vọng, tôn thờ và tri ân Công chúa Quỳnh Trân. Vào ngày chính hội, các thôn trong xã sẽ rước Bách Linh Thành Hoàng về khu di tích, tiến hành các nghi thức cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.

Các đồng chí lãnh đạo huyện Kiến Thụy thực hiện nghi thức dâng hương

Sau hoạt động tế lễ, người dân và du khách sẽ được tham gia phần hội với nhiều trò chơi dân gian truyền thống, thi kéo co, tổ tôm điếm, biểu diễn hát trên thuyền… Nhân dịp này, xã Ngũ Phúc còn phát động cuộc thi sáng tác và triển lãm ảnh “Linh thiêng Đền Mõ”; tổ chức Hát văn và diễn xướng Chầu văn.

Đồng chí Nguyễn Sĩ Mạnh – Phó Chủ tịch UBND xã Ngũ Phúc, Trưởng ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa Đền Mõ cho biết, Lễ hội truyền thống Đền Mõ được tổ chức nhằm bảo tồn, phục dựng và phát triển các giá trị văn hoá phi vật thể độc đáo của di tích; tôn vinh công đức to lớn của Công chúa Quỳnh Trân triều Trần đối với Nhân dân địa phương.

Lễ hội truyền thống Đền Mõ thu hút sự tham gia của đông đảo Nhân dân và du khách thập phương

Thông qua các hoạt động của Lễ hội góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc, quảng bá tiềm năng thế mạnh du lịch, thu hút khách du lịch trong và ngoài thành phố về với quê hương Ngũ Phúc,  góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

 Năm 1992, Khu di tích Đền – Chùa Mõ xã Ngũ Phúc đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

LIÊM ĐOÀN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông