Đồng hành với doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế khắc phục hậu quả cơn bão số 3

21:33 24/09/2024

Cơn bão số 3 với sức gió mạnh nhất trong nhiều năm qua gây thiệt hại khá nặng nề cho các KCN và các doanh nghiệp trong KCN, KKT Hải Phòng. Ước tính, tổng số thiệt hại của các doanh nghiệp lên tới hơn 1000 tỷ đồng. Ngay sau khi bão tan, lãnh đạo thành phố; Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng đã trực tiếp lắng nghe, nắm bắt tình hình thiệt hại, khó khăn của doanh nghiệp và từng bước tháo gỡ. Tuy nhiên, việc giải quyết hậu quả cơn bão vẫn đang cần nhiều giải pháp, chính sách và cả thời gian.

                                                                                       Khó khăn chồng chất

          Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ- chủ đầu tư KCN nam Đình Vũ Nguyễn Thành Phương cho biết, cơn bão tràn qua đã làm KCN thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng và khoảng 300- 400 tỷ đồng của các doanh nghiệp trong khu; có doanh nghiệp thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

           Đại diện KCN Đồ Sơn cho biết, cho tới nay, mới có 8/45 doanh nghiệp trong khu trở lại hoạt động bình thường; 29 doanh ngiệp vừa hoạt động vừa khắc phục hậu quả cơn bão; còn lại hàng chục doanh nghiệp vẫn chưa thể trở lại sản xuất do thiệt hại vì cơn bão số 3 quá lớn. Dự tính, có doanh nghiệp phải mất cả tháng khôi phục mới có thể khôi phục sản xuất. Lý do là KCN Đồ Sơn đang phải gánh chịu chung với hạ tầng quận Đồ Sơn khi chưa có hệ thống thoát nước. Cơn bão số 3 đến kèm mưa to gây ngập lụt trong khu. Cùng với đó là có tới 85% nhà xưởng bị tốc mái; nước mưa chảy xuống làm hư hỏng máy móc thiết bị, hàng hóa. Thiệt hại của các doanh nghiệp trong KCN Đồ Sơn được coi là khá nặng nề.

                                Nhiều nhà xưởng của các doanh nghiệp trong KCN bị thiệt hại nặng nề do bão số 3

          Lãnh đạo Tổ hợp KCN DEEP C Hải Phòng phản ánh, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, nhiều doanh nghiệp trong KCN DEEP C Đình Vũ bị thiệt hại. Nhiều doanh nghiệp nhà xưởng bị lật mái, một số tường bị xé, đổ cổng, hàng rào, biển báo, hệ thống camera, nhà xe, cửa tôn kéo bị lật, nước tràn vào kho và nhà xưởng đặc biệt tại Khu công nghiệp Deep C2A. Một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề là Công ty TNHH PHA Việt Nam, Công ty TNHH BW, Công ty TNHH LS Metal, Công ty TNHH Pegatron Việt Nam, Công ty TNHH Global Material Handling, Công ty TNHH Adhes Việt Nam, Công ty Cổ phần IDP Đình Vũ, Công ty TNHH Suhil Việt Nam…

                                  Nhiều nhà xưởng của các doanh nghiệp trong KCN bị thiệt hại nặng nề do bão số 3

          Theo lãnh đạo Công ty CP KCN Sài Gòn- Hải Phòng, bão làm hàng nghìn cây xanh trong KCN bị gãy đổ; nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thiệt hại nghiêm trọng. Đây cũng là tình trạng chung của các KCN An Dương, VSIP, nam cầu Kiền...

           Đại diện Công ty sản xuất lốp xe Bridgestone Hải Phòng cho biết, công ty phải ngừng sản xuất 1 tuần nên thiệt hại về tài chính rất lớn, khoảng 8 triệu USD.  Do bão số 3 nên mái nhà xưởng bị thủng 20m2, nước tràn vào máy móc nên phải mất một thời gian khôi phục. Cùng với đó, khu văn phòng cũng tốc mái, nhân viên phải di chuyển tới các vị trí làm việc khác nhau nên ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng công việc.

          Theo nhiều doanh nghiệp, việc mất điện, mất nước, mất thông tin liên lạc trên diện rộng do bão số 3 đã gây nên nhiều tổn thất. Đặc thù của nhiều doanh nghiệp công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao là phải duy trì chạy máy liên tục. Chỉ cần điện không ổn định là đã thiệt hại lớn chứ chưa nói tới việc mất điện hoàn toàn, toàn bộ hệ thống máy móc thiết bị phải khởi động lại, tiêu tốn tới hàng chục tỷ đồng...

                                                       Nỗ lực đồng hành, chung tay vượt qua khó khăn

          Thấu hiểu những khó khăn, thiệt hại của doanh nghiệp, ngay sau khi cơn bão số 3 vừa tan, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng và đồng chí Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế đã xuống ngay các doanh nghiệp thuộc KCN Nhật Bản- Hải Phòng; KCN An Dương; KCN Tràng Duệ để nắm tình hình và có biện pháp chỉ đạo. Trong đó, chỉ đạo các đơn vị nhanh chóng khắc phục sự cố và ưu tiên cấp lại   điện, nước; khôi phục mạng lưới viễn thông trong các KCN. Tiếp theo đó, đồng chí Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế nhiều lần xuống thị sát tại các KCN; tổ chức hội nghị lắng nghe ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp và từng bước tháo gỡ. Nhờ vậy, 2 ngày sau khi bão tan, hầu hết các KCN được cấp điện, cấp nước trở lại; đa số doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường.

                Đồng chí Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy thăm, động viên Công ty LG Display ngay sau khi cơn bão số 3 vừa dứt

          Theo ông Đỗ Quang Hưng, Phó Tổng giám đốc Khu CN Nhật Bản- Hải Phòng, từ việc mất điện diện rộng do bão số 3 mới thấy, nếu có biện pháp ứng phó từ trước thì sẽ giảm thiểu được thiệt hại. KCN Nhật Bản- Hải Phòng có Nhà máy phát điện dự phòng tiêu chuẩn quy mô lớn nên tuy cả thành phố mất điện nhưng riêng KCN vẫn có điện bình thường; các doanh nghiệp vẫn có thể duy trì sản xuất. Tuy nhiên, các thiệt hại do thiên tai như nhà xưởng bị tốc mái, bị đổ tường,  cây xanh gãy đổ, gây thiệt hại về tài sản, hàng hóa là khó tránh khỏi. Từ đó, ông Đỗ Quang Hưng kiến nghị về lâu dài, thành phố cần có chính sách riêng, cụ thể nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất kinh doanh.

          Cùng chung quan điểm, ông Vũ Thanh Dương, Phó tổng giám đốc Công ty CP KCN Sài Gòn- Hải Phòng, chủ đầu tư KCN Tràng Duệ đề nghị sớm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn cả trước mắt và lâu dài. Theo đó, có thể nghiên cứu, áp dụng các hình thức miễn, giảm, giãn, hoãn thuế; hỗ trợ người lao động, giữ chân lao động; giải quyết tình trạng ngập lụt cục bộ trong KCN.

Theo lãnh đạo KCN Đồ Sơn, trong lúc chờ đợi giải pháp thoát nước đồng bộ cho quận Đồ Sơn, đề nghị cho phép KCN được chuyển hướng thoát nước mưa sang vị trí phù hợp để khắc phục trước mắt tình trạng ngập úng.

Đại diện Công ty sản xuất lốp xe Bridgestone Hải Phòng cho biết, các mái nhà xưởng của công ty là vật liệu đặc thù, được nhập khẩu từ Singapore, vì vậy mong muốn ngành Hải quan hỗ trợ về thủ tục hải quan để doanh nghiệp nhanh chóng có vật liệu làm lại mái (hiện mới chỉ đang lợp tạm để khắc phục trước mắt).

Tổng Giám đốc Công ty LS Metal Vina Jung Hyeok đề nghị, nhiều doanh nghiệp đã mua bảo hiểm. Tuy nhiên, hiện thủ tục giám định mất rất nhiều thời gian (nhiều trường hợp mất tới 6 tháng). Từ đó đề nghị thành phố có biện pháp làm việc với các công ty bảo hiểm nhằm đẩy nhanh quá trình thẩm định và bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp, khắc phục phần nào khó khăn, thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra.

          Rất đáng mừng là dù cùng gặp khó khăn, cùng bị thiệt hại nhưng các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng KCN và các doanh nghiệp trong KCN luôn sẵn có sự đồng hành, cảm thông, chia sẻ lẫn nhau. Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ Nguyễn Thành Phương cho biết, trước mắt, Tập đoàn trích 10 tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp, đồng thời có chính sách giảm phí hạ tầng cho doanh nghiệp.

Theo đại diện Công ty Bridgestone, công ty vừa khắc phục khó khăn vừa chỉ đạo thống kê thiệt hại của gia đình người lao động để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Một số doanh nghiệp tính tiền lương ngày buộc phải nghỉ việc do bão đổ bộ và do cắt điện; đồng thời cho nghỉ tiếp 1 ngày có lương để người lao động giải quyết hậu quả cơn bão tại gia đình. Và tuy khó khăn là vậy nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chung tay đóng góp ủng hộ bà con bị thiệt hại do cơn bão số 3 với thành phố và các địa phương.

Đồng chí Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế kiểm tra, động viên và hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục thiệt hại do bão 

           Đồng chí Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng ghi nhận và chia sẻ với những thiệt hại, tổn thất của doanh nghiệp do cơn bão số 3. Đồng thời cho biết, lãnh đạo thành phố; BQLKKT đã đang và sẽ tích cực  hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục hậu quả cơn bão. 

Đồng chí Lê Trung Kiên đề nghị doanh nghiệp tổng hợp danh sách mua bảo hiểm để Ban có kế hoạch làm việc với các doanh nghiệp bảo hiểm, rút ngắn thời gian bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp. Cùng với đó, đề nghị các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng KCN tiếp tục  đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong khu. 

 Đồng thời ghi nhận, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp; khẳng định sẽ báo cáo, đề xuất thành phố giải quyết theo thẩm quyền. Những vấn đề vượt thẩm quyền sẽ kiến nghị Trung ương có các giải pháp, chính sách phù hợp, kịp thời, giúp doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua những tổn thất, thiệt hại của cơn bão số 3 và tiếp tục phát triển, góp phần vào sự phát triển chung của thành phố và đất nước./.

                                                                                                                           Hồng Thanh 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông