08:01 01/09/2021 Trước những tác động của dịch COVID-19, nhằm góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, bảo đảm đời sống cho người lao động, Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) chi nhánh Hải Phòng đã ký kết hợp đồng tín dụng, giải ngân cho vay vốn theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh Hải Phòng cho biết: Để Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhanh chóng đi vào cuộc sống, Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh Hải Phòng đã rà soát, tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn làm thủ tục hồ sơ về chủ trương, chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất đến các cấp, các ngành, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố…
Cùng đó, thực hiện, giám sát và công khai chương trình cho vay tại trụ sở làm việc các quận, huyện trên địa bàn thành phố và các điểm giao dịch ở các xã, phường, thị trấn.
Bên cạnh đó, với mục tiêu triển khai thực hiện nhanh, đảm bảo đúng người, đúng đối tượng vay vốn, kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp bị tác động bởi dịch COVID-19, thời gian qua, NHCSXH chi nhánh Hải Phòng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động phối hợp với bảo hiểm xã hội, cơ quan lao động các cấp, qua đó trực tiếp làm việc hoặc liên hệ với người sử dụng lao động để tuyên truyền phổ biến chính sách, nắm bắt tình hình sử dụng lao động và nhu cầu vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất trên địa bàn.
Cùng với đó, Chi nhánh NHCSXH thành phố đã thành lập Tổ chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng, để hỗ trợ các đơn vị trong việc triển khai cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất trên địa bàn thành phố; tổ chức Hội nghị giải đáp các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai.
Sau hơn 1 tháng triển khai, Chi nhánh NHCSXH thành phố đã có 10 đơn vị, doanh nghiệp, người sử dụng lao động được vay 1.178,88 triệu đồng để trả lương cho 284 lượt lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch Covid 19; 1 đơn vị bị tạm dừng hoạt động vay 225,05 triệu đồng để trả lương phục hồi sản xuất.
Là 1 trong 10 đơn vị được tiếp cận vốn vay để trả lương ngừng việc cho lao động, đại diện Lớp Mầm non tư thục Họa Mi vàng, ở số 11C/10/175 Cam Lộ 6, phường Hùng Vương cho biết cơ sở được vay 79,56 triệu đồng từ phòng giao dịch NHCSXH quận Hồng Bàng để trả lương cho 18 lượt lao động bị ngừng việc. Đây là nguồn động viên lớn đối với lớp trong thời điểm khó khăn này.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự Lớp Mầm non tư thục Họa Mi vàng, vào đầu tháng 8-2021, PGD NHCSXH quận Hồng Bàng đã ký hợp đồng tín dụng cho Công ty TNHH sản xuất bảo hộ lao động Bảo An, quận Hồng Bàng vay hơn 296 triệu đồng để trả lương cho 67 lượt lao động bị ngừng việc trong các tháng 5,6,7-2021.
Đại diện Công ty TNHH sản xuất bảo hộ lao động Bảo An, quận Hồng Bàng chia sẻ, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nên công ty gặp rất nhiều khó khăn, công ty đã phải ngừng hoạt động, gây tổn thất rất nhiều về kinh tế. Sau khi có được vay vốn chính sách hỗ trợ, công ty đã tiến hành chi trả lương cho người lao động, giúp họ yên tâm lao động sản xuất. Cả lãnh đạo công ty và người lao động rất phấn khởi khi được Chính Phủ quan tâm.
Tuy nhiên, thực tế triển khai cho vay của ngân hàng và tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 đang gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, theo quy định tại Quyết định 23, đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, để được vay vốn phải có thông báo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc NHCSXH chi nhánh Hải Phòng cho biết, trong quá trình triển khai lập hồ sơ, các DN phản ánh khó đáp ứng yêu cầu trên vì các cơ quan thuế không cấp thông báo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 với lý do chưa có việc thanh tra nên không thể xác nhận về việc quyết toán thuế và cũng không có cơ sở để cấp thông báo xác nhận quyết toán thuế.
Bên cạnh đó, các DN, đơn vị, người sử dụng lao động cũng gặp khó khăn do quy định phải bảo đảm “không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn”. Trên thực tế, trong điều kiện dịch bệnh kéo dài như hiện nay, phần lớn doanh nghiệp ít nhiều đều vướng nợ xấu tại ngân hàng…
Mặc dù còn không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện, nhưng những tác dụng, hiệu quả ban đầu Nghị quyết 68 và Quyết định 23 mang lại đã góp phần không nhỏ hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt, điều này cũng góp phần thực hiện "mục tiêu kép" vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế theo chỉ đạo của lãnh đạo thành phố.
Thái Bình
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão