Dù ai đi ngược về xuôi…

09:49 13/04/2019

Những ngày này, người dân Việt ở trong nước cũng như ở nước ngoài đang hướng về tỉnh Phú Thọ, háo hức chờ đợi ngày Quốc Tổ. Theo lịch đã được công bố, tính cả ngày nghỉ theo kỳ thì dịp giỗ Tổ Hùng Vương năm nay có tới 4 ngày nghỉ liên tục. Chính vì vậy, rất nhiều người đã lên kế hoạch, sẵn sàng hành hương đến hội đền Hùng.

Nghi thức trang trọng ngày giỗ Tổ Hùng Vương

          Truyền tích kể lại

“Hồng Bàng Thị Truyện” (Truyện họ Hồng Bàng) nói về Lạc Long Quân – Âu Cơ và các triều đại Hùng Vương, là một trong những tác phẩm được coi là cổ nhất trong kho tàng văn hóa Việt Nam, cũng bởi đượm nét cổ nên khó tránh khỏi màu sắc của thần thoại. Nhưng một điều không thể phủ nhận, là trải qua hàng nghìn năm, người Việt vẫn dựa vào đó để khẳng định tinh thần từ tôn, tự lực, tự cường, tạo riêng cho mình một nền văn hiến. Đó là giá trị tinh thần vô song, mà không phải dân tộc nào trong thế hiện đại ngày nay cũng có được.

Theo “Hồng Bàng Thị Truyện”: Cháu ba đời họ Viêm Đế Thần Nông là Đế Minh nhân đi tuần thú phương Nam, tới miền Ngũ Lĩnh gặp con gái bà Vụ Tiên lấy về, sinh ra Lộc Tục, dung mạo đoan chính, sớm tỏ ra thông minh nhanh nhẹn. Đế Minh phong cho Lộc Tục làm Kinh Dương Vương cai trị phương Nam, lấy hiệu nước là Xích Quỷ. Kinh Dương Vương lấy con gái của Động Đình Quân, sinh ra Sùng Lãm, ấy là Lạc Long Quân. Long Quân lấy Âu Cơ sinh được một cái bọc, qua bảy ngày cái bọc nở ra một trăm trứng, mỗi trứng là một người con trai. (Nên người Việt mới gọi nhau là đồng bào - cùng bọc). Lạc Long Quân thay cha trị vì, dạy cho dân cày cấy, ăn mặc, từ đó trong nước mới có thứ tự vua tôi, có tôn ti trật tự.

Tuy nhiên Lạc Long Quân là giống Rồng sống ở dưới nước, còn Âu Cơ sống ở trên đất, vì “khí âm dương hợp lại mà sinh con, nhưng giòng giống tương khắc như nước với lửa”, không thể chung sống. Hai vị từ ấy chia ly, 50 người con theo cha xuống biển, 50 người con còn lại theo mẹ lên rừng, đến ở đất Phong Châu (nay thuộc Phú Thọ), cùng tôn người anh cả lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, lấy tên nước là Văn Lang. Trăm người con trai chính là tổ tiên của dân Bách Việt.

Truyện Hồng Bàng kể tiếp: Vào buổi đầu dựng nước, người Việt lấy vỏ cây làm áo, dệt cỏ ống làm chiếu, lấy cốt gạo làm rượu, lấy cây quáng lang làm thức ăn, lấy cây tung lư làm giường nằm, lấy cầm thú cá tôm làm mắm, lấy củ gừng làm muối. Cày bằng dao, trồng bằng lửa, lấy ống tre mà thổi gạo. Gác gỗ làm nhà để tránh hổ lang làm hại. Con mới đẻ ra, lấy lá chuối lót cho nằm. Có người chết thì giã cối cho láng giềng nghe tiếng để kéo nhau đến cứu giúp. Con trai con gái khi hôn thú, trước hết lấy gói muối làm lễ hỏi, rồi sau đó mới giết trâu giết dê để thành vợ thành chồng…

Còn sách cổ “Lĩnh Nam chích quái” có chuyện Chim trĩ trắng chép rằng: Đời Chu Thành Vương (TQ), Hùng Vương sai bề tôi xưng là người Việt Thường đem dâng nhà Chu chim trĩ trắng. Chu Công hỏi “Tại sao Giao Chỉ cắt tóc ngắn, để đầu trần, xăm mình, đi chân đất như vậy là cớ sao?”. Sứ Việt đáp: “Cắt tóc ngắn để tiện đi rừng. Xăm mình để giống hình Long Quân khi xuống nước loài giao long không phạm tới. Đi chân đất để tiện leo cây. Ău trầu cau để trừ ô uế…”. Chu Công cho rằng, Giao Chỉ là cõi riêng, không nên xâm phạm và áp đặt chính lệnh, bèn ban thưởng cho phẩm vật, răn dạy rồi cho về.

So với truyền thuyết nhuốm màu huyện thoại của Hồng Bàng Thị truyện, thì chuyện Chim trĩ trắng đã có dáng dấp của chính sử. Vì vậy các nhà nghiên cứu cho rằng, những gì được ghi lại trong chuyện Chim trĩ trắng đã thể hiện khá rõ sự công nhận nền độc lập của dân tộc Việt, từ thế kỷ thứ 11 trước Công nguyên (thời kỳ Chu Thành Vương trị vì Trung Quốc).

Không gian khu di tích đền Hùng dịp giỗ Tổ

Khí thiêng ngày Quốc tổ

Đó là về thời kỳ sơ khai của dân tộc Việt, sau này nhờ kết quả nghiên cứu và khảo cổ của khoa học hiện đại, người ta đã có những cơ sở xác đáng để minh chứng cho một thời kỳ văn hiến của nước Văn Lang.

Khu Di tích lịch sử Đền Hùng thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, là nơi thờ các vua Hùng có công dựng nước. Theo các tài liệu ghi nhận, vùng đất này xưa kia là khu vực trung tâm của nước Văn Lang, có nhiều sông ngòi ao hồ, đồi núi, lại có những cánh đồng màu mỡ phì nhiêu do phù xa của ba con sông bồi đắp, vừa thuận lợi cho cuộc sống định canh định cư, vừa thuận lợi cho việc phòng thủ. Tạo thành chiến lũy thiên nhiên khổng lồ bao bọc lấy cố đô của các vua Hùng.

Đền Hùng là tiêu điểm về thời đại các vua Hùng, các ngôi đền thờ vua Hùng nằm trên núi Nghĩa Lĩnh (còn gọi là núi Cả theo địa phương hay các tên khác: núi Hùng, núi Hy Cương), có độ cao 175 mét so với mặt nước biển. Trước kia khu vực này là cánh rừng già nhiệt đới, hiện dấu vết cư trú của dân cư thời đại các vua Hùng còn để lại trong hàng chục di chỉ khảo cổ học, được phân bố dày đặc từ huyện Lâm Thao tới ngã ba Bạch Hạc - Việt Trì. Những di chỉ khảo cổ học là minh chứng một thời đại, đã từng tồn tại hàng nghìn năm trước Công nguyên. Ngày nay núi Hùng vẫn giữ dáng vẻ của rừng tự nhiên với nhiều thế hệ cây tầng khác nhau, gồm 150 loài thảo mộc, thuộc 35 họ, trong đó còn lại một số cây đại thụ lớn như: đa, thông, thiên tuế, trò v.v...

Phong tục giỗ Tổ đã có từ rất lâu, đi qua biết bao thăng trầm của lịch sử, ở chế độ nào giỗ Tổ Hùng Vương cũng đều được coi trọng, khắc sâu nét đẹp “uống nước nhớ nguồn”, rưng rức sôi trong mỗi tâm hồn dân Việt, cao hơn là khẳng định nền tự tôn của dân tộc. “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ tổ mồng Mười tháng Ba”, bao năm qua câu ca ấy đã thấm sâu vào lòng mỗi người dân Việt, rằng cứ ngày ấy, tháng ấy, hẹn về chân núi Nghĩa Lĩnh, thành kính dâng hương, tưởng về Quốc Tổ…

Người Việt hướng về núi Nghĩa Lĩnh (Phú Thọ) là hướng về cố đô, nơi ngọn cờ dựng nước đầu tiên được khởi tạo, để từ ấy dẫu bị đô hộ trăm năm hay ngàn năm, kẻ thù không bao giờ làm cạn được dòng máu Việt. Vì theo truyền lại, thời kỳ Văn lang trải qua 18 đời Hùng Vương, như đã nói vì thua hoang sơ không có sử tích ghi lại, nên ngày sinh hay mất của các Hùng Vương đều rất khó xác định. Bởi vậy từ năm 1917, vua Khải Định nhà Nguyễn lấy ngày 10 tháng 3 Âm lịch hằng năm làm ngày quốc lễ, thể chế hóa ngày giỗ tổ Hùng Vương bằng luật pháp.

Ngày 2-9-1945 khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, chấm dứt sự tồn tại của chế độ phong kiến, nhưng giá trị nguồn cội với Quốc tổ Hùng Vương không hề thay đổi. Vào ngày 18-2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 22/SL-CTN, quyết định tiếp tục tổ chức ngày giỗ tổ Hùng Vương vào ngày 10 tháng 3 Âm lịch. Ngày 2-4-2007, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Bộ Luật lao động, cho người lao động được nghỉ làm việc vào ngày giỗ tổ Hùng Vương.

Gờ đây, tiếp nối truyền thống cha ông để lại, người dân Việt dù ở Nam hay Bắc, dù trong hay ngoài nước, đều coi ngày giỗ tổ Hùng Vương là quốc lễ, mang đậm đà bản sắc của dân tộc. Và ngày ấy trên đỉnh cao núi Nghĩa Lĩnh lại vang lên lời Bác Hồ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, như một lời tuyên ngôn bất hủ, rằng miền đất này là của chúng ta, của dân tộc Việt Nam anh hùng suốt hàng nghìn năm lịch sử.

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông