| Các camera và máy đo tốc độ được gắn trên các tuyến đường cao tốc để soi vi phạm và xử phạt. (Ảnh minh họa. Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN) |
Đề án “Giải pháp giao thông thông minh trên nền bản đồ số” tập trung xây dựng và triển khai ứng dụng các giải pháp giao thông thông minh trên nền bản đồ số đối với lĩnh vực giao thông đường bộ tại trên 20.000km đường Quốc lộ, các tuyến đường cao tốc, sau đó sẽ đề xuất lộ trình hợp lý để từng bước triển khai đến hơn 128.000km các tỉnh lộ, giao thông đô thị tại các tỉnh, thành phố và các lộ trình giao thông.
Đây là một trong những nội dung trong Tờ trình của Tổng cục Đường bộ Việt Nam gửi Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt Đề án nêu trên với tổng kinh phí dự kiến thực hiện là 446,5 tỷ đồng được bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Theo đó, Đề án sẽ triển khai thu thập dữ liệu giao thông và tích hợp thành các lớp dữ liệu trên hệ thống bản đồ số; xây dựng các ứng dụng web và mobile để phục vụ khai thác, kết nối các cơ sở dữ liệu giao thông đường bộ hiện có; tích hợp thông tin giám sát hành trình, kiểm soát luồng tuyến, kiểm soát tốc độ, hành trình vận chuyển hàng hóa; chỉ dẫn giao thông đúng yêu cầu hành trình, tải trọng…
Bên cạnh đó, những giao dịch vận tải hàng hóa, hành khách, đảm bảo giảm tối đa lưu lượng xe không tải, chạy rỗng; hỗ trợ đánh giá lưu lượng giao thông trên các cung đường, đánh giá hiện trạng của các công trình giao thông, phục vụ công tác bảo trì và nâng cao hiệu quả sử dụng công trình; hỗ trợ thu phí lưu hành đúng xe, đúng hành trình sử dụng cũng được Đề án bao quát.
Phía cơ quan soạn thảo Đề án cũng đưa ra dữ liệu đầu vào như bản đồ nền địa hình được cung cấp từ Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các lớp dữ liệu chuyên ngành (hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ, phương tiện, người lái, cầu đường...) hình thành từ các nguồn dữ liệu chuyên ngành của ngành giao thông vận tải.
“Việc quản lý trực quan trên bản đồ giúp nhà điều hành có cái nhìn tổng thể, xuyên suốt, phục vụ quản lý, quy hoạch và phát triển ngành đồng thời đưa ra dự báo nhu cầu đi lại, vận chuyển công cộng, dịch vụ hậu cần và quản lý hạ tầng giao thông, đảm bảo tính tương tác giữa các đối tượng tham gia giao thông,” Đề án của Tổng cục Đường bộ nêu rõ tầm quan trọng.
Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ cũng chia lộ trình triển khai Đề án theo từng giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (năm 2016-2017) tập trung vào việc thu thập dữ liệu đối với trên 20.000km đường Quốc lộ, các tuyến đường cao tốc với chi phí dự kiến 198 tỷ đồng.
Các giai đoạn tiếp theo (năm 2018-2024) sẽ đề xuất lộ trình hợp lý để từng bước triển khai đến hơn 128.000km các Tỉnh lộ, giao thông đô thị tại các tỉnh, thành phố và các lộ trình giao thông. Kinh phí thực hiện giai đoạn này lên tới 248,5 tỷ đồng. Theo TTXVN |