Những tội ác không thể dung tha
Riêng tại thành phố Hải Phòng, theo thống kê của Phòng Cảnh sát Hình sự - CATP, trong thời gian từ năm 2015 đến năm 2019, trên toàn địa bàn đã xảy ra 53 vụ hiếp dâm người dưới 16 tuổi, giao cấu với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi, dâm ô với người dưới 16 tuổi với tổng số 52 đối tượng. Còn theo thông kê sơ bộ, từ 30-6-2021 đến nay, các cơ quan chức năng phát hiện gần 30 vụ xâm hại trẻ em trên địa bàn thành phố, trong đó các vụ xâm hại tình dục chiếm tỷ lệ gần 60%.
Gần đây nhất, vào đầu tháng 5-2022, Công an quận Ngô Quyền đã ra lệnh bắt khẩn cấp Nguyễn Văn B. (67 tuổi, ở phường Cầu Đất) để điều tra hành vi xâm hại hai bé gái 8 tuổi và 13 tuổi. 2 bé gái này cùng sống với bố mẹ tại quận Lê Chân nhưng hay sang nhà bà nội tại ngõ 14 Cầu Đất, là hàng xóm với Nguyễn Văn B. Tiếp nữa, vào đầu tháng 9-2022, cơ quan CSĐT Công an huyện Tiên Lãng cũng đã tạm giữ hình sự 1 đối tượng trú tại thôn Bắc Phong, xã Kiến Thiết cùng về hành vi xâm hại tình dục trẻ vị thành niên.
Đây thực sự là những con số thống kê rất đáng báo động về vấn nạn trẻ em bị xâm hại tình dục, gây tâm lý bất an, phẫn nộ trong dư luận người dân.
Thực tiễn trên càng cho thấy, mọi trẻ em trong cộng đồng đều có nguy cơ cao bị xâm hại tình dục kể cả những trẻ sống trong gia đình nghèo hay gia đình khá giả; bất cứ trẻ em trai hai gái đều có nguy cơ bị xâm hại như nhau. Đáng nói, những con số thống kê trên mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” bởi nhiều vụ việc đau lòng, nhiều tội ác đã được thực hiện nhưng vẫn bị chìm trong im lặng, chưa được đưa ra ánh sáng. Trẻ có thể gặp nguy cơ bị xâm hại ở bất cứ đâu, trên sân chơi, trên không gian mạng, ở trường học hay thậm chí ở trong chính ngôi nhà của mình. Đáng nói nữa, thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em cũng vô cùng đa dạng: có kẻ mới 14-15 tuổi nhưng có kẻ đã ngoài 60-70 tuổi, thậm chí còn hơn thế nữa và có thể lại là chính những đối tương thân thiết xung quanh các em với thủ đoạn phổ biến là lợi dụng sự ngây thơ của trẻ hay sức ảnh hưởng của mình hoặc dùng “lòng tốt” nhằm dụ dỗ, đe doạ để thực hiện hành vi xâm hại trẻ.
Hãy cùng lên tiếng...
Đáng nói, sau khi bị xâm hại hầu hết các nạn nhân do còn quá ít tuổi thường không hoặc không dám kể về những gì đã diễn ra với chúng. Chính vì vậy, những tổn hại về thể chất, tinh thần với trẻ càng nặng nề; luôn bị mặc cảm và không có sự phát triển bình thường. Đặc biệt, trẻ sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi hòa nhập cộng đồng.
Tại chương trình Liên hoan Phát thanh toàn quốc 2022, nhiều người trong chúng ta đã không khỏi bật khóc trước những đoạn phát thanh trực tiếp đem tiếng nói của một cháu gái bị xâm hại tình dục: “Mỗi lần con nhìn thấy chú sang, con đóng khép cổng xong con vào nhà con con trốn. Con sợ hãi kêu mẹ, mẹ vào, chú thả con xuống nhưng mẹ không biết gì, mắt me bị mù nên mẹ không biết chú ấy làm gì con”. Rồi một cháu khác: “Ông ấy khỏe lắm, con muốn chạy thoát về bên nhà thì ông ấy đánh con một cái. Ông ấy còn bắt con là cấm được nói với ai, nếu mà nói với ai thì ông ấy giết cả mẹ với con”...
Bên cạnh đó do, tình dục không an toàn, hậu quả nhãn tiền nhất có thể để lại là trẻ mang thai ngoài ý muốn cùng các bệnh lây truyền về tình dục, các rối loạn tình dục khi trưởng thành. Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, tỉ lệ người bị xâm hại tình dục thời thơ ấu gặp các trục trặc về tình dục cao hơn nhóm khác tới 90%, biểu hiện nhất ở sự suy giảm khả năng tình dục, có xu hướng tình dục đồng giới...
Cần quyết liệt hơn trong hành động
Với nỗ lực đẩy lùi vấn nạn xâm hại tình dục ở trẻ em, nhiều đơn vị, địa phương trên cả nước thời gian qua đã nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 121/2020/QH14; Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em.
Đặc biệt, UBND thành phố Hải Phòng đã ban hành Công văn số 1172/UBND-VX ngày 24-2-2022 về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em và xử lý hành vi bạo lưc, xâm hại trẻ em; đẩy mạnh tuyền thông, tổ chức chiếu phim hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 để tăng cường nhận thức, trang bị kỹ năng cho trẻ.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận một điều rằng: Khi các em không đủ kỹ năng thì lỗi đầu tiên không phải của các em mà là của người lớn. Trong cộng đồng, văn hóa kỳ thị và đổ lỗi nạn nhân vẫn đầy định kiến. Làm tốt những điều này, người bị hại mới dám lên tiếng nhiều hơn và giảm bớt những vụ việc đau lòng.
Vì vậy, không chỉ dừng lại ở những hoạt động trên, để đẩy lùi, kéo giảm tình trạng xâm hại trẻ em cần phải có hành động quyết liệt hơn nữa nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của gia đình, hỗ trợ kỹ năng nhận biết tâm, sinh lý của con trẻ. Các ngành chức năng cần hỗ trợ, tập huấn kỹ năng phòng vệ trước những đối tượng có ý định xâm hại cho trẻ em. Vấn đề cần quan tâm nữa là chú trọng phát triển hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em, từng bước chuyên nghiệp hóa các hoạt động cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em theo 3 cấp độ phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp.
Mỗi cá nhân và toàn xã hội hãy đừng im lặng, hãy lên tiếng và hành động bằng cách gọi ngay đến đường dây nóng của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 hoặc tố giác đến cơ quan, tổ chức bảo vệ trẻ em gần nhất mỗi khi phát hiện, nghi ngờ có hành vi xâm hại, bạo lực trẻ xảy ra.
TÚ QUYÊN