Đường về Việt Hải

21:40 25/06/2016

 

 

Du lịch sinh thái, cộng đồng thu hút khách đến Việt Hải
Du lịch sinh thái, cộng đồng thu hút khách đến Việt Hải

Biết tin sẽ được về nhà trước 10 ngày so với dự định, tôi mừng lắm. Tạm biệt chốn phồn hoa đô hội tôi trở về đảo. Tôi dậy từ 5 giờ sáng, đi xe gần 4 tiếng đồng hồ qua phà Đình Vũ, thêm một đoạn đường nữa là tới đảo Cát Bà, từ thị trấn Cát Bà về nhà tôi phải mất hơn một tiếng đi đò nữa mới tới nơi...

Việt Hải xưa

Việt Hải quê tôi là một xã nghèo nhất trong 12 xã, thị trấn của huyện Cát Hải, dân cư ít, đường đi lại khó khăn. Trong ký ức của tôi, Việt Hải ngày xưa nghèo xơ xác, về mùa mưa mỗi lần đường lầy lội nhà này đi sang nhà khác cũng còn ngại, cả xã lại không có nghề gì là ổn định. Nghe bố tôi kể lại, trước những năm 90, đây là địa phương sống chủ yếu bằng nghề đi rừng, săn bắt thú, lấy gỗ, hầu như trai làng chỉ biết các nghề từ đánh ong, bẫy thú cho đến khai thác cây gỗ, cứ có gì làm ra tiền là người dân lao vào.

Vì vậy thời điểm đó đất nông nghiệp tại xã Việt Hải bị bỏ không, cho dù đất ở đây tương đối màu mỡ. Dân cư khi ấy chỉ có khoảng 30 hộ và chưa nổi đến 100 khẩu. Xã đã xa trung tâm lại không có nghề nghiệp ổn định nên cuộc sống tương đối khó khăn. Từ bến vào đến làng chỉ duy nhất một con đường đất, vào mùa mưa đường lầy lội, nhiều lần còn bị lụt từ 3 đến 4 ngày. Ngày ấy cha tôi vì không có việc làm cũng theo anh em bạn bè vào rừng bẫy thú, chặt gỗ để bán.

Nhiều hôm bẫy thú về không có người mua, cha tôi thường làm thịt, kho mặn cho chị em tôi ăn cơm. Tuổi thơ của chị em chúng tôi tuy không đói, bệnh tật nhưng phải nói là thiếu thốn vì mọi vật dụng sinh hoạt phải mang từ thị trấn Cát Bà lên, mà ngày ấy 3 ngày mới có một chuyến đò. Mỗi lần ốm đau là một lần lo lắng, trạm y tế xã thì có nhưng không có bác sỹ, cả trạm chỉ có một y tá, nhũng bệnh thông thường như cảm cúm thì lên trạm xin thuốc uống chứ bệnh nặng một chút là phải thuê đò chở xuống bệnh viện huyện.

Năm tôi 6 tuổi có lần bị đau bụng, cô y tá của trạm y tế chẩn đoán là đau ruột thừa, bố mẹ tôi đã phải tốn rất nhiều công sức và tiền bạc để thuê phương tiện chuyển tôi xuống Bệnh viện đa khoa Cát Bà. Xuống đến bệnh viện, chỉ sau vai phút khám, các bác sỹ chẩn đoán tôi bị đầy hơi rồi lấy một lọ thuốc xịt bơm vào hậu môn vài phút sau tôi đi vệ sinh được, thế là khỏi. Chỉ bệnh đơn giản như vậy mà cũng phải xuống bệnh viện huyện, khổ thân mẹ tôi, hôm ấy bà đã khóc hết nước mắt. Việt Hải ngày xưa trong kí ức tôi là thế.

Và nay…

Nhưng đấy là Việt Hải của ngày xưa, còn Việt Hải hôm nay đã khác nhiều. Lực lượng kiểm lâm của Vườn Quốc gia Cát Bà siết chặt quản lý, chính sách nhà nước nghiêm cấm và phạt nặng những hành vi khai thác bừa bãi những nguồn lợi từ rừng. Nghề làm rừng không còn mang lại thu nhập cho người dân trong xã. Hiện tại dân số của xã đã có 90 hộ với gần 300 khẩu, bà con nông dân hiện nay đã chí thú vào sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế.

Đường vào làng cũng được làm bê tông hóa, xe buýt điện chạy chở khách từ bến vào đến làng, 100% hộ gia đình có điện, có vô tuyến, nhiều người sắm được xe máy. Ngoài trồng lúa, người dân còn trồng nhiều loại hoa màu khác. Hiện toàn bộ diện tích lúa và hoa màu của xã với tổng diện tích trên 9ha đang phát triển tốt và cho thu hoạch với sản lượng khá cao. Bà con tận dụng diện tích tại những thung áng, vườn đồi trồng cây dược liệu hồng hoa, tăng diện tích trồng khoai các loại lên 0,5ha.

Nhân dân đẩy mạnh chăn nuôi gia súc gia cầm để phục vụ nhu cầu tại chỗ và cung cấp dịch vụ du lịch. Đến nay toàn xã có 350 đàn gia cầm, đàn lợn 85 con, đàn trâu bò 20 con, 35 đàn ong mật. Tại Việt Hải có một giống khoai sọ khá ngon có tên là khoai sọ Mùn Ốc. Có người còn so sánh khoai sọ Mùn Ốc với loại khoai sọ Lệ Phố trong phim "Tể tướng Lưu Gù" vì hình dạng và vị thơm ngon của nó. Nếu tôi nhớ không nhầm thì Việt Hải đã từng xuất hiện một thương hiệu tuy không lạ nhưng mới về phương thức đó là “Măng tre Việt Hải”.

Cái mới là ở chỗ sản phẩm này do một số hộ dân liên kết với tổ công tác Biên phòng Việt Hải làm ra từ nguồn nguyên liệu tại chỗ. Đã có nhiều du khách nếm thử loại măng này và khen ngon, giá của mỗi hộp măng cũng chỉ từ hai mươi lăm đến ba mươi nghìn đồng một hộp.

Phát triển du lịch sinh thái

Những năm gần đây, xã phát triển du lịch cộng đồng, đời sống của bà con có những bước chuyển biến rõ rệt, nhiều nghề phụ ra đời như xe ôm, dịch vụ ăn uống tại chỗ bằng những sản vật sẵn có tại địa phương, dẫn khách đi leo núi.

Việt Hải có một ngôi làng rất cổ đã từng đổi tên nhiều lần và có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái tương đối lớn, mơ ước của người dân nơi đây là tạo dựng được một khu tham quan du lịch làm toàn bằng nhà trình đất, với những đường nét thuần việt, những căn nhà Việt Hải cổ có giếng nước, các chum vại, quang gánh để khách du lịch vào thăm quan. Như vậy vừa giới thiệu được những dấu tích xưa của ngôi làng cổ, vừa tạo điều kiện nâng cao đời sống cho người dân.

Anh Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Đảng ủy xã, cho tôi biết về quê lần này sẽ được sống trong không khí phấn khởi của những ngày toàn xã đang chung tay xây dựng nông thôn mới, một chương trình mục tiêu quốc gia nhằm thay đổi và nâng cao đời sống của người dân nông thôn. Anh Lợi vui mừng thông báo là Việt Hải đã hoàn thành được 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, người dân nhiệt tình tham gia hiến đất làm đường, góp công góp của để xây dựng quê hương mình giàu đẹp hơn.

Anh còn nói với tôi, lớp trẻ các em sẽ là tương lai của xã, các anh mong chúng tôi về để kiến thiết xây dựng quê hương. Rồi anh nói cho tôi về những dự định tốt đẹp. Anh là một cán bộ trẻ, tuổi đời chỉ hơn 30, đầy niềm tin và nhiệt huyết, cái nhiệt huyết ấy đang dần truyền qua tôi, chúng tôi rất tin tưởng vào những lãnh đạo trẻ như các anh, sức trẻ dám nghĩ dám làm. Anh Lợi nói, Việt Hải vốn là một xã nông nghiệp, anh mong ước có ngày những cánh đồng tại xã Việt Hải sẽ nhộn nhịp tiếng người cười nói trên các mô hình nông nghiệp để phát triển kinh tế  địa phương, và anh đã và đang làm việc hết mình vì mục đích ấy.

Chưa bao giờ đường từ bến về Việt Hải với tôi đẹp như lúc này, chiếc xe buýt điện lao vun vút trên con đường bê tông rộng 3,5 mét. Hai bên đường trải dài một màu xanh ngan ngát của lúa, của hoa màu và của nắng vang. Giờ này ở quê tôi sắp bước vào vụ gặt, mùi thơm của lúa lan tỏa trên mọi ngóc ngách nẻo đường quê. Nhìn sự thay đổi giàu đẹp của quê hương, trong lòng tôi thấy thổn thức một cảm giác khó tả, nhất định tôi  sẽ trở về để cùng các anh xây dựng quê hương...

Đông Hưng


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông