Duy trì thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19

17:35 26/05/2021

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, phóng viên Chuyên đề An Ninh Hải Phòng đã có cuộc phỏng vấn Tiến sỹ - Bác sỹ Phạm Thu Xanh - Tổ trưởng Tổ phản ứng nhanh phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thành phố về công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố.
Tiến sỹ - Bác sỹ Phạm Thu Xanh - Tổ trưởng Tổ phản ứng nhanh phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thành phố
Tiến sỹ - Bác sỹ Phạm Thu Xanh - Tổ trưởng Tổ phản ứng nhanh phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thành phố

Phóng viên: Với tư cách là Tổ trưởng Tổ phản ứng nhanh phòng, chống dịch Covid-19 thành phố, có nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch, bà nhận định như thế nào về tình hình dịch bệnh hiện nay?

Tiến sĩ Phạm Thu Xanh: Qua nắm bắt, phân tích tình hình làn sóng dịch bệnh lần thứ 4, tôi nhận thấy đây là đợt dịch diễn biến phức tạp vì nguồn lây rất đa dạng, có cả những trường hợp trước đây chúng ta không nghĩ đến. Cụ thể có trường hợp hoàn thành cách ly y tế và đủ số lần lấy mẫu xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 theo quy định của Bộ Y tế nhưng khi trở về địa phương khác mới phát hiện mắc Covid-19 và lây bệnh cho người khác, trong đó có chuyên gia nước ngoài hoàn thành cách ly. Trong đợt dịch lần này, một số nước lân cận, có đường biên giới rất dài với Việt Nam, như Lào, Campuchia dịch bệnh bùng phát rất mạnh. Do đó, có tình trạng người ở quốc gia có dịch  vượt biên về Việt Nam. Như ở Hải Phòng có 2 ca dương tính vượt biên từ Lào, Campuchia về lưu trú ở Hải Phòng. Ngoài ra, trong đợt dịch này, Covid-19 bùng phát ở các bệnh viện lớn tuyến trung ương trong khi người bệnh cả nước phần lớn dồn về tuyến cuối nên các ca mắc Covid-19 là người bệnh tỏa đi cả nước, gây lây nhiễm trong cộng đồng. Như tại Bệnh viện K, đến thời điểm này, trên cả nước truy vết được hơn 2.300 ca mắc, chưa kể Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương 2. Từ các nguồn lây đó, ngành Y tế Hải Phòng sàng lọc, phát hiện trường hợp dương tính từ người đi chăm nuôi người bệnh. Đặc biệt, trong đợt này, dịch xâm nhập vào khu công nghiệp và liên quan đến các địa phương lân cận với Hải Phòng. Tính đến chiều 25-5, Hà Nội có 186 ca; Thái Bình có 26 ca; Hải Dương có 56 ca và số ca mắc tiếp tục tăng lên hằng ngày. Bên cạnh đó, nguy cơ dịch bệnh từ đường hàng không cũng rất đáng lo ngại. Ngoài ra, còn có nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ đường biển. Do đó, chúng tôi nhận định, đợt dịch lần này rất phức tạp và nguy cơ lây lan, bùng phát bất cứ lúc nào.

Phóng viên: Vậy, thành phố cần có những biện pháp quyết liệt như thế nào để phòng chống dịch bệnh bùng phát, thưa bà?

Tiến sĩ Phạm Thu Xanh: Chúng ta đã thấy, trong suốt hơn một năm, cả nước chỉ có hơn 4.500 ca mắc, nhưng trong đợt dịch này, tính từ ngày 27-4 trở lại đây, số ca mắc trên cả nước là hơn 2.500 ca, chiếm hơn 50% số ca mắc 3 làn sóng dịch trước đây cộng lại. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, Hải Phòng ghi nhận 8 ca mắc, trong đó, có 2 trường hợp nhập cảnh, 6 ca phát hiện trên địa bàn thành phố. Tính từ ngày 27-4 đến nay, Hải Phòng phát hiện 2 ca mắc Covid-19 nhờ khám sàng lọc chủ động. Có thể nói, đến thời điểm hiện nay, Hải Phòng kiểm soát rất tốt tình hình dịch bệnh. Đó là nhờ sự quyết liệt của lãnh đạo thành phố và sự chủ động vào cuộc của các sở, ngành, địa phương, đơn vị. Nhất là các đồng chí Thường trực, Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố và người đứng đầu các địa phương, các ngành Y tế, Công an, Quân sự, Hội Cựu chiến binh, các tổ công tác… Qua phân tích có thể thấy, cách làm của chúng ta là chặn nguồn từ ngoài vào, kiểm soát toàn bộ người đi từ vùng dịch đi đường bộ vào thành phố. Đối với đường biển, duy nhất Hải Phòng ra quy định: tất cả các tàu quốc tế về Hải Phòng đều phải dừng lại ở phao số 0, sau đó các lực lượng kiểm tra, xét nghiệm âm tính toàn bộ thuyền viên mới cho cập cảng làm hàng, nhập hàng hóa. Như vậy, chúng ta kiểm soát tốt đường không, đường bộ, đường biển. Ở phía trong thành phố, chúng ta tăng cường giám sát trong cộng đồng để phát hiện ca mắc mới. Việc nữa, qua đội phản ứng nhanh, chúng ta thực hiện truy vết, khoanh vùng, tổ chức cách ly nhanh cũng như xét nghiệm sàng lọc chủ động để làm căn cứ triển khai các bước tiếp theo. Hiện Hải Phòng có 6 cơ sở xét nghiệm virus SARS-CoV-2 và hiện nay có 4 cơ sở được làm xét nghiệm khẳng định với khoảng 7.000-7.500 mẫu/ngày. Bên cạnh đó, chúng ta làm tốt việc tổ chức cách ly cho chuyên gia, cách ly tập trung cho người đi từ vùng dịch về, cách ly các trường hợp F1 hay cách ly tại nhà bảo đảm chặt chẽ nên không có việc lây chéo trong khu vực cách ly. Ngoài ra, thành phố ban hành một số văn bản mang tính chất quyết liệt, sớm và cao hơn một mức so với khuyến cáo về tình hình dịch bệnh. Đối với giai đoạn vừa qua, thực hiện giãn cách xã hội, chúng ta cho dừng một loạt dịch vụ không thiết yếu và yêu cầu mọi người dân tuân thủ đeo khẩu trang và thực hiện 5K; cho dừng các phương tiện công cộng, giảm số đầu xe taxi… Đối với tổ kiểm soát cộng đồng, trong giai đoạn bầu cử vừa qua, thành phố cho khởi động lại 2.500 tổ kiểm soát cộng đồng với 30.000 người để “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, giúp chúng ta kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh để phục vụ dịp bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Phóng viên: Hiện nay dịch bệnh đã xuất hiện trong khu công nghiệp, các bệnh viện và trong cộng đồng ở các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đặc biệt, có ca mắc mới chưa xác định được nguồn lây. Theo Tiến sĩ, cần triển khai các biện pháp nào để tiếp tục giữ vững và phát huy thành quả đã đạt được, thưa bà?

Tiến sỹ Phạm Thu Xanh: Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta làm bài bản, chắc chắn. Trước khi xảy ra dịch bệnh trong khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang, chúng tôi kịp thời tham mưu với thành phố các biện pháp thực hiện. Cụ thể, với tất cả công nhân đến từ Bắc Ninh, Bắc Giang đều phải được xét nghiệm virus SARS-CoV-2; yêu cầu không trở về địa phương mà phải lưu trú lại Hải Phòng. Những người dân Hải Phòng làm việc ở những khu công nghiệp của Bắc Ninh, Bắc Giang không được quay về Hải Phòng mà phải lưu trú trên đó. Tức là chúng ta hạn chế tới mức thấp nhất việc đi lại, di chuyển từ các địa phương có dịch về Hải Phòng. Bên cạnh đó, trong toàn bộ các khu công nghiệp, chúng ta đặt mục tiêu lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc 20% tổng số công nhân, người lao động tại khu công nghiệp, ưu tiên xét nghiệm cho các chuyên gia nước ngoài và các trường hợp đi từ vùng dịch về. Chúng tôi cũng quy định, những lao động từ vùng dịch được vào Hải Phòng làm việc, tuy nhiên phải ở lại Hải Phòng. Hiện nay, các bệnh viện đều yêu cầu phải thực hiện nghiêm việc tổ chức phân luồng khi tiếp nhận bệnh nhân để sàng lọc, cách ly, không để phát sinh dịch trong bệnh viện. Tất cả trường hợp có nguy cơ, có ho, sốt ngoài cộng đồng, yêu cầu các nhà thuốc, hiệu thuốc phải lập danh sách và thông báo cho cơ sở y tế. Chúng ta không để sót trường hợp nào nghi nhiễm ngoài cộng đồng. Qua việc một giáo viên Trường THPT Ngô Quyền bị mắc Covid-19 cũng là vấn đề đặt ra đối với trường học. Đối với các trường học phải đánh giá nguy cơ của mình và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tốt nhất. Vấn đề nữa, để xác định nguyên nhân, nguồn lây bệnh, ngoài xét nghiệm kháng nguyên, chúng tôi cũng làm giải trình tự gen để xác định chủng virus của Ấn Độ hay Anh, từ đó có biện pháp phòng, chống dịch phù hợp. Ngoài ra, chúng tôi cũng làm xét nghiệm kháng thể 74 trường hợp để xác định liệu có ai đó từng nhiễm bệnh mà tự khỏi không. Tiếp đó, chúng ta tiếp tục làm kháng thể diện rộng. Như vậy, qua các xét nghiệm này, chúng ta vừa xác định được nguồn lây nhiễm, vừa dự báo được tình hình, đề xuất phương án phòng, chống dịch tốt nhất. 

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!

VŨ DUYÊN (Thực hiện)

 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông