Ghép bưởi da xanh trên gốc bưởi chua: Mô hình cần được nhân rộng

17:21 14/06/2023

Là hộ đầu tiên của thôn Xuân Đài, xã Trường Thọ, huyện An Lão, thành công với mô hình ghép bưởi da xanh trên thân bưởi chua đem lại hiệu quả kinh tế cao, gia đình ông Phạm Văn Tiệp đang nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật ghép bưởi cho bà con nông dân địa phương để cùng nhau phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng.
Cán bộ Khuyến nông hỗ trợ kỹ thuật ghép cành

Giải pháp tận dụng hiệu quả vườn bưởi chua có sẵn

Năm 2008, hưởng ứng phong trào trồng bưởi tại địa phương, ông Phạm Văn Tiệp, ở thôn Xuân Đài, xã Trường Thọ, huyện An Lão, đã tiến hành trồng 30 cây bưởi chua. Tuy nhiên, những năm sau đó, trên thị trường xuất hiện nhiều giống bưởi ngon đáp ứng được thị hiếu của đông đảo người tiêu dùng đã khiến cho vườn bưởi chua của gia đình ông Tiệp không còn mang lại hiệu quả kinh tế như mong muốn.

Nhưng không chịu bỏ cuộc, tiếc công trồng, chăm bón vườn bưởi chua suốt hơn 10 năm qua, gốc bưởi đã to, khỏe nếu chặt bỏ đi rất lãng phí nên ông Tiệp đã không ngừng nghiên cứu, tìm tòi để tìm ra giải pháp hữu hiệu nhằm tận dụng, phát huy hiệu quả tốt nhất có thể vườn bưởi chua của gia đình. Thêm vào đó, nhờ nhận được sự tư vấn tận tình của cán bộ khuyến nông, ông đã quyết định ghép bưởi Da Xanh trên gốc bưởi chua sẵn có của gia đình.

Theo Kỹ sư Đào Thị Phương Nhung - Trạm Khuyến nông An Lão chia sẻ: Ghép bưởi da xanh trên gốc bưởi chua là phương pháp nhân giống bằng cách ghép đoạn cành, tiết kiệm chi phí và nhân giống nhanh hàng loạt. Phương pháp nhân giống này áp dụng cả trên cây con gieo bằng hạt và những cây bưởi chua, chấp, cam... lâu năm đã cho thu hoạch mà không mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ghép cây là một trong những phương pháp nhân giống vô tính được thực hiện bằng cách đem gắn một bộ phận của cây giống (một mắt hay một đoạn cành) sang một gốc cây khác (gọi là gốc ghép) để tạo nên một cây mới mà vẫn giữ được những đặc tính của cây giống ban đầu.

Bằng các biện pháp nhất định làm cho gốc ghép và thân ghép tiếp xúc với nhau, nhờ sự hoạt động và tái sinh của tượng tầng làm cho gốc ghép và mắt ghép liền lại với nhau, cây ghép sẽ phát triển bình thường. Cành ghép đạt tiêu chuẩn là cành ghép từ những cây bưởi Da Xanh có chất lượng tốt, năng suất cao và ổn định. Những cành ghép này là những cành ở ngoài tán, không sâu bệnh, lá to, có ít nhất từ 2 – 3 mầm ngủ. Cành ghép có đường kính tương đương với gốc ghép là tốt nhất.

Về thời vụ ghép, một năm 2 vụ, vụ Xuân từ tháng 3 – 5 hoặc vụ Thu từ tháng 8 – 10. Ngoài thời vụ trên có thể ghép vào thời vụ khác nếu có điều kiện ánh sáng và nhiệt độ thích hợp.

Cây bưởi Da Xanh ghép trên gốc bưởi chua của gia đình ông Tiệp sai trũi quả

 Cho hiệu quả kinh tế cao

Năm 2019, sau khi đã được cán bộ khuyến nông tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật ghép cây, chọn mắt ghép, qua tìm hiểu, ông Tiệp đã đi Hải Dương tìm mua mắt ghép của bưởi Da Xanh. Sau đó, được sự đồng hành, hỗ trợ tận tình về kỹ thuật của cán bộ khuyến nông, Trạm Khuyến nông An Lão, gia đình ông Tiệp đã tiến hành ghép 500 mắt ghép bưởi Da Xanh trên gốc bưởi chua.

Không phụ lòng người có công, sau 2 năm cần mẫm chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, vườn bưởi Da Xanh ghép trên gốc bưởi chua của gia đình ông sinh trưởng, phát triển tốt. Cây khỏe đều, lá xanh đã bắt đầu cho quả; trung bình mỗi cây ra 30 quả. Từ đó đến nay, vườn bưởi 2 sào của gia đình ngày càng sai quả, năm sau trĩu quả hơn năm trước.

Ông Tiệp phấn khởi chia sẻ: Bưởi Da Xanh ghép trên gốc bưởi chua của gia đình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bưởi ăn có vị ngọt thanh, không hạt, nước vừa phải, múi màu hồng dễ lột vỏ rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Năm 2022, gia đình ông thu hoạch bình quân 60 quả/cây bưởi. Bưởi thu hoạch về chỉ tiêu thụ trong làng, xã với giá bán trung bình là 25.000đồng/quả. Sau khi trừ mọi chi phí sản xuất và vốn ban đầu đi, gia đình ông thu lời 20.000.000 đồng.

Thấy cách ghép cây này mang lại hiệu quả kinh tế tốt, với mong muốn nâng cao hiệu quả kinh tế cây trồng và giúp người dân trên địa bàn thành phố được thưởng thức bưởi Da Xanh trồng trên chính mảnh đất quê hương mình nên thời gian qua ông Tiệp đã nhiệt tình chia sẻ, hướng dẫn kỹ thuật ghép bưởi cho một số hộ gia đình trong thôn, xã cùng làm.

Qua đó, góp phần quan trọng vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tăng thu nhập cho bà con nông dân địa phương.

 Bình Huệ

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông