GIÁ TRỊ CỦA VĂN, THƠ, TỤC NGỮ, CA DAO ĐỂ BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG TRONG CÁC BÀI VIẾT CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG (Bài 3)

11:13 04/10/2023

Bài 3: PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA, CON NGƯỜI

Đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng  đã từng viết: ‘nói đến văn hóa là nói đến những gì là tinh hoa, tinh tuý nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ”;  “trọng tâm của việc xây dựng văn hóa là xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp”… Bởi vậy, trong nhiều bài viết của mình, đồng chí Tổng bí thư luôn nhấn mạnh phát huy giá trị văn hóa con người Việt Nam và trong các bài viết này, văn, thơ, tục ngữ, ca dao được đồng chí Nguyễn Phú Trọng sử dụng khá đậm nét, khẳng định vốn quý của dân tộc và coi đó cũng chính là một trong những nguồn lực quan trọng để thể hiện, bảo vệ  nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh.                                                                                   

Văn hóa còn thì dân tộc còn

Trong bài phát biểu với tiêu đề: “Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” tại  Hội nghị Văn hóa toàn quốc, ngày 24-11-2021, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng coi văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. văn hóa còn thì dân tộc còn. Sau 75 năm nay (từ ngày 24-11-1946) mới lại có hội nghị toàn quốc về văn hóa với quy mô lớn thế này. Vì thế, bài phát biểu của đồng chí Tổng bí thư có rất nhiều câu thơ, tục ngữ, ca dao… nhằm góp phần làm rõ nền văn hóa Việt Nam, hồn cốt của dân tộc Việt Nam.

Cụ thể, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dùng ca dao, tục ngữ để nói về việc  xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục của gia đình và xã hội; nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết; trọng tình nghĩa, trọng công lý và đạo lý xã hội.

Đó là những câu như: "Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng"; "Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn"; "Thương người như thể thương thân"; "Lá lành đùm lá rách"; "Lá rách ít đùm lá rách nhiều"; "Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ"; "Kính lão đắc thọ"; "Kính già, già để tuổi cho"; "Anh em như thể chân tay"; "Kính trên nhường dưới"; "Vợ ta đói rách ta thương, vợ người áo gấm xông hương mặc người"; "Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn; Thuận bè thuận bạn tát cạn biển Đông"; "Đói cho sạch, rách cho thơm"; "Thật thà là cha quỷ quái"; "Tôn sư trọng đạo"; "Lời chào cao hơn mâm cỗ"; "Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng"; giữ lấy "nếp nhà", giữ lấy "Chân quê" (bài thơ của Nguyễn Bính năm 1936); giữ lấy tình nghĩa thuỷ chung son sắt (bài thơ "Việt Bắc" của nhà thơ Tố Hữu năm 1954)...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự hội nghị văn hóa toàn quốc  

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, ngày 14-12-2021, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng khéo léo dẫn các câu thơ để nói lên đường lối đối ngoại độc đáo, có bản sắc riêng của dân tộc Việt Nam:đầy hào khí, giàu tính nhân văn, hòa hiếu, trọng lẽ phải, công lý và chính nghĩa: "Đem đại nghĩa để thắng hung tàn; Lấy chí nhân mà thay cường bạo!"; "Dập tắt muôn đời lửa chiến tranh; Mở nền muôn thủa thái bình!" ("Bình Ngô đại cáo" - Nguyễn Trãi); dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh "phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ" để biết mình, biết người, luôn làm chủ tình thế; hiểu rõ vị trí chiến lược của Việt Nam trong mối quan hệ giữa các nước lớn, nước láng giềng; luôn luôn phải "biết mình, biết người," "biết thời, biết thế" để "cương nhu kết hợp" vì lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc.

 Đồng chí Tổng bí thư nhấn mạnh về trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam," "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển" ("Thân gầy guộc, lá mong manh, mà sao nên lũy, nên thành tre ơi!"), thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam. Đó là: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, "tùy cơ ứng biến," "lạt mềm buộc chặt". Những câu như: "Dĩ bất biến ứng vạn biến," "thêm bạn bớt thù,"  "Mang chuông đi đánh xứ người"… cũng được đồng chí Tổng bí thư sử dụng hợp lý, nêu bật quan điểm đối ngoại của Việt Nam.

 Không chí có vậy, trong các bài phát biểu về phát triển kinh tế xã hội, đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sử dụng nhiều áng văn, bài thơ để nói lên sức mạnh của từng vùng, miền.

Như tại hội nghị toàn quốc ngày 29-11-2022 quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23-11-2022 của Bộ Chính trị khóa 13 về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở Vùng đồng bằng sông Hồng , đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: nói đến Vùng đồng bằng sông Hồng là chúng ta cũng tự hào nói đến vùng đất châu thổ sông Hồng rất màu mỡ và giàu tiềm năng phát triển, có truyền thống lịch sử, cách mạng, anh hùng, rất vẻ vang; có nền văn hoá lâu đời, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc của Nền văn hoá sông Hồng, Nền văn minh lúa nước với vô vàn những di sản văn hoá vật thể cũng như phi vật thể quý giá, nhất là những làn điệu dân ca lay động làm say đắm lòng người, nuôi dưỡng, nâng cao tâm hồn và trí tuệ con người, rất đa dạng, phong phú mà hầu như địa phương nào cũng có (Quan họ Bắc Ninh; Chèo Thái Bình, Hưng Yên; Chầu Văn Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình; tiếng đàn bầu rất độc đáo "cung thanh là tiếng mẹ, cung trầm là giọng cha", có sức hút ghê gớm, đến mức phải khuyên nhau: Đàn bầu ai gẩy thì nghe, Làm thân con gái chớ có nghe đàn bầu!"...).

Ngay từ năm 1907, danh nhân văn hoá Ngô Quý Siêu, thành viên của "Phong trào Đông kinh nghĩa thục" đã từng viết trong bài thơ về Đồng bằng sông Hồng:"Hưng Yên, Nam Định, Bắc Ninh- Hải Dương, An Quảng gần quanh Hải Phòng- Tiện thay sông Nhị một dòng- Thuyền xuôi lại ngược, giàu lòng thảnh thơi- Tản viên, Tam đảo ngất trời- Rừng ngang một dải liền mười sáu châu- Đồng Tụ Long, thiếc Sông Ngâu-Tiền rừng, bạc biển, chẳng đâu sánh bằng!". Với cách dẫn dắt ấy, đồng chí Tổng bí thư đã thổi bùng lên khát vọng cống hiến, phát triển của người dân vùng đồng bằng sông Hồng.

Còn tại hội nghị  triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đồng chí Tổng bí thư nhấn mạnh về đức tính quý báu của người dân nơi đây: cần cù, chịu thương, chịu khó; tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, kiên cường, bất khuất vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, bất trắc trong cuộc sống do thiên tai, địch họa gây ra, đúng như nhà thơ nổi tiếng Tố Hữu đã khắc hoạ trong bài thơ "Nước non ngàn dặm": "Con người như dãy Trường Sơn- Vững chân bám trụ, chẳng sờn gian lao- Sống hiên ngang, sống thanh cao- Quê hương, biết mấy tự hào lòng ta!". Hay như nhà thơ Hoàng My Na đã viết trong bài thơ "Mời Anh về miền Trung": "Miền Trung yêu dấu ta ơi- Từ trong gian khó càng ngời sáng hơn - Nắng mưa dẫu có thất thường- Nâng niu đòn gánh tình thương hai đầu!", thật lắng đọng, da diết, thương yêu và biết mấy tự hào.

 Đồng chí Tổng bí thư cũng mong muốn các vùng miền thực hiện thật tốt, thật hiệu quả nghị quyết của Bộ Chính trị, có nhiều đóng góp to lớn hơn nữa cho việc hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; kiên quyết khắc phục tình trạng "Nghị quyết thì thật là hay, xem ra thực hiện còn gay trăm bề", hoặc "Đánh trống bỏ dùi", "Đầu voi, đuôi chuột".

  Xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam

Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, cần xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: “yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo”.

Trong bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam," Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Chúng ta xác định: con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới...”.

 Từ đó, đồng chí Tổng bí thư luôn căn dặn: mỗi cán bộ, đảng viên cần nghiêm túc thực hiện trách nhiệm nêu gương; người có chức vụ càng cao, cương vị càng lớn càng phải gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác để quần chúng, nhân dân noi theo; phải thể hiện được tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân; có phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn, thật sự là hạt nhân đoàn kết, quy tụ, tạo động lực và phát huy trí tuệ tập thể, theo tinh thần Bác Hồ đã dạy: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền".

Đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng dẫn lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải xây dựng được nhiều tấm gương người tốt, việc tốt. "Người tốt việc tốt" như hoa nở mùa Xuân, nêu gương sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng". "Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới".

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn mong muốn xây dựng con người Việt Nam “yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo”. Ảnh: Lễ khai giảng năm học mới 2023-2024 tại Trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng.

 Đồng chí Tổng bí thư cũng nêu rõ: phải kiên trì giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về đức tính liêm khiết, chính trực; xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực. Mọi cán bộ, đảng viên phải ghi nhớ sâu sắc lời căn dặn của Bác Hồ rằng: “Đảng ta là một đảng cầm quyền”; “phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Đảng phải luôn luôn dựa vào dân, lắng nghe dân, gắn bó máu thịt với nhân dân; “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm” và làm cho bằng được; ngược lại, “việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Việc gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm.

Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo, phải gương mẫu chấp hành, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chủ động xử lý khi có xung đột lợi ích; xây dựng và thực hiện tốt quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp; phê phán, lên án, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực. Tổng bí thư dẫn lời dạy của cha ông: “Thiện căn ở tại lòng ta-Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”; “Có tài mà cậy chi tài-Chữ tài liền với chữ tai một vần!”.

Có thể thấy, đó chính là những nội dung, tiêu chí, chuẩn mực quan trọng nhất của hệ giá trị con người Việt Nam được đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đúc kết qua nhiều bài viết, bài phát biểu. Trong đó, đã khéo léo vận dụng thơ ca, tục ngữ và những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nhân lên niềm tự hào Việt Nam, con người Việt Nam “yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo”./.

           (Còn tiếp)

Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông