Giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm: Trách nhiệm từ nhiều phía

18:32 26/07/2022

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến hết tháng 6-2022, vốn đầu tư công của thành phố đã giải ngân là 5.446 tỷ đồng, bằng 30% kế hoạch HĐND thành phố giao (18.103,7 tỷ đồng); bằng 42,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (12.720,7 tỷ đồng). So với bình quân chung cả nước đạt 25,7% thì kết quả giải ngân của Hải Phòng cao hơn và xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, đây vẫn được coi là 1 trong 7 hạn chế về thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm của thành phố và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển năm 2022, đòi hỏi tiếp tục có các giải pháp quyết liệt, khẩn trương.

                                                                             Nhiều yếu tố tác động

      Theo đồng chí Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm do có nhiều yếu tố tác động cả về khách quan và chủ quan. Cụ thể, dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng tới tiến độ thi công, xây dựng một số dự án. Ngoài ra, còn có những tác động từ giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng trên thế giới tăng mạnh, nên một số nhà thầu có tâm lý thi công cầm chừng, chờ giá xuống hoặc chờ Chính phủ cho phép điều chỉnh giá, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công.

      Tuy nhiên, những tác động từ yếu tố chủ quan là không nhỏ, trách nhiệm thuộc về nhiều phía. Trước hết, kế hoạch vốn năm 2022 cũng chưa được phân bổ hết. Cụ thể, HĐND thành phố đã phân bổ vốn năm 2022 từ tháng 12- 2021 nhưng còn khoảng 5192 tỷ đồng tới kỳ họp thứ 5 (tháng 4-2022) và kỳ họp thứ 6 (tháng 7-2022) mới được phân bổ hết.

       Thế nhưng, vướng  mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư vẫn được coi là nguyên nhân cơ bản nhất, lớn nhất. Nhiều dự án gặp vướng mắc, chậm trễ trong công tác GPMB, phải thực hiện cưỡng chế nên ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân, không chi trả được chi phí đền bù, không có mặt bằng thi công nên không giải ngân được cho công tác xây lắp như: dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ các dự án đầu tư cải tạo chung cư cũ trên địa bàn phường Đồng Quốc Bình (giai đoạn 1); chỉnh trang tuyến đường Lạch Tray thuộc dự án đầu tư xây dựng cầu Rào 1; dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Bắc sông Cấm; dự án xây dựng tuyến đường từ Lạng Am, huyện Vĩnh Bảo đến đường bộ ven biển…

                                                     

Đường 359 huyện Thủy Nguyên đang được gấp rút hoàn thành GPMB để thi công, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

        Bên cạnh đó, nhiều chương trình, dự án khởi công mới nhưng chậm hoàn tất các thủ tục đầu tư, đấu thầu….để giải ngân.Cụ thể,  chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022 triển khai tại 35 xã và dự kiến sẽ khởi công đồng loạt trong tháng 7 và 8 năm 2022 nên kết quả giải ngân 6 tháng đầu năm đạt thấp (mới đạt 147,9/2.626,2 tỷ đồng, bằng 5,63% kế hoạch).

     Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm, một số dự án khởi công mới đã được bố trí vốn nhưng chưa thể giải ngân do cần nhiều thời gian hoàn tất các thủ tục đầu tư trước khi khởi công. Hiện thời gian trung bình để khởi công dự án kể từ khi được phê duyệt dự án mất 6 tháng (đấu thầu tư vấn thiết kế; lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế, dự toán; phê duyệt ĐTM, đấu thầu xây lắp...).

      Điển hình là một số dự án như: chỉnh trang sông Tam Bạc đoạn từ cầu Lạc Long đến cầu Hoàng Văn Thụ (kế hoạch vốn là 280 tỷ đồng); dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải, hệ thống tín hiệu giao thông và công viên ven sông từ đường ven sông Cấm đến đê tả sông Cấm (kế hoạch vốn là 110 tỷ đồng); dự án xây dựng Trường Cao đẳng công nghiệp Hải Phòng (kế hoạch vốn là 106 tỷ đồng); dự án xây dựng chính quyền số thành phố Hải Phòng (kế hoạch vốn là 88,5 tỷ đồng)...

     Như vậy, trách nhiệm này thuộc về các ngành, các cấp, các BQL dự án và cả nhà thầu thi công. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, giữa chủ đầu tư với các cơ quan liên quan trong quá trình triển khai thực hiện dự án chưa chặt chẽ trong công tác đền bù GPMB, xác định giá đất, nguồn gốc đất, việc phê duyệt danh sách hộ gia đình được hỗ trợ nhà ở cho người có công ...

                                                                 Quyết tâm, quyết liệt giải ngân

       Nhận thấy đây là một trong những điểm nghẽn của thành phố nên các đồng chí Bí thư Thành ủy; Chủ tịch UBND thành phố đã trực tiếp chủ trì nhiều cuộc họp, làm việc, kiểm tra nên đã có nhiều chuyển biến trong quý 2 (hết quý 1 mới giải ngân được 7,6% kế hoạch).

        Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển, 6 tháng cuối năm cần quyết liệt, khẩn trương hơn nữa mới đạt được tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mong muốn. Tại kỳ họp thứ 6, HĐND thành phố khóa 16, Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Văn Lập yêu cầu phải tìm mọi giải pháp để bảo đảm giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2022.

         Để thực hiện nhiệm vụ này, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, cần tăng cường hơn nữa hiệu quả hoạt động của  Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2022; Tổ công tác kiểm tra công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công các dự án sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn thành phố; yêu cầu các chủ đầu tư đăng ký tiến độ giải ngân hằng quý...

       Nhưng quan trọng nhất vẫn là khẩn trương giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các dự án, nhất là công tác đền bù GPMB; các khó khăn tại các dự án trọng điểm, có kế hoạch vốn lớn; đôn đốc các chủ đầu tư giải ngân ngay khi có khối lượng thi công, tránh để dồn việc giải ngân vào các tháng cuối năm.

                                                           

Dự án xây dựng tuyến đường từ Lạng Am, huyện Vĩnh Bảo đến đường bộ ven biển cần phải đôn đốc hoàn thành GPMB để thi công

       Đối với các dự án khởi công mới, chỉ đạo các Sở quản lý chuyên ngành khẩn trương hoàn thành việc thẩm định, trình phê duyệt thiết kế, tổng dự toán, làm cơ sở để các chủ đầu tư tổ chức lựa chọn nhà thầu. Các chủ đầu tư khẩn trương tổ chức lựa chọn nhà thầu để ký hợp đồng thi công, sớm giải ngân vốn được giao.

       Thành phố sẽ rà soát cắt giảm, điều chuyển vốn của các sở, ngành, địa phương, đơn vị và các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang các sở, ngành, địa phương, đơn vị và các dự án có khả năng tốt hơn. Người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị chịu trách nhiệm về tiến độ giải ngân đã cam kết với UBND thành phố. Đến hết quý 3-2022, UBND thành phố sẽ rà soát, xem xét xử lý trách nhiệm đối với các đơn vị giải ngân dưới 80% vốn đã phân bổ.

     Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đầu tư công  đóng vai trò trung tâm trong giai đoạn phục hồi ở các nền kinh tế mới nổi và phát triển sau thời gian suy giảm vì tác động của đại dịch COVID-19. Việc tăng đầu tư công ở mức 1% GDP có thể kéo theo đầu tư tư nhân tăng 10%, việc làm tăng 1,2% và GDP tăng 2,7%.

      Do đó, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là một trong những công việc trọng tâm, cấp bách hiện nay, cần được các ngành, các cấp, các đơn vị đặc biệt quan tâm để đưa các nguồn lực đã phân bổ vào các công trình, dự án, góp phần đắc lực vào sự phát triển của thành phố.

Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông