Giáo chức tổng đội TNXP N41 Hải Phòng - một thời để nhớ!

16:32 15/07/2013

Chiến tranh đã qua đi gần 4 thập kỷ nhưng trong tâm trí những hội viên của Hội giáo chức TNXP (thanh niên xung phong) chống Mỹ cứu nước N41 Hải Phòng thì những kỷ niệm thời chiến vẫn còn vẹn nguyên. Hàng năm, trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi đầy xúc động, họ cùng nhau ôn lại quá khứ đáng tự hào và trân trọng…
Chiến tranh đã qua đi gần 4 thập kỷ nhưng trong tâm trí những hội viên của Hội giáo chức TNXP (thanh niên xung phong) chống Mỹ cứu nước N41 Hải Phòng thì những kỷ niệm thời chiến vẫn còn vẹn nguyên. Hàng năm, trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi đầy xúc động, họ cùng nhau ôn lại quá khứ đáng tự hào và trân trọng…

Niềm vui ngày gặp mặt
Niềm vui ngày gặp mặt

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 10-4-1965: “Chúng ta yêu chuộng hòa bình, nhưng chúng ta không sợ chiến tranh. Chúng ta quyết đánh đuổi giặc Mỹ xâm lược để bảo vệ tự do, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ tổ quốc ta”, nhân dân ta từ Bắc đến Nam một lần nữa lại đứng lên chống kẻ thù xâm lược. Tại Hải Phòng, hưởng ứng phong trào thi đua “Thanh niên 3 sẵn sàng” do Thành đoàn Hải Phòng phát động, ngay trong năm 1965, hơn 14.000 TNXP Hải Phòng thuộc tổng đội N41 đã lên đường ra chiến trường. Trong số họ có 21 thầy, cô giáo trên địa bàn thành phố đã gác bút nghiên lên đường.

Thầy giáo Nguyễn Thanh Thăng, hội viên của hội xúc động kể lại: “Tạm biệt mái trường và học sinh thân yêu, ngày 5-7-1965, các thầy cô nhận nhiệm vụ mới, vừa dạy học, vừa tham gia công tác tuyên huấn tại 10 đại đội của tổng đội N41 TNXP Hải Phòng. Toàn tổng đội hành quân liên tục 16 ngày từ Hải Phòng vào Thanh Chương (Nghệ An), tham gia làm đường 15A. Được 8 tháng, chúng tôi tiếp tục hành quân vào Quảng Bình, rồi Kỳ Anh (Hà Tĩnh), nơi địch đang đánh phá ác liệt. Nhiệm vụ của TNXP lúc đó là đảm bảo giao thông cho xe ta vào chiến trường tiếp viện đạn dược, lương thực. Giữa mưa bom bão đạn của kẻ thù, những thầy, cô luôn giữ vững quyết tâm, nêu cao khẩu hiệu “sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”.

Trên chiến trường ác liệt, phải đối mặt với muôn vàn khó khăn thiếu thốn, bom đạn của quân thù liên tục dội xuống, nhưng giáo viên vẫn hăng say giảng bài. Ban ngày, chúng tôi ra đường cùng các chiến sỹ TNXP đảm bảo giao thông, sẻ núi, san lấp hố bom, bắc cầu để đảm bảo cho xe ta vận tải, cơ sở vật chất vào chiến trường. Ban đêm, chúng tôi tổ chức dạy học tại nhà dân, hay ngay tại tuyến hào, dạy cho bộ đội và TNXP về văn hóa, tư tưởng chính trị…”.

Tuyến đường 21-22 thuộc đường Trường Sơn cũng là một trong những vị trí giao thông trọng yếu, mục tiêu đánh phá của đế quốc Mỹ nhằm ngăn chặn sự chi viện từ miền Bắc và chiến trường miền Nam. Có những thời điểm địch đánh phá ác liệt cả ngày lẫn đêm, nhiều chiến sỹ đã anh dũng hy sinh để bám đường, bám cầu, đảm bảo giao thông. Lúc đó, cả tiểu đội TNXP tổ chức mai táng anh em, nhưng chưa kịp chôn, thì một loạt bom đạn mới lại liên tiếp dội xuống. Có những bữa cơm bày ra chưa kịp ăn thì nhận được tin đồng đội hy sinh. Bát cơm chan nước mắt nhạt nhòa, xen lẫn đau thương cùng lòng căm thù giặc sâu sắc đã thôi thúc thầy, cô tiếp tục bám cầu, bám đường, với quyết tâm “thắng không kiêu, bại không nản”. Rồi có những ngày, cả tiểu đội phải nhịn đói vì không có lương thực, phải chia nhau từng củ sắn để cầm hơi. Có những thầy giáo bị những trận sốt rét rừng hành hạ, không có thuốc uống nên đã không qua khỏi. Rồi có những thầy giáo trúng bom đạn của giặc Mỹ, cơ thể dày đặc những vết thương rỉ máu, đau đớn tột cùng nhưng không chịu về, vẫn xin ở lại chiến trường để được dạy học cho bộ đội và tham gia chiến đấu, với tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dạy tương lai”...

Suốt chặng đường 10 năm (1965-1975) tham gia lao động và chiến đấu trên tuyến đường miền Đông của Trường Sơn, các thầy, cô giáo vẫn hiên ngang bất khuất, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong số 21 thầy, cô giáo tình nguyện ra chiến trường, 10 người trong số họ đã vĩnh viễn nằm lại ở tuyến đường 21-22. Trở về hậu phương, nhiều thầy cô còn mang trên mình vết thương chiến tranh và chứng bệnh sốt rét, sức khỏe giảm sút nhưng vẫn tích cực học tập, tham gia công tác tại địa phương. Nhiều thầy đã giữ cương vị là chủ tịch huyện, giám đốc, phó giám đốc các sở, hay hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường học.

 Gần 40 năm đã qua đi, những thầy, cô giáo của tổng đội TNXP N41 Hải Phòng ngày ấy đều đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng vẫn tích cực tham gia công tác xã hội tại địa phương. Nhiều thầy vẫn lặng lẽ vào các chiến trường để tìm một phần hài cốt của đồng đội. Mới đây, hội đã tổ chức đưa hài cốt liệt sỹ Đỗ Thị Gần về xã Đông Hải, Hải An. Được biết, Hội giáo chức TNXP cũng đang chuẩn bị cùng đại đức Thích Bán Phúc, chùa Hương Khánh, quận Hải An, hành trình vào Trường Sơn để xây bia mộ và cầu siêu cho vong linh liệt sỹ Nguyễn Thị Ngoan, quê Vĩnh Bảo. Đó là sự tri ân của những thầy, cô giáo đã một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” với những đồng đội thân yêu đã mãi mãi nằm lại trên tuyến đường Trường Sơn ngày ấy.



Hồng Hải


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông