11:45 27/01/2024 Sáng ngày 27-1, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng (GD&ĐT) tổ chức sơ kết học kỳ 1 và đề ra phương hướng thực hiện nhiệm vụ học kỳ II, năm học 2023 - 2024. Tới dự có đồng chí Phạm Quốc Hiệu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT; lãnh đạo, chuyên viên phòng Giáo dục Tiểu học - Sở GD&ĐT và các phòng GD&ĐT quận, huyện cùng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán chuyên môn thành phố cấp tiểu học.
Năm học 2023 - 2024, toàn thành phố có 203 trường tiểu học, 27 trường phổ thông có cấp tiểu học với quy mô 5114 lớp, tương đương với 181969 học sinh, giảm so với năm học trước 12433 học sinh.
Học kỳ I vừa qua, các cơ sở giáo dục đã thành thạo trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục và kế hoạch bài dạy được đảm bảo tỷ lệ hợp lý trên thời khoá biểu. Đối với lớp 1, 2, 3, 4, đã tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT) theo các văn bản hướng dẫn; tổ chức dạy học kết hợp rèn luyện kỹ năng cho học sinh lớp 5 để các em sẵn sàng tâm thế chuẩn bị học lớp 6 theo Chương trình GDPT 2018.
Bên cạnh đó, triển khai dạy học Ngoại ngữ 1 là tiếng Anh và một số ngoại ngữ khác (tiếng Pháp, tiếng Hàn..) là môn học tự chọn đối với lớp 1, 2; là môn học bắt buộc đối với lớp 3, lớp 4. Một số đơn vị đã thí điểm triển khai dạy Ngoại ngữ 1 là tiếng Hàn đối với lớp 3 như quận Lê Chân, huyện An Dương với tổng số học sinh học tiếng Hàn là 241 em, tương ứng với 5 lớp. Đối với môn Tin học được tổ chức dạy như một môn bắt buộc cho 100% học sinh lớp 3, lớp 4 theo yêu cầu được quy định trong Chương trình GDPT 2018.Về công tác Đội và phong trào thiếu nhi, Sở GD&ĐT phối hợp với Thành đoàn Hải Phòng chỉ đạo các nhà trường đăng ký và xây dựng kế hoạch tổ chức thành công 24 chuyên đề Đội cấp thành phố, có ý nghĩa giáo dục tốt, làm nổi bật nhiệm vụ công tác Đội và thiếu nhi trường học.
Ngoài ra, học kỳ vừa rồi, các nhà trường cũng rất tích cực triển khai giáo dục STEM ở các khối lớp; chú trọng giáo dục lối sống, kỹ năng sống cho học sinh tích hợp trong giảng dạy các môn học của chương trình chính khóa; tổ chức bán trú phù hợp điều kiện thực tế, trên cơ sở thống nhất, tự nguyện của phụ huynh, học sinh; quan tâm, phát triển công tác thư viện, thiết bị trường học; đồng thời thực hiện linh hoạt các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, phương pháp và hình thức đánh giá; duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục và đảm bảo hiệu quả công tác kiểm định chất lượng giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; chăm lo đời sống, giáo dục trẻ khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; củng cố, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; đặc biệt tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GD&ĐT.
Một số nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục tiểu học trong học kỳ II là: Tập trung triển khai lựa chọn sách giáo khoa lớp 5 và bổ sung danh mục sách giáo khoa các lớp còn lại năm học 2024 - 2025 theo quy định; tiếp tục tham gia các đợt bồi dưỡng giáo viên do Bộ GD&ĐT tổ chức, đặc biệt đối với giáo viên dạy lớp 5 năm học 2024 - 2025; tổ chức bàn giao chất lượng giáo dục cuối năm học; thực hiện khen thưởng học sinh thực chất, đúng quy định; chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để thực hiện chương trình GDPT 2018 đối với lớp 5./.
Kim Anh
21:17 22/11/2024
17:01 20/11/2024