Giao thừa ấm áp

08:38 24/01/2020

Con đường hun hút gió. Đêm ba mươi tháng Chạp.Tối mịt tối mò. Lất phất mưa và căm căm rét. Kim giờ của chiếc đồng hồ dạ quang trên tay tôi đã nhích qua con số 11. Vậy là tôi sẽ có có mặt trong căn nhà ấm áp của mình đúng lúc giao thừa, thời khắc thiêng liêng nhất trong một năm đối với mỗi gia đình.

Còn đang ngất ngây với những phút giây tưởng tượng ra cảnh đoàn tụ cùng vợ con sau ba năm “trấn thủ lưu đồn” chưa lần nào được về nhà ăn Tết thì bất ngờ chiếc xe của tôi chao đảo như con ngựa bất kham hất tung tôi xuống đường. Khi định thần lại, tôi hiểu ngay ra cơ sự, lồm cồm bò dậy, cố sức gạt chân chống giữa dựng xe rồi lần tìm trên chiếc lốp trước đã xẹp lép. Ngón tay tôi đã chạm vào đầu một chiếc đinh nhọn hoắt. Không thể nào rút nổi cái đinh ra khỏi lốp. Cảm giác khấp khởi hạnh phúc phút chốc bị thay bằng nỗi bực dọc xen lẫn lo lắng. Bốn bề vắng lặng. Gió lạnh kèm những hạt mưa bủa vây tôi. Đúng là đêm của năm cùng tháng tận. Không thể dắt nổi con xe Wave hết hơi đang chất đầy hàng hóa, đồ đạc phía sau.

Đành phải chờ đợi sự may rủi vậy. Và tôi ước sẽ có một chiếc xe ô tô tải nào hết hàng chạy qua, người tài xế tốt bụng thương cảnh lính tráng xa nhà cho qúa giang đến một quán sửa xe bên đường. Hay có một người tốt nào đi xe máy qua đây chịu khó dừng lại ít phút dọi đèn cho tôi vá tạm lại cái xăm thủng. Tệ nữa là bọn “đinh tặc” phát hiện ra “con mồi” của chúng đã sập bẫy đến “giúp đỡ” rồi “chém chặt”...

Trong lúc còn đang bấn loạn với những ý nghĩ mông lung như vậy, tôi chợt thấy phía trước có ánh đèn xe máy quét tới.

Ít phút sau chiếc xe máy đã dừng bánh trước mặt tôi. Một trong hai người ngồi trên xe hỏi:

- Có chuyện gì thế ông bạn?

- Dính đinh. Nhưng đã gọi điện cho mấy thằng em ra đón rồi.

Tôi cố đáp bằng giọng cứng cỏi và bịa ra chuyện gọi điện chứ mấy thằng em tôi, đứa ở tít Sài Gòn, đứa ở tận Sơn La.

- Trong khi đợi, có cần giúp không? Bọn này mang sẵn đồ phòng xa đêm hôm đây.

Đích thị là bọn “đinh tặc” rồi. Có rải đinh thì mới biết mình gặp nạn ở đây mà kịp đến chứ. Còn chuyện mang theo đồ nghề chữa xe phòng xa, chúng cũng phịa ra như mình phịa chuyện gọi điện thoại thôi. Không còn cách nào khác, tôi đành chấp nhận nhưng vẫn cố tỏ ra vững vàng:

- Chắc phải mươi phút nữa mấy thằng em mới đến được. Tết nhất, phiền các cậu giúp vậy.

Được lời của tôi, anh chàng thấp đậm cầm lái dựng xe sang bên đường rồi soi đèn pin cho anh bạn cao gầy mở túi đồ nghề. Có cả một cái bơm giận bằng chân từ “thế kỷ trước”. Anh chàng cao gầy dùng kìm nhổ chiếc đinh dài ngoẵng ra hỏi lốp. Đoạn, anh ta làm tiếp công việc lấy xăm ra lần tìm chỗ thủng.

Qua ánh đèn pin tôi thấy bàn tay của anh “thợ” cứ lóng nga lóng ngóng. Ngữ này chắc chỉ quen rải đinh chứ chẳng thạo bơm vá đâu. Lại nữa, sau khi diễn xong trò này, bọn họ sẽ “hét” bao nhiêu tiền đây. Nghĩ vậy tôi đành phải lên tiếng mong giảm bớt cái sự “chém chặt”:

- Các ông định lấy miếng vá này bao nhiêu tiền? Tôi là lính biên phòng đóng quân tít trên Bình Liêu, chả có nhiều tiền đâu.

Anh chàng thấp đậm đáp lại bằng giọng khàn khàn pha chút hài hước:

- Đáng lẽ ông phải hỏi câu này từ khi chúng tôi bắt đầu công việc mới hợp lý. Nhưng thôi, nói để ông yên tâm, chắc chắn chúng tôi không cùng hội cùng thuyền với bọn chuyên bắt chẹt khách theo kiểu “cơm nhốt” hay bật bia rượu kèm “ca ce tươi” đâu...

- Thì cũng đưa ra một cái giá để cánh lính tráng bọn tôi định liệu chứ - Tôi tiếp.

- Đã có giá chung rồi mà...

Dẫu vụng về nhưng cuối cùng “anh thợ “cũng đã chuyển sang công đoạn cuối cùng là bơm lại chiếc lốp vừa bị thủng. Tôi bấm điện thoại xem đồng hồ. Còn mười năm phút nữa là đến giao thừa. Từ xa lại xuất hiện ánh đèn xe máy. Chưa đầy một phút sau chiếc xe máy phân khối lớn dừng lại trước mặt chúng tôi. Hai thanh niên ngồi trên xe đồng thanh hỏi:

- Có chuyện gì đấy?

Tôi lặp lại câu trả lời ban nãy:

- Dính đinh.

Một trong hai gã mới đến cười khẩy rồi nói:

- Trò hề của “đinh tặc” đây mà. Vậy các ông tự vá được hở?

Hai anh chàng này có thể trở thành “đồng minh” giúp cho mình thoát khỏi cái giá “chém chặt” chăng? Tôi thoáng nẩy ra ý nghĩ như vậy, liền đáp thật trung thực:

- Không, xe vừa dính đinh thì tình cờ hai ông bạn này đi qua. Đêm hôm rét mướt, thương tình lính tráng về Tết các ông ấy giúp là may rồi.

- Đến giúp hay đến “chém” đấy? Anh chàng mới đến lên giọng.

Tôi cảm thấy bình tĩnh hơn vì sự có mặt của hai người bạn mới, bèn dàn hòa:

- Đừng nghĩ oan cho các ông ấy. Thỏa thuận trước rồi, các ông ấy nói chỉ lấy giá chung thôi mà.

Rồi tôi quay sang hỏi anh chàng thấp đậm đang cầm đèn pin:

- Công việc xong rồi, các ông cho tôi gửi tiền.

- Hai miếng vá xăm “xuyên táo” và một miếng lót lốp..., giá chung là tám chục ngàn đồng. Đêm hôm rét mướt cho xin thêm chút nữa là trăm rưỡi, hợp lý chưa? Giá này chịu được. Tôi rút ví lấy tiền toan trả. Ngay lập tức gã ngồi sau xe phân khối lớn nhẩy phắt xuống đường mở hộp đồ nghề bằng sắt lấy ra chiếc kéo huơ lên ngăn tôi trả tiền rồi lớn tiếng với anh giọng khàn:

- Này, đất có thổ công, sông có hà bá. Dễ thường bọn tao dọn cỗ cho lũ vạc ăn đêm chúng mày vớ đấy hở?

Gã đi cùng hắn cũng bước đến lục hộp đồ nghề lấy chiếc búa đinh lăm lăm trong tay.

Trời tối thế này cũng khó bề “trông mặt mà bắt hình dong”. Có thể đây là hai nhóm “đinh tặc” tranh giành lãnh địa của nhau. Cũng có thể chúng cùng hội cùng thuyền, diễn tiếp trò để bắt chẹt tôi. Cũng có thể...

Trong lúc tôi còn đang mông lung đoán định như vậy thì anh chàng vá xăm dứng phắt dậy lao đến bẻ quặt tay gã cầm kéo. Lập tức anh chàng giọng khàn dúi chiếc đèn pin vào tay tôi rồi tung chân đá văng chiếc búa trong tay gã còn lại. Gã mất búa lao đến vớ hộp đồ nghề làm vũ khí tấn công đối thủ. Anh chàng giọng khàn né người tránh đòn khiến hộp đồ nghề văng ra đường đủ thứ cờ-lê, mỏ-lết.

Đến lúc này thì tôi dám chắc hai anh chàng vá xe cho tôi, nếu không phải là công an thay hình đổi dạng thì cũng là hiệp sỹ mà báo chí đã nói đến gần đây. Nghĩ vậy tôi quyết định đứng về phía họ. Chỉ cần vài miếng võ của lính biên phòng và chỉ trong “một nốt nhạc”, tôi đã giúp anh chàng giọng khàn quật ngã hắn. Chiếc còng số tám trong túi áo anh chàng cao gầy khóa tay nốt tên đinh tặc hung hãn mà chúng tôi vừa hạ gục. Xong xuôi mọi việc, anh chàng cao gầy mới lấy điện thoại ra bấm số. Giọng anh nho nhỏ:

- Báo cáo, tổ công tác số 3 đã hoàn thành nhiệm vụ. Thủ trưởng cho xe đặc chủng xuống ki-lô-mét 24 gần cầu Vàng.

Trong máy vọng ra một giọng ấm áp:

- Vậy là tốt rồi. Bây giờ tranh thủ nói chuyện với cô ấy nhá.

Anh chàng vá xe cho tôi đã lảng dần ra chỗ khác. Đêm thanh vắng tiếng một phụ nữ lảnh lót vẫn vọng đến tai tôi:

- Thủ trưởng cho người đến đón mẹ con em ra đón giao thừa cùng đơn vị anh. Mấy nhà có người đi công tác đột xuất đêm nay cũng được mời như nhà mình. Từ chập tối đến giờ con “chíp” cứ hỏi bố đâu... Mấy lần em đều phải nói... lát nữa bố về... Bây giờ nó đang nhè bắt đền đây này...

Đúng thời khắc giao thừa tôi đã được gặp mẹ con người phụ nữ có giọng nói lảnh lót ấy. Cô ấy rất xinh và là vợ anh chàng trung úy cảnh sát hình sự khá điển trai đã vá miếng xăm xe thủng ban nãy cho tôi. Với tư cách là người bị hại, tôi ký biên bản phạm pháp quả tang của hai tên đinh tặc. Anh chàng giọng khàn lúc này cũng đã cởi áo khoác ngoài. Hóa ra đó là một dân phòng trẻ măng. Anh ta nói với tôi:

- Em mới đích thị là thợ sửa chữa ô tô xe máy. Mấy đêm nay em được các anh công an trưng dụng đi tuần tra cùng. Công nhận anh có mấy miếng võ quá siêu.

Chàng trung úy cho biên bản vào cặp hồ sơ, rót nước mời tôi rồi mỉm cười hỏi anh dân phòng:

- Vậy miếng võ của tớ thế nào?

- Miếng võ thì cũng siêu. Nhưng miếng vá xăm thì dở. Là nể anh “diễn” để nhử “đinh tặc” chứ bọn em mà làm thế thì chủ ga-ra cho nghỉ lâu rồi...

Tôi nhìn họ và sực nhớ ra là phải gọi điện về nhà. Tiếng con trai tôi vang lên trong máy:

- Sao bố đi chậm thế. Mẹ đang cúng thay bố đây này.

- Nói với mẹ là đúng 20 phút nữa bố sẽ có mặt ở nhà. Lễ đón giao thừa của nhà mình năm nay sẽ kéo dài thêm 30 phút. Bố đã có một câu chuyện về một đêm giao thừa rất ấm áp để kể với mọi người đây rồi...

Truyện ngắn của Nhà văn, Đại tá CAND Nguyễn Xuân Hải

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông