Giật mình bởi khoảng trống mênh mông

14:05 04/07/2012

Chiến thắng 9-0 trước Philippine là điểm sáng duy nhất trong hành trình chinh phục VCK U22 Châu Á của thầy trò HLV Lư Đình Tuấn.
Chiến thắng 9-0 trước Philippine là điểm sáng duy nhất trong hành trình chinh phục VCK U22 Châu Á của thầy trò HLV Lư Đình Tuấn.

Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến việc U22 Việt Nam không thể giành vé mặc dù rơi vào bảng đấu được đánh giá là “khá ngon”. Năng lực của HLV bị nghi ngờ nhưng điều đó không đáng lo ngại bằng một khoảng trống mênh mông về lực lượng của U22 Việt Nam bởi cách làm hớt ngọn, thiếu hệ thống của bóng đá Việt Nam…

Ngoài đối thủ Hàn Quốc rất mạnh và được mặc định chiếm 1 vé ở bảng G, những đội bóng còn lại như: Malaysia, Philippines, Myanmar hay Đài Loan đều được đánh giá là ngang ngửa nhưng U22 Việt Nam đã phải sớm chia tay giải đấu bởi để thua những đối thủ trực tiếp như Myanmar, Malaysia hay Đài Loan. Chiến thắng 9-0 trước Philippines chỉ mang tính an ủi.

Thất bại của U22 Việt Nam chính là hệ lụy của cách làm bóng đá thiếu bài bản, không có hệ thống cũng như mất tính kế thừa từ các tuyến. Đó chính là nguyên nhân dẫn tới sự yếu kém của bóng đá trẻ Việt Nam ở đấu trường khu vực mà đặc biệt là tại Sea Games. Mặc dù giải vô địch Việt Nam được tung hô là số 1 Đông Nam Á nhưng các cầu thủ trẻ Việt Nam luôn phải nhận quả đắng bởi được kỳ vọng cao song kết quả luôn là sự thất vọng. Không khó để giải thích điều này bởi ở giải quốc nội, các CLB luôn đặt nặng thành tích và luôn dành ưu tiên số 1 cho các ngoại binh cũng như cầu thủ nhập tịch, rồi đến các ngôi sao nội khác.

Trong khi đó, các cầu thủ trẻ được lên đội 1 với nhiệm vụ chính là đánh bóng ghế dự bị. Điều đó là đương nhiên, bởi các ông bầu đổ tiền làm bóng đá vì thương hiệu và họ phải đạt được thành tích. Nhưng trong vai trò cơ quan điều hành bóng đá, VFF đã bỏ qua những tuyến trẻ và chỉ nhăm nhăm trông vào V. League với những khoản lợi nhuận và danh tiếng. Chính vì vậy, V. League càng phát triển thì bóng đá trẻ càng còi cọc, yếm thế vì không có môi trường cọ xát.

Trong đội hình của U22 Việt Nam cũng có những cầu thủ trẻ tài năng như Văn Quyết, Thanh Hào, Bửu Ngọc, Hoàng Thịnh hay Quốc Phương… thế nhưng HLV Lư Đình Tuấn không thể chỉ trông chờ vào 5 cầu thủ này để xưng hùng ở đấu trường Châu Á. Bởi khoảng cách chuyên môn giữa họ và phần còn lại quá lớn trong khi bóng đá là môn thể thao của 11 người. Ngoài ra, U22 liên tục thay đổi HLV trưởng khiến cho lối chơi của đội bóng thiếu tính ổn định.

Không thể trách HLV Lư Đình Tuấn bởi ông cũng không hề có kinh nghiệm dẫn dắt đội tuyển cũng như mới chỉ nắm đội được hơn một tháng trước khi vào giải. Vấn đề chính được đặt ra là làm thế nào để xóa được khoảng cách về lực lượng của bóng đá trẻ Việt Nam nhằm tạo nguồn cầu thủ dồi dào, chất lượng cho ĐTQG? Câu trả lời nằm ở phía VFF bởi sau giải chắc chắn họ tiếp tục bài ca rút kinh nghiệm, tìm hiểu nguyên nhân thất bại…

Những thất bại liên tiếp của bóng đá trẻ Việt Nam sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của ĐTQG và đã đến lúc VFF cần phải hành động quyết liệt hơn nữa để xóa bỏ khoảng trống về lực lượng ở các cấp độ đội tuyển nếu không muốn chứng kiến nền bóng đá Việt Nam lao dốc.

PHAN ANH


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông